Hàng triệu camera giám sát hành trình được lắp đặt: Sao chưa phát huy tác dụng?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hàng triệu thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) và sau đó là camera giám sát được yêu cầu lắp đặt trên xe kinh doanh vận tải. Những công cụ này được ca ngợi là sẽ giúp nâng tầm công tác quản lý, giám sát cũng như xử phạt trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Sự thật là khi có cả hai công cụ trên, xe khách vi phạm vẫn tràn lan, tai nạn xảy ra vẫn nhan nhản.

Xe khách vi phạm tràn lan

Ngày 30/9, xe khách mang BKS 50F - 004.83 của nhà xe Thành Bưởi chở hơn 30 hành khách trên Quốc lộ 20 hướng Đồng Nai đi Lâm Đồng. Khi đến Km48, đoạn thuộc ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, chiếc xe này đâm liên tiếp vào xe tải mang BKS 60C - 345.13 và xe khách mang BKS 86B - 015.75 khiến 5 người chết và 4 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do tài xế xe khách Thành Bưởi lấn trái đường và gây ra tai nạn.

Hang trieu camera giam sat hanh trinh duoc lap dat: Sao chua phat huy tac dung? - Hinh anh 1
 Thiết bị giám sát hành trình vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát và xử phạt trong lĩnh vực vận tải hành khách. Ảnh: Tạ Hải

Đáng nói, vào thời điểm gây tai nạn, tài xế này đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái xe 3 tháng vì lái xe khách chạy quá tốc độ. Tuy nhiên, đây không phải là thông tin gây sốc nhất liên quan đến chiếc xe khách mang BKS 50F - 004.83 của nhà xe Thành Bưởi. Theo dữ liệu giám sát hành trình (GPS) từ Cục Đường bộ Việt Nam, trong 3 tháng 5, 6, 7/2023 xe khách mang BKS 50F - 004.83 chạy quá tốc độ 496 lần. Cụ thể, tháng 5/2023, xe vượt quá tốc độ 321 lần, tháng 6 là 114 lần, tháng 7 là 61 lần.

Không riêng gì nhà xe Thành Bưởi, nhìn vào số lần vi phạm của các nhà xe ở địa phương khác thời gian qua đã được công bố cũng làm người dân không khỏi giật mình. Chẳng hạn theo trích xuất dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ, từ ngày 1 - 31/1, Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ vận tải chất lượng cao Việt Thắng (Quảng Ngãi) vi phạm về tốc độ với 6.131 lần. DN này có 12 xe chạy tuyến Quảng Ngãi - TP Hồ Chí Minh, vậy mỗi ngày có đến hơn 200 lần vi phạm tốc độ.

Hay như Công ty TNHH Vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân và Hợp tác xã dịch vụ vận tải Hải Vân có trụ sở tại TP Đà Nẵng cũng khiến dư luận phải sửng sốt khi chỉ 4 xe của 2 đơn vị này (cùng một người làm đại diện pháp luật) đã có hơn… 1.200 lần vi phạm tốc độ trong tháng 6 vừa qua. Đặc biệt, riêng xe khách tuyến cố định BKS 43B - 032.XX của Công ty TNHH Vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân đã vi phạm tốc độ 629 lần chỉ trong tháng 6/2023.

Tất cả số liệu về vi phạm của DN vận tải nêu trên đều được lấy từ dữ liệu giám sát hành trình. Điều này cho thấy, hoạt động của các hộp đen cũng như camera giám sát được lắp đặt trên các xe kinh doanh vận tải là tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, tại sao đã có những công cụ đắc lực này rồi, vi phạm của các DN vận tải vẫn gia tăng, số vụ tai nạn chết người do những vi phạm này gây ra vẫn liên tục nối dài?

Tước phù hiệu có hiệu quả không?

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận Hà Nội cho rằng, những công cụ giám sát hoạt động của xe khách như hộp đen, camera giám sát là giải pháp hữu hiệu để xử lý nạn “xe dù, bến cóc” cũng như xử lý vi phạm trên đường của các phương tiện vận tải. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này vẫn chưa thể thành hiện thực như kỳ vọng. Nguyên nhân là bộ máy không bố trí đủ nhân lực và thời gian để kiểm soát tất cả xe đang chạy có đúng tuyến hay không. Việc kiểm soát trực tuyến xem tài xế nào đang chạy nhanh để yêu cầu giảm tốc độ, cảnh báo nguy hiểm cũng chưa thực hiện được.


Được biết, hệ thống tiếp nhận, xử lý dữ liệu phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải theo kế hoạch phải hoàn thành từ năm 2021 – 2022. Đến nay hệ thống này vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa thể triển khai được. Trong khi đó, hệ thống dữ liệu giám sát hành trình còn nhiều hạn chế, lạc hậu, nhiều bước thủ công, nên dữ liệu tổng hợp hằng tháng chậm, dẫn đến xử lý vi phạm cũng chậm.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GTVT vẫn đẩy nhanh tiến độ triển khai với mục tiêu hoàn thiện đề án công nghệ giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng tới năm 2030 để triển khai. Trong thời gian chờ đợi đề án này hoàn thành, công tác tiếp nhận, xử lý dữ liệu giám sát hành trình vẫn phải dựa vào các phần mềm do đơn vị công nghệ thông tin hỗ trợ xây dựng, vận hành miễn phí. Đương nhiên, nền tảng công nghê này sẽ có rất nhiều hạn chế.

Ngoài hạn chế về hạ tầng công nghệ, các chuyên gia cho rằng một nguyên nhân khách khiến công tác quản lý, xử phạt vi phạm giao thông qua thiết bị giám sát hành trình chưa phát huy được hiệu quả do chế tài xử phạt còn nhẹ. Hiện nay, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam chưa được liên thông với CSGT để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Với những xe vi phạm tốc độ như trên chỉ xử lý theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Mức xử phạt chỉ tước phù hiệu với xe vi phạm tốc độ 5 lần/1.000km và không có chế tài về thời gian. Vậy nên sau khi tước, chỉ vài ngày sau thì DN làm thủ tục cấp lại phù hiệu mới. Mức xử phạt còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe và nguy cơ xảy ra tai nạn do lái xe chạy quá tốc độ vẫn luôn chực chờ.

Vấn đề này đã được chính Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề cập tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng năm 2023 vừa diễn ra cách đây không lâu. Cụ thể, khi nhắc đến nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu tới 246 lần trong 9 tháng năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt câu hỏi: “Việc tước phù hiệu có còn hiệu quả hay không?”. Từ đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra giải pháp cần thiết phải rà soát quy định, các bất cập phải đề nghị sửa đổi ngay, phải có chế tài mạnh mẽ và xử lý vi phạm pháp luật nghiêm với các nhà xe vi phạm nhiều lần.

Việc cùng lúc có hàng trăm nghìn phương tiện truyền dữ liệu đòi hỏi hệ thống phải thật sự đồng bộ, hiện đại từ yếu tố kỹ thuật đến con người - Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên
Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Trong đó có quy định để khắc phục tình trạng xe khách vi phạm vừa có quyết định thu hồi phù hiệu đã có thể làm đơn xin cấp lại phù hiệu. Cùng đó có thêm chế tài cảnh báo và từ chối đăng kiểm với xe chưa chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu.

KTĐT

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h