|
Mở lại các đường bay, ngành Hàng không sẽ được "cứu". Ảnh: Hòa Thắng |
Tín hiệu tốt này mang đến kỳ vọng về một viễn cảnh không xa khi đường bay quốc tế cũng sẽ được mở trở lại.
Kế hoạch thận trọng
Ngày 13/9, Cục Hàng không Việt Nam phát đi thông tin gây sốt: Cơ quan này vừa chính thức trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa. Đây là kế hoạch được đánh giá là thận trọng khi chia các cảng hàng không (CHK) sân bay thành 3 nhóm tương ứng với kế hoạch 2 giai đoạn nhằm từng bước nối lại các đường bay nội địa tùy theo tình hình khống chế dịch bệnh tại các địa phương.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam chia 22 CHK, sân bay trên cả nước thành 3 nhóm A, B, C. Trong đó, nhóm A là các CHK, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Nhóm B là các CHK, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố chỉ áp dụng giãn cách xã hội theo từng khu vực (cấp quận/huyện trở lên) trong tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị 16. Nhóm C là CHK, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ theo Chỉ thị 16.
Tương ứng với đó, kế hoạch nối lại đường bay nội địa giai đoạn 1 sẽ được áp dụng thí điểm trong thời gian khoảng 4 tuần. Với giai đoạn này, chặng bay chiều từ nhóm A đến nhóm A, B và C sẽ không giới hạn hành khách nhưng đổi lại hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Với chặng bay chiều từ nhóm B đến nhóm A, B và C; từ nhóm C đến nhóm A và B, hành khách là khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch Covid-19. Điều kiện để tham gia chặng bay này của nhóm hành khách nói trên sẽ là có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Bên cạnh đó, hành khách cũng phải đáp ứng một trong các điều kiện: Có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến CHK xuất phát; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Cuối cùng là đường bay giữa các cảng hàng không, sân bay nhóm C với nhau. Đường bay này chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến. Điều kiện là tất cả hành khách trên đường bay này phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
|
Kế hoạch nối lại đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam được đánh giá là thận trọng cần thiết (Ảnh: Lê Thanh). |
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ theo dõi, đánh giá thực tiễn quá trình khai thác giai đoạn 1 một cách kỹ lưỡng. Nếu các đường bay trong giai đoạn này được thực hiện thông suốt, hãng hàng không sẽ tiếp tục bán vé cho hành khách với các điều kiện như trên trong 4 tuần tiếp theo.
Sau 4 tuần thí điểm vận chuyển đối tượng hành khách này, các hãng hàng không triển khai việc mở bán bình thường nếu không được thông báo khác.Tuy nhiên, các hãng hàng không chỉ được mở bán cho các hành khách “có xác nhận lưu trú tại khu vực không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tối thiểu 14 ngày trước khi di chuyển” trên các chuyến bay có ngày khởi hành trong vòng 4 tuần kể từ ngày bắt đầu giai đoạn 2.
4 tuần quyết định
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không đánh giá, kế hoạch nối lại đường bay nội địa mà Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ GTVT phê duyệt chính là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng không vào thời điểm hiện tại.
“Nếu kế hoạch này được thông qua, các đường bay nội địa từng bước được nối lại, ngành Hàng không sẽ có cơ hội để hồi sinh sau một thời gian dài phải “ngủ đông” vì dịch bệnh Covid-19. Với hàng không, chỉ bay được bay thì mới sống được” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Phân tích về kế hoạch nối lại đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống cho rằng, bản kế hoạch chi tiết nhưng tương đối dè dặt. Trong đó việc triển khai được giai đoạn 2 hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết quả triển khai của giai đoạn 1. Có thể thấy 4 tuần đầu tiên của giai đoạn 1 có ý nghĩa quyết định sự thành/bại của kế hoạch cũng như việc triển khai giai đoạn tiếp theo.
|
Đường bay nội địa được khôi phục sẽ mang tới cơ hội mở toang "cánh cửa bầu trời" ra thế giới của hàng không Việt Nam (Ảnh: Lê Anh). |
“Kế hoạch cho thấy sự thận trọng của Cục Hàng không Việt Nam” – chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nhận định và cho rằng, đây là sự thận trọng cần thiết bởi trong hoàn cảnh hiện nay, an toàn phòng dịch vẫn là mục tiêu hàng đầu. “Đường nhiên với ngành hàng không việc nối lại các đường bay vào thời điểm này là rất cần thiết song bay thì phải đảm bảo an toàn. Đó cũng là điều kiện tối quan trọng để các đường bay nối lại bền vững thay vì vừa mở ra đã lại phải đóng nếu dịch bệnh bùng phát trở lại” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định.
Đi sâu hơn vào kế hoạch nối lại đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống cho rằng, dù mới chỉ là nối lại đường bay nội địa và thực hiện thận trọng, dè dặt nhưng bản kế hoạch này chính là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng không. “Nếu đường bay nội địa nối lại thành công, cơ hội để mở cửa bầu trời, nối lại các đường bay quốc tế là rất sáng nước” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đánh giá.
Theo chuyên gia hàng không này, với tiến độ tiên vaccine ngừa Covid-19 rất tốt hiện nay của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước, mục tiêu miễn dịch cộng đồng của nước ta ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Khi đó, những chuyến bay “hộ chiếu vaccine” sẽ được nhân rộng và “cánh cửa bầu trời” của hàng không Việt Nam với quốc tế sẽ được mở toang.
“Chúng ta cần phải xác định việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 càng được triển khai nhanh thì cơ hội miễn dịch cộng đồng sẽ càng tới sớm. Với ngành hàng không hay bất kỳ ngành kinh tế nào cũng thế, Vaccine chính là cứu cánh duy nhất để phục hồi sản xuất, kinh doanh một cách bền vững” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định.