Hà Nội tạo cơ chế thông thoáng cho phát triển xe điện

TUẤN DƯƠNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nằm trong nhiệm vụ giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, việc chấp thuận quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện được nhìn nhận là hợp lý, đúng với định hướng phát triển xe điện.

Hà Nội "mở đường" cho xe điện

TP Hà Nội với diện tích 3.344,7 km2, tính đến năm 2018 dân số của Thủ đô trên 8 triệu người. Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm dự báo đến năm 2020 sẽ đạt ngưỡng 10,5 triệu người, tốc độ tăng dân số cao sẽ gây sức ép lớn đến hệ thống hạ tầng GTVT, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.

Đến thời điểm hiện tại, UBND TP Hà Nội đã cấp phép thí điểm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bốn bánh sử dụng động cơ điện cho 5 doanh nghiệp với tổng số 88 xe đang hoạt động thí điểm tại 3 khu vực hạn chế với 7 tuyến theo quy định.

Ha Noi tao co che thong thoang cho phat trien xe dien - Hinh anh 1
 Với mục tiêu phát triển xe điện trên địa bàn TP, việc quản lý mô hình này là cần thiết.

Trong đó, tuyến dài nhất là tuyến 01 - "Du lịch văn hóa - lịch sử Hồ Tây bằng xe điện" tại khu vực Hồ Tây (18km) và tuyến ngắn nhất là tuyến 03 - Đường đôi Đinh Tiên Hoàng (Bến đỗ xe Bờ Hồ cũ) - Điểm đỗ xe Bãi Đá (Trần Quang Khải) với chiều dài 1,5km.

Để đảm bảo hạ tầng cũng như tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của Nhân dân trên địa bàn TP, mới đây UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án "Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn TP Hà Nội phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông".

Với mục tiêu đánh giá hiện trạng và nhu cầu sử dụng xe chở bốn bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn TP Hà Nội; Xác định được phạm vi, cách tính số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển du lịch và phù hợp với Kế hoạch phát triển GTVT trên địa bàn TP; Đề xuất các giải pháp quản lý loại hình xe điện này.

Đồng thời UBND TP Hà Nội cho phép triển khai hoạt động của xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện để phục vụ trung chuyển hành khách từ bãi đỗ xe vào các khu du lịch, khu di tích có hạ tầng đáp ứng yêu cầu.

Dự kiến, sẽ có thêm 8 tuyến thí điểm bổ sung gồm: Khu du lịch Làng cổ Đường Lâm, khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, khu du lịch Chùa Hương, khu du lịch Làng nghề Gốm sứ Bát Tràng, khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà, công viên Yên Sở, khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao.

Trong khi đó, theo Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhận định, loại hình phương tiện bốn bánh sử dụng động cơ điện sẽ giúp rất nhiều cho hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, phát triển du lịch.

"Qua thời gian thí điểm sử dụng xe điện trong khu phố cổ ở Hà Nội, loại hình này đã từng bước khắc phục các tình trạng "cò mồi", chèo kéo và đeo bám khách du lịch. Từ đó tạo dựng được hình ảnh mới, đẹp, văn minh về giao thông đô thị, không gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường." - Thạc sĩ Lê Sơn Tùng cho biết.

Con đường không thể thay đổi

Với lộ trình hạn chế, hướng tới "khai tử" phương tiện sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2050 của Chính phủ, các hãng ô tô tại Việt Nam cũng đã và đang dần chuyển dịch sang xe điện như một xu hướng tất yếu.

Sự phát triển của ô tô điện tại Việt Nam không chỉ thể hiện từ việc các hãng xe liên tiếp giới thiệu và truyền thông ra công chúng các mẫu xe điện mới mà đã nhận được sự quan tâm thực sự của chính những người Việt.

PGS. TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, ô tô càng tiết kiệm nhiên liệu thì đồng nghĩa là giảm phát thải. Điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để giảm phát thải cho ngành giao thông vận tải (GTVT).

Ha Noi tao co che thong thoang cho phat trien xe dien - Hinh anh 2
Audi e-tron SUV sẽ mẫu xe điện thứ 2 được giới thiệu tại Việt Nam trong năm nay.

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Đào Công Quyết cho biết, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cần được sự quan tâm. "Với mong muốn giảm phát thải từ xe hơi để bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các thành viên VAMA đang không ngừng cải tiến, ra mắt các mẫu xe mới với các công nghệ thân thiện môi trường, trong đó có xe điện", ông Quyết nói.

ông Laurent Genet, Tổng Giám đốc Nhà nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA), tất cả những sản phẩm hiện có cũng như xuất hiện trong tương lai gần của hãng xe này đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, ông Đỗ Tú Cường - Quản lý cao cấp, bộ phận Sản phẩm của Mercedes-Benz Việt Nam tự tin dự báo, với các giải pháp được đưa ra từ những nghiên cứu, chế tạo một cách nghiêm túc, đến năm 2025, người tiêu dùng sẽ hoàn toàn có thể có “một giải pháp thay thế" xe động cơ đốt trong.

Có thể thấy rằng, dù mỗi hãng xe có những lộ trình, công nghệ riêng nhưng đều đã và đang hướng đến mục tiêu chung là góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong đó, phát triển các dòng xe điện chính là hướng đi không thể khác.

3 khu vực đang thí điểm xe điện như sau:
1. Khu vực Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài
2. Khu vực Hồ Tây
3. Khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm

 

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h