|
Lực lượng chức năng đã trưng dụng 1 xe cát tiến hành xử lý vết dầu loang. |
Trước đó, vào sáng cùng ngày (28/10) tổ công tác của Đội CSGT số 15 làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp phát hiện có vết dầu loang trên đường Trường Sa dài khoảng hơn 1km.
Dầu loang trên đường chiếm phần lớn diện tích mặt đường gây nguy hiểm cho dòng phương tiện qua lại khu vực. Nhiều người dân điều khiển xe máy đi qua đây đã bị trượt bánh, đổ ngã, xây xát.
Ngay sau khi phát hiện, tổ công tác đã điện báo đơn vị chức năng quản lý tuyến đường. Đồng thời, chủ động trưng dụng một xe cát cùng công ty môi trường ở huyện Đông Anh để phủ, hút dầu loang trên mặt đường, đảm bảo an toàn cho phương tiện đi lại. Khoảng 10g45 phút, đã dọn dẹp xong toàn bộ số dầu ô tô loang trên đường, trả lại mặt bằng an toàn cho người dân đi lại.
Hiện, Đội CSGT số 15 đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và truy đến cùng lái xe vi phạm trên.
|
Vết dầu loang trải dài khoảng hơn 1km khiến nhiều phương tiện di chuyển qua lại gặp khó khăn. |
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi hành vi làm rơi dầu loang trên đường của người điều khiển xe ô tô trong vụ việc trên sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên luật sư Phạm Quang Xá (Công ty luật TXVN – Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc dầu loang trên đường có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Cho dù chúng ta có loại trừ khả năng lái xe nào đó cố tình đổ dầu tạo “bẫy” mà nghiêng về giả thuyết phương tiện gặp sự cố gây loang dầu trên mặt đường thì lái xe đó phải có trách nhiệm dừng lại, phối hợp cùng với cơ quan chức năng để giải quyết sự việc, đặc biệt đặt cảnh báo để người dân biết nguy hiểm, phòng ngừa tai nạn.
“Việc gây ra đổ, chảy dầu xuống gần 1km đường với diện tích phủ kín một chiều đường như trên của lái xe thể hiện sự vô trách nhiệm, coi thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông. Hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm khắc”, luật sư Phạm Quang Xá cho hay.
Luật sư Phạm Quang Xá cũng trích dẫn, theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi để ra rơi vãi ra đường có thể bị xử phạt tới 15 triệu đồng. Cụ thể, khoản 2, khoản 3 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định như sau:
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.
Kể từ ngày 10/07/2021, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực đã giảm mạnh mức phạt đối với hành vi để rơi vãi rác ra đường. Cụ thể, điểm a khoản 18 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện; thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này; còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Đống thời người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.
Giaothonghanoi sẽ tiếp tục phản ánh thông tin vụ việc.