|
Tiến hành sửa chữa tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. |
Cách đây hơn một tháng, người dân các tỉnh miền Trung phấn khởi khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến cao tốc dài gần 140 km chính thức thông xe sau hơn 5 năm triển khai xây dựng.
Bởi việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc 34.000 tỷ mang nhiều ý nghĩa lớn lao khi không chỉ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam mà còn đánh thức tiềm năng, thúc đẩy liên kết giao thương, phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung. Đồng thời, rút ngắn thời gian đi lại và khoảng cách giưãcác trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Để phục vụ thi công dự án cao tốc này, có đến 9861 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Nhà nước bố trí tái định cư tập trung và tại chỗ cho 769 hộ với 1130 lô đất. Có thể nói, vì đất nước, vì những công việc chung, người dân đã sẵn sàng hi sinh lợi ích của mình di di dời chỗ ở đến những vùng đất mới, bắt đầu cuộc sống mới với nhiều thử thách…
Dẫn chứng như trên để thấy rằng, đó là một thành quả chứa đựng công sức, giá trị tập thể, kỳ vọng lớn lao của người dân. Thế nhưng niềm vui ấy đã trở thành nỗi lo lắng về an toàn giao thông cũng như sự hoài nghi về chất lượng thi công tuyến đường khi chỉ sau 1 tháng thông xe, những dấu hiệu xuống cấp của mặt đường đã hiện rõ qua những “ổ gà”, “ ổ voi” xuất hiện tại nhiều nơi trên tuyến đường.
Không thể để người dân thất vọng, không thể để xã hội quá bức xúc, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư khắc phục những lỗi “chết người” trên tuyến cao tốc này. Việc Bộ GTVT ban hành 2 văn bản chỉ đạo công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong vòng ít ngày cũng là việc khá hãn hữu.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã họp khẩn, ra văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan có giải pháp khắc phục triệt để hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian nhanh nhất; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến các hư hỏng, xử lý nghiêm theo quy định.
Trước những động thái cứng rắn này, Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã “cuống cuồng” làm tất cả những gì có thể để thực hiện chỉ đạo sửa chữa, vá những “ổ gà”, “ổ voi” này. Giờ thì những lỗi được phát hiện đã được sửa chữa, khắc phục bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn đó vấn đề “niềm tin”, liệu có thể lấy lại được?
Người ta mất dần niềm tin vì đây không phải là cao tốc đầu tiên vừa mới đưa vào sử dụng đã gặp sự cố. Trên thực tế, không chỉ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện “ổ gà”, “ổ voi” khi vừa đi vào khai thác mà trước đó nhiều cao tốc khi vừa mới đưa vào hoạt động đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp mặt đường. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một ví dụ khi vừa thông xe được 2 ngày thì xuất hiện vết nứt dài đến 73 mét đến mức Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hay như tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đã bị hằn lún trong khi tuyến đường này mới đưa vào sử dụng chưa được 3 năm…
Cao tốc vừa đưa vào sử dụng toàn tiền tỉ, mới đó đã bị hỏng thì làm sao dư luận không bức xúc! Bức xúc bởi hầu hết các dự án BOT cao tốc ở Việt Nam luôn nằm trên “đỉnh” của thế giới, thậm chí cao hơn cả một số nước châu Âu, châu Mỹ. Chi phí cao dẫn đến mức thu phí đường cao tốc cũng rất cao. Chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải phải bỏ ra số tiền không nhỏ để lưu thông trên cao tốc. Do vậy, sự kỳ vọng về việc lựa chọn nhà thầu để có chất lượng công trình tốt mà giá thành vẫn hợp lý luôn được đặt ra.
Thế nhưng chủ phương tiện lại phải chịu cảnh lo lắng bởi sự mất an toàn quả là điều khó chấp nhận. 34.000 tỷ là con số đầu tư rất lớn cho cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhưng con đường mới thông xe đã xuất hiện nhiều “ổ gà”, “ổ voi”. Những “ổ gà”, “ổ voi” ấy không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây lo lắng cho người tham gia giao thông mà còn thêm một lần nữa khiến niềm tin của người dân sụt giảm.
|
Một số điểm bị bong tróc trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trước khi được sửa chữa. |
Xử lý nghiêm
Theo TS Trần Chủng- nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, thì với những sai phạm đó cần phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe. Đường cao tốc được thiết kế khai thác tốc độ tới 120km/h (chỉ một số đoạn 100km/h) nên yêu cầu rất khắt khe về độ bằng phẳng, êm thuận, bám dính mặt đường. Thế nên, chỉ cần một ổ gà nhỏ cũng rất nguy hiểm với phương tiện đang lưu thông tốc độ cao. Dù việc truy tìm nguyên nhân các hư hỏng công trình đường bộ rất khó khăn, nhưng qua thực tế có thể thấy bong tróc mặt đường có thể do đơn vị thi công cẩu thả.
“Tôi cho rằng lỗi chính là do chủ quan của con người, dù đơn vị quản lý đường có nói một phần do thời tiết, trời mưa, nhưng làm gì cũng phải tính toán đến yếu tố thời tiết, không thể có cách giải thích kì cục như vậy”- ông Chủng nói, đồng thời cho rằng cần phải xác định rõ nguyên nhân dẫn tới đường hư hỏng là gì, rồi xác định lỗi do đâu, sau đó cần tổng rà soát lại toàn bộ. Vì lỗi đã xảy ra thì sẽ còn tiềm ẩn các lỗi khác, ở vị trí khác, ảnh hưởng chất lượng toàn tuyến khi khai thác lâu hơn. Nếu không khắc phục tất cả các lỗi thì nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông là rất cao.
Về trách nhiệm, dù lỗi của ai, chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm chính do giám sát chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm. Khi xảy ra hư hỏng mặt đường chủ đầu tư chậm khắc phục, sửa chữa, đổ lỗi, đùn đẩy. Về phía Bộ GTVT- cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp, nhưng cũng chậm trong xử lý, chỉ đạo, chỉ khi lãnh đạo Chính phủ có yêu cầu mới mạnh tay xử lý dứt điểm. Ngoài ra, trước khi tuyến đường đưa vào sử dụng đã được nghiệm thu, đánh giá, đảm bảo mới được khai thác. Dù không phải tất cả lỗi đều phát hiện ra được, nhưng cần xem lại hồ sơ nghiệm thu, xem các thông số kiểm tra, rà soát ra sao.
“Đặc biệt, cần có thái độ xem xây dựng công trình công cộng phải như làm nhà mình, tiền thuế của dân cũng là tiền túi, dự án ấy nếu có sự cố thì tai nạn có thể rơi vào chính những kẻ làm ẩu, ăn bớt… thì mới giảm thiểu được hư hỏng“. Một khi quá hiếm người tự giác với tư duy trên, có lẽ chế tài, quy trách nhiệm và xử lý đến nơi đến chốn sẽ bớt dần những quanh co, biện hộ hay chối tội”- ông Chủng nhấn mạnh.
Vì sao công trình xuống cấp nhanh?
Tương tự, với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, cần phải truy trách nhiệm, xử lý nghiêm minh với những người gây ra sai phạm. Qua vụ việc kể trên, bà Nga đề nghị Chính phủ cần làm rõ chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, và các công trình giao thông nói riêng. Đặc biệt, hiện có nhiều công trình, trong đó có các công trình giao thông xuống cấp rất nhanh.
“Cần thay đổi tư duy quản lý không thể lúc nào cũng lấy lý do “năng lực yếu, chưa có kinh nghiệm, tại thời tiết, do biến đổi khí hậu, vì mưa bão…”. Nếu vẫn còn tư duy này chẳng riêng với xây dựng hạ tầng, làm dự án mà nhiều lĩnh vực khác nếu vẫn không thay đổi thì mọi thứ sẽ xuống cấp rất nhanh, kể cả lòng tin… Tôi đề nghị trong giải trình phải làm rõ, tránh trường hợp né tránh trách nhiệm như vị Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khi có sự việc ổ gà, ổ trâu xảy ra ở tuyến đường này thì liền đổ do mưa, hoặc do phương tiện lưu thông làm rơi vãi dầu diezel”- bà Nga nói.