Hạn chế ùn tắc mùa tựu trường: Buộc phải hy vọng vào xe buýt học đường

 
Chia sẻ

Học sinh bắt đầu trở lại trường, giao thông trong các giờ cao điểm lập tức căng thẳng trở lại tại các đô thị lớn; trong khi các giải pháp chống ùn tắc ở khu vực cổng trường chỉ là chữa cháy thì liệu giải pháp nào hạn chế ùn tắc mùa tựu trường?

Nhiều ngày nay, giao thông trên phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội luôn rơi vào tình trạng khó khăn, đặc biệt là vào đầu giờ sáng và buổi chiều mà một trong những nguyên nhân là do tình trạng lộn xộn tại cổng trường tiểu học và trường trung học cơ sở Ba Đình nằm ngay mặt phố Hoàng Hoa Thám. Mặc dù ô tô đã được tổ chức giao thông theo đường một chiều hướng từ Bưởi về dốc Ngọc Hà, tuy vậy, tình trạng này cũng không được cải thiện là bao…

“Đông lắm, vì khu này hẹp mà trường thì đông. Không có chỗ đỗ thì bắt buộc phải đứng đây thôi”.

“Tất cả các khối thì đông lắm, xếp hàng tít tận đằng kia cơ, tắc đường. Cũng có công an phường với lại trật tự thì đỡ nhiều hơn chứ không có công tan thì tắc không đi được”.  

“Ngày thường thứ 2, thứ 3 đến thứ 6 là 3 cái cổng trường tầm 4 rưỡi - 5 giờ đông lắm. Hai cái cổng trường mà mình đi đón trẻ là tắc đường lắm. Rất là khó khăn đi lại”.

Han che un tac mua tuu truong: Buoc phai hy vong vao xe buyt hoc duong  - Hinh anh 1
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng ùn tắc tại các đô thị vào dịp đầu năm học mới có nguyên nhân từ bất cập từ quy hoạch dân cư, phát triển đô thị

Một số người dân sinh sống gần cổng trường Ba Đình cũng cho biết, tình trạng phụ huynh dừng đỗ xe lộn xộn diễn ra phổ biến. Chỉ khi có lực lượng chức năng, tình trạng lộn xộn mới giảm đi ít nhiều:

“Tiện đâu để đấy, để vỉa hè thì người đi trên vỉa hè phải tràn xuống đường là tắc đường. Quá lộn xộn, các loại xe lộn xộn, ô tô xe máy lum tum luôn. Còn giờ tan tầm thì 10 ngày tắc 10 chả ngày nào là không tắc”.

“Nhà trường với phường thì cũng tổ chức làm trật tự nhưng mà đông lắm, chật lắm”.

Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát của đơn vị trên toàn địa bàn thành phố cho thấy, tình trạng ùn tắc thường xuyên gia tăng vào dịp đầu năm học mới, nhất là tại các khu vực cổng trường. 

Do vậy, lực lượng CSGT đã tiến hành phân luồng từ xa, đồng thời phối hợp với công an phường, bảo vệ dân phố để tổ chức, hướng dẫn giao thông, hạn chế tình trạng phụ huynh dừng đỗ tại cổng trường, gây ùn tắc: “Chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở và phối hợp với các nhà trường, yêu cầu các nhà trường mời các bậc phụ huynh trước khi đưa con em đến trường là phải bố trí và không dừng đỗ gây cản trở, ùn tắc giao thông”.

Đại diện Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng giao thông lộn xộn tại cổng trường lại diễn ra. Trong khi việc duy trì, trải đều lực lượng CSGT tại khắp các cổng trường là điều khó thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng ùn tắc tại các đô thị vào dịp đầu năm học mới có nguyên nhân từ bất cập từ quy hoạch dân cư, phát triển đô thị.

Cụ thể, mật độ dân số tập trung tại đô thị quá cao, số lượng học sinh tại một trường quá lớn khiến mỗi dịp học sinh tựu trường là tình trạng ùn tắc lại lặp lại. Thêm vào đó là những bất cập về tổ chức giao thông tại cổng trường và khu vực giao thông tiếp cận trường học.

Dù nhiều giải pháp đã được thực hiện, từ thay đổi giờ học, giờ làm, di dời các trường học ra khỏi nội đô, nhưng hiệu quả ít được cải thiện. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam để góp phần giảm tải mật độ học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội cũng như các đô thị khác, cần đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học ra khỏi đô thị một cách quyết liệt: “Nếu có kinh phí khi phải cấp đất mới hoàn toàn còn đất cũ chúng ta lấy làm việc khác, nếu có kinh phí tốt thì làm phục vụ cho xã hội, không thì đấu giá, mà cũng phải đấu giá dành phục vụ xã hội nhiều hơn, nhưng phải theo quy hoạch, chống tình trạng tăng dân số nội đô và ách tắc giao thông”.

Ts Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGTQG cũng cho rằng, trước mắt cần nhanh chóng cải thiện không gian tiếp cận trường học và đặc biệt là giúp học sinh có thể sử dụng dịch vụ vận tải công cộng. Thống kê cho thấy, có khoảng 70% học sinh được cha mẹ đưa đón, 10% học sinh đến trường bằng phương tiện đưa đón của trường. Khi nhu cầu này được đáp ứng, số chuyến đi phục vụ nhu cầu học hành sẽ giảm đi đáng kể: “Làm sao chúng ta có những giải pháp để giúp học sinh có thể sử dụng các dịch vụ vận tải công cộng và vận tải phi cơ giới bao gồm đi xe đạp và đi bộ để tiếp cận trường học một cách thuận tiện. Không chỉ là khu vực trong trường học và khu vực cổng trường đâu mà cả vấn đề hành lang từ nhà các em cho đến trường học cần phải được xem xét, thiết kế để các em có thể tiếp cận trường học một cách an toàn”.

Han che un tac mua tuu truong: Buoc phai hy vong vao xe buyt hoc duong  - Hinh anh 2
Khi mà nhu cầu di chuyển đến trường của học sinh tác động mạnh đến hạ tầng như hiện nay, giải pháp là buộc phải hoàn tiện hệ thống xe buýt học đường để học sinh có thể đến trường một cách an toàn, không sử dụng phương tiện cá nhân

Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường đại học Việt Đức cho rằng, bản chất của vấn đề là sự mất cân bằng của hệ thống GTVT, đó là cung lớn hơn cầu. Do vậy nhiều nước trên thế giới thường áp dụng việc giảm nhu cầu bằng cách giảm bớt chuyến đi không cần thiết bằng phương tiện thay thế. Bến cạnh đó, có thể chuyển đổi những chuyến đi bằng phương tiện cá nhân tốn diện tích mặt đường bằng phương tiện công: "Hiện nay xe buýt của chúng ta đối tượng phục vụ chính là học sinh, sinh viên, nhưng so với tổng lượng nhu cầu thì điều đó cũng không đáng kể. Do vậy, chuyển đổi về nhu cầu phải từ những phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng không chỉ là cho đối tượng học sinh, sinh viên mà cả cho những đối tượng khác nữa”.

Nhu cầu đi lại phục vụ việc học hành của học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng chuyến đi hàng ngày của người dân đô thị. Trong số đó, nhiều chuyến đi không cần thiết và hoàn toàn có thể thay thế bằng phương tiện công cộng. Do vậy, một số ý kiến cho rằng, giải pháp trước mắt, ít tốn kém là cải thiện hệ thống giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên.

Gia tăng ùn tắc vì học sinh đến trường là bi kịch rất khó thừa nhận đối với một đô thị hiện đại. Nhưng, đó là một bi kịch có thật ở Hà Nội.

Chỉ một tuần sau khi học sinh tựu trường trở lại, các tuyến đường thủ đô trở nên ngạt thở, giờ cao điểm sáng, chiều gia tăng hàng loạt điểm ùn tắc kéo dài. Dù rất nhiều giải pháp đã được đề xuất, như thiết kế lệch giờ học, giờ làm việc… nhưng bản chất về nhu cầu di chuyển không thay đổi, tắc vẫn hoàn tắc.

Tắc đường vì đến trường không chỉ là câu chuyện của giao thông, mà đây là vấn đề xã hội. Quãng đường đi học của trẻ em đô thị quá xa, tình trạng chọn trường, chọn lớp, học trái tuyến phổ biến… nhưng không có một hệ thống xe buýt học đường đúng nghĩa, khiến đa số học sinh là thiếu niên, vị thành niên, sử dụng phương tiện cá nhân đến trường, đối với học sinh tiểu học, thì bố mẹ cũng phải đưa con đến trường bằng phương tiện cá nhân.

Giải quyết ùn tắc giao thông, bên cạnh câu chuyện hạ tầng phải tiếp cận từ nhu cầu di chuyển. Khi mà nhu cầu di chuyển đến trường của học sinh tác động mạnh đến hạ tầng như hiện nay, giải pháp là buộc phải hoàn tiện hệ thống xe buýt học đường để học sinh có thể đến trường một cách an toàn, không sử dụng phương tiện cá nhân.

Đó sẽ là hệ thống xe buýt có thiết kế riêng, phù hợp, an toàn, giá cả phù hợp đối với học sinh, để chúng có thể tự đến trường mà không cần sự tham gia của cha mẹ. Khi có được hệ thống xe buýt học đường, và nó trở thành lựa chọn chính để di chuyển của học sinh, giải pháp lệch giờ học của học sinh với giờ đi làm của người lớn mới hiệu quả, bởi chỉ khi học sinh có thể tự đi học mà không cần bố mẹ thì hai nhóm nhu cầu này không giao thoa với nhau.

Xe buýt học đường sẽ chỉ hoạt động trong 2 khung giờ nhất định, sẽ không tăng mật độ phương tiện cùng thời điểm giờ cao điểm. Mặt khác nó sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí xã hội khi mà cha mẹ không cần phải đi vòng quanh thành phố đưa đón con từ nhà đến trường, rồi tới văn phòng, và ngược lại.

Xe buýt học đường cũng sẽ hạn chế tối đa được việc trẻ em buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân để tham gia giao thông, giảm nguy cơ tai nạn. Vì thế, đã đến lúc không thể chần chừ việc thúc đẩy một chính sách phù hợp nhằm phát triển xe buýt học đường cho khu vực đô thị.

Theo VOV Giao Thông

Tin liên quan