Hành vi cố tình đi ngược chiều qua góc nhìn tiến sĩ tâm lý học

 
Chia sẻ

Tình trạng người đi xe máy, xe đạp điện cố tình lưu thông một chiều diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đường của Hà Nội.

Hanh vi co tinh di nguoc chieu qua goc nhin tien si tam ly hoc - Hinh anh 1
Xe máy đi ngược chiều trên đường Xã Đàn, Hà Nội. Ảnh: Tạ Tôn

Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 18/11, trên đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân (Hà Nội), xe máy BKS 29T1- 670.58, 18D1-552.02 từ đường Triều Khúc ra, thay vì rẽ phải theo đúng quy định, cả hai chiếc xe này quẹo trái, đấu đầu với hàng trăm phương tiện phía trước đi về hướng Trần Phú - Hà Đông.

Tại phố Quốc Tử Giám, đoạn giao với Tôn Đức Thắng, nhiều người tham gia giao thông cũng thường xuyên đi ngược chiều trong giờ cao điểm. Trong khi dòng phương tiện lưu thông hướng từ Tôn Đức Thắng về ngã tư Nguyễn Thái Học - Chu Văn An thì vẫn có không ít người tham gia giao thông rẽ phải đi ngược chiều vào phố Quốc Tử Giám. Cùng đó, nhiều phương tiện đi trên phố Cát Linh theo quy định phải rẽ phải hoặc trái vào phố Tôn Đức Thắng, nhưng lại phi thẳng lưu thông ngược chiều về phía phố Quốc Tử Giám.


Trên đường Cát Linh, để thi công ga ngầm S10 của dự án đường sắt đô thị ga Hà Nội - Nhổn, Sở GTVT đã tổ chức lại giao thông trên tuyến đường này, đồng thời cấm lưu thông một chiều đường từ đoạn giao Trịnh Hoài Đức đến Giảng Võ. Tuy nhiên, nhiều phương tiện vẫn bất chấp đi ngược chiều, gây ra tình trạng lộn xộn, ùn tắc vào giờ cao điểm.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, lý do chính dẫn tới hành vi đi ngược chiều là tâm lý muốn tiện lợi và sự ích kỷ cá nhân của một bộ phận người tham gia giao thông. Chính sự ích kỷ này khiến nhiều người tìm cách vượt qua những chế định, chuẩn mực của xã hội.

Xét trên phương diện khác, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình cho biết thêm, ngoài vấn đề ý thức của người tham gia giao thông, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan về tính hợp lý trong các xây dựng và bố trí hạ tầng giao thông. Lấy ví dụ trường hợp hàng trăm xe máy dắt ngược chiều trên vỉa hè ở đường Tố Hữu thời gian vừa qua, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình nhận định, khi tình trạng vi phạm tại một điểm, một nút giao thông diễn ra trên bình diện rộng, với nhiều trường hợp cùng vi phạm thì câu chuyện không đơn thuần là ý thức người dân.

“Chuẩn mực của xã hội bao gồm cả chuẩn mực của giao thông. Cách bố trí giao thông cần đảm bảo tính hợp lý, khoa học và văn minh. Nếu bố trí sai làn và bất hợp lý, sẽ gây bất cập, bất lợi cho người tham gia giao thông, từ đó họ sẽ tìm cách lách luật hoặc vi phạm”, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình nói.

Theo atgt.vn

Tin liên quan