Hạ tầng cho xe điện cá nhân: Nỗi lo mới của Hà Nội

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Vài năm qua, lượng xe điện cá nhân, bao gồm cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp tại Hà Nội tăng khá nhanh, đặt ra yêu cầu mới đối với TP về bảo đảm khả năng cung cấp nguồn năng lượng cũng như an toàn cháy nổ.

Nếu không sớm có biện pháp quản lý, kiểm soát, việc sử dụng xe điện cá nhân sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Quá tải sẽ dẫn đến rủi ro

Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, TP hiện có khoảng 200.000 xe máy, xe đạp điện cùng với hàng nghìn ô tô điện đã được đưa vào sử dụng. So với tổng thể gần 8 triệu phương tiện phương tiện cá nhân, con số này không lớn. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng phương tiện sử dụng điện, thay thế xe chạy xăng dầu trong cộng đồng đang ngày càng rõ nét.

Ha tang cho xe dien ca nhan: Noi lo moi cua Ha Noi - Hinh anh 1
Các chung cư tại Hà Nội hiện chưa có các trạm sạc xe máy điện, xe đạp điện chuyên dụng. Ảnh: Mạnh Mai 

Mới đây, đơn vị quản lý 10 tuyến xe buýt điện đầu tiên của TP cũng đã nêu lên một trong những khó khăn, bất cập là thiếu nguồn cung năng lượng. Trên thực tế, ngành điện của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chưa đưa ra được một kế hoạch cụ thể để tăng cường nguồn cung cho xe điện nói chung. Người dân khi mua xe đạp, xe máy điện vẫn buộc phải sử dụng nguồn sạc tại nhà hoặc tầng hầm, bãi đỗ xe chung cư. Và hệ lụy tất yếu là những rủi ro về cháy nổ có liên quan đến xe điện ngày càng hiện hữu.

Vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân vừa qua khiến hàng chục người thương vong là một ví dụ. Theo cơ quan chức năng xác định ban đầu, nguyên nhân xảy ra cháy là do chập điện tại khu vực tầng hầm. Cần khẳng định rằng pin xe điện không dễ cháy nổ. Mà phần lớn sự cố đến từ dòng điện khi sạc xe bị quá tải, gây chập cháy.

Chắc chắn tại Hà Nội hiện nay chưa có bất cứ một khu chung cư, nhà ở đông người nào được lắp đặt các trạm sạc xe máy, xe đạp điện bảo đảm an toàn kỹ thuật, được thẩm định, phê duyệt bởi cơ quan chức năng. Hầu hết vẫn là tự chia đường điện, tự sử dụng và không có các biện pháp an toàn cần thiết. Pin xe điện không dễ cháy, nhưng khi cháy là rất khó dập, đòi hỏi phải có thiết bị chuyên dụng kỹ thuật cao mà mọi chung cư đều chưa được trang bị.

Có những khu chung cư cùng thời điểm cho sạc đến hàng chục xe điện, nguy cơ quá tải dẫn đến chập cháy là rất lớn nhưng người dân lại chưa ý thức hết được rủi ro đó. Khi xảy ra cháy liên quan đến pin xe điện, người dân và bảo vệ các tòa nhà với hiểu biết và trang thiết bị hạn chế về xe điện không thể phản ứng kịp. Đám cháy đã có thể lan rộng hơn, dữ dội hơn khi lực lượng PCCC đến nơi.

Sau vụ cháy thảm khốc tại quận Thanh Xuân, người dân tại nhiều chung cư, tòa nhà đã phản ứng khá gay gắt khi không cho chủ sở hữu xe điện sạc xe, gửi xe hoặc hạn chế khung giờ sạc. Điều này gây rất nhiều khó khăn, hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh để bảo vệ môi trường. Nó cũng cho thấy sự lúng túng của đô thị Hà Nội trước những rủi ro chưa từng gặp cho đến khi xe điện trở nên phổ biến.

Cần thoát khỏi thế bị động

 Ô tô, xe máy, xe đạp điện là loại hình phương tiện thân thiện với môi trường, cần được khuyến khích sử dụng để thay thế dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Nhưng muốn đưa chúng vào đời sống xã hội một cách an toàn, phát huy thế mạnh, hạn chế rủi ro, chính quyền đô thị cần có những biện pháp quản lý, kiểm soát rõ ràng và hiệu quả.

Trước tiên phải có hạ tầng cho xe điện, bao gồm cả việc chuẩn bị đầy đủ nguồn cung năng lượng và các biện pháp an toàn phòng chống cháy nổ. Chính quyền đô thị phải lên kế hoạch sử dụng điện cho từng giai đoạn, tính toán cả nhu cầu cho phương tiện cá nhân, chuẩn bị nguồn cung đầy đủ. Hạn chế được quá tải là biện pháp tối ưu nhất ngăn ngừa cháy nổ do điện. Đặc biệt với các khu chung cư, tòa nhà đông người ở lại càng cần có nguồn cung ổn định, hệ thống điện an toàn.

Thứ hai là phải có những hướng dẫn, quy định cụ thể đối với việc sạc xe điện. Phân chia các khu vực sạc, dừng đỗ xe điện tập trung để khoanh vùng, hạn chế rủi ro trên diện rộng.

Thứ ba là xe điện cá nhân phải được kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Không cấp đăng ký, cho lưu thông xe điện không rõ nguồn gốc, chưa được thẩm định an toàn kỹ thuật đầy đủ.

Thứ tư là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC cho người dân phải đưa nội dung sử dụng, ứng phó rủi ro với xe điện vào một cách chi tiết, đầy đủ. Người sở hữu và sử dụng xe điện cần được trang bị thông tin cơ bản về những nguyên tắc an toàn đối với xe điện như: sạc ở đâu, thời gian sạc bao lâu, nhận biết nguy cơ cháy nổ xe điện bằng những dấu hiệu nào?… Các bãi đỗ xe tập trung có xe điện phải bảo đảm trang thiết bị PCCC chuyên dụng, nhân sự ứng trực được đào tạo cách xử lý tình huống hiệu quả.

Có thể nói, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang ở trong tình thế bị động trước những nguy cơ cháy nổ từ xe điện cá nhân. Thực tế này bắt nguồn từ sự chủ quan, chưa lường hết được những rủi ro đi kèm với loại hình phương tiện mới này. Muốn khuyến khích người dân sử dụng phương tiện “xanh”, đồng thời bảo đảm an toàn, thuận tiện, chính quyền TP cần nhanh chóng chuyển sang thế chủ động, sớm xây dựng, ban hành những quy định liên quan đến sử dụng xe điện và nguồn điện cho phương tiện cá nhân.

Mặt khác, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan cần xem xét đưa ra những quy định hoàn chỉnh, nghiêm ngặt hơn nữa đối với việc sở hữu và sử dụng xe điện. Bên cạnh đó phải có kế hoạch dài hơi, chuẩn bị nguồn cung năng lượng cho một tương lai gần khi xe điện trở thành phương tiện chính của mỗi gia đình.

Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh - chuyên gia giao thông/KTĐT

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h