Những năm qua, TP đã tạo dựng được một số hợp phần của ITS, tuy nhiên đó mới chỉ là những mảnh ghép rời rạc, cần nhanh chóng được liên kết để trở thành một hệ thống hoàn chỉnh, phát huy tối đa tác dụng.
Ba nhóm lợi ích chính
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, TP hiện hơn có 1,1 triệu ô tô, 6,7 triệu xe máy. Trung bình mỗi năm, Hà Nội tăng thêm 200.000 người, ô tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng 3%. Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông đạt 12% và 1,5% diện tích đường cho 1km2. Mặc dù Hà Nội luôn quan tâm dành nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông song tốc độ đầu tư chưa theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện.
Trong bối cảnh đó, ùn tắc giao thông đang diễn biến khá phức tạp, đòi hỏi TP phải có những giải pháp nhanh, mạnh, hiệu quả bền vững. Một trong những giải pháp cấp bách nhất hiện nay là đầu tư, xây dựng ITS.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho biết, giao thông thông minh là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống GTVT; cung cấp thông tin theo thời gian thực và giải pháp điều khiển giao thông linh hoạt. ITS là yếu tố then chốt tạo nên hệ thống giao thông bền vững.
ITS là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ điện tử, tin học, viễn thông… vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống GTVT một cách hiệu quả, bảo đảm trật tự, ATGT, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, ITS sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tính mạng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cảnh quan môi trường, nếu chúng được quy hoạch và triển khai hợp lý, thông qua việc áp dụng các công nghệ xử lý thông tin và xử lý truyền thông vào vận tải đường bộ, vận tải hàng hóa, hành khách, xe buýt, xe điện, tàu điện và cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ/đường sắt.
Tính năng trung tâm của ITS là khả năng cung cấp thông tin về giao thông theo thời gian thực và giải pháp điều khiển giao thông linh hoạt. ITS mang lại ba nhóm lợi ích chính.
Một là quản lý khai thác hạ tầng giao thông một cách hiệu quả, giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho việc đi lại và vận chuyển, cung cấp thông tin giao thông chính xác, khai thác tối ưu hạ tầng giao thông hiện tại.
HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Kỳ họp thứ 19, ngày 19/11 vừa qua đã thông qua Nghị quyết số 50/NQ - HĐND thông qua Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội”. Đây là cơ sở rất quan trọng để TP tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo, đầu tư xây dựng hệ thống ITS với phương châm: đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không trùng lắp, chống lãng phí, phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của TP.
Hai là nâng cao năng lực quản lý, thông tin được chia sẻ chính xác và nhanh chóng giữa các ban ngành, tăng khả năng phối hợp liên ngành trong xử lý vấn đề, cung cấp thông tin cho việc xây dựng chính sách, xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông. Điều tiết việc đi lại của phương tiện trên đường bằng biển báo thông tin thay đổi; quản lý ùn tắc và sự cố để duy trì mức độ phục vụ tốt cho người tham gia giao thông.
Ba là bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn; giảm thiểu khí thải, tiếng ồn ra môi trường. Có thể khẳng định ITS là công cụ để hiện thực hóa các chính sách giao thông.
Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách của Hà Nội trong lúc này là từng bước xây dựng và nhanh chóng hoàn thiện hệ thống ITS để tăng cường năng lực quản lý, điều hành mạng lưới giao thông đô thị, giảm thiểu ùn tắc.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông tại Hà Nội được đặt nền móng từ năm 2014, khi Sở GTVT được UBND TP giao triển khai dự án Cải tạo, nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi. Và mới đây nhất HĐND TP cũng đã thông qua Nghị quyết cho phép triển khai Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội”.
Tính toán cho cả tương lai
Những năm qua, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng, tiện ích giao thông trong quản lý và phục vụ người dân như: ứng dụng tìm kiếm xe buýt; camera giám sát bảo đảm an ninh trật tự trên xe buýt; phần mềm quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ.
Đặc biệt trong năm 2024, Hà Nội đã tăng tốc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sâu rộng hơn vào lĩnh vực giao thông với nhiều giải pháp như: triển khai thẻ vé điện tử trên các tuyến buýt; yêu cầu thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt trên 100% điểm trông giữ được cấp phép mới…
Để khắc phục tình trạng các hợp phần đã và đang triển khai của ITS còn khá rời rạc, thiếu tính kết nối, đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành giao thông, Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội” đã đề ra quá trình phát triển với ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2024 - 2026, sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.
Giai đoạn 2 từ năm 2027 - 2030, sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 1. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp TP Hà Nội; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.
Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị với UBND TP, đối với các dự án hạ tầng giao thông mới (thuộc mạng lưới đường giao thông chính) cần kết hợp xem xét đến yếu tố đầu tư hạ tầng ITS đi kèm. Có thể vận dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo nên những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành, quản lý và duy trì ITS tại Hà Nội; và xác định đây là một trong những ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cho TP.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường
Giai đoạn 3 đến năm 2045, sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS TP; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Hà Nội đã rất thực tế trong hoạch định chiến lược phát triển ITS, theo hướng vừa dần dần giải quyết khó khăn trước mắt, vừa tính toán lâu dài cho tương lai. Với ba giai đoạn cụ thể, mục tiêu xây dựng hệ thống ITS sẽ khả thi”. Tuy nhiên vị chuyên gia này cho rằng TP cần định hình rõ những khó khăn, bám sát nhóm giải pháp sau nghiên cứu tổng thể đã đưa ra đối với ITS.
Hiện nay hệ thống phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành giao thông mới được xây dựng ở bước đầu. Những hợp phần của cả hệ thống ITS chủ yếu hoạt động độc lập, phục vụ cho nhu cầu riêng của từng ngành, chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, chuẩn hóa và chia sẻ thông tin lẫn nhau. Chưa đồng bộ trong việc đầu tư, khai thác và vận hành hệ thống điều khiển giao thông; chưa hình thành khung kiến trúc, tiêu chuẩn ITS của TP.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay vẫn còn thiếu các điều kiện để áp dụng giải pháp ITS. Nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý và vận hành ITS còn rất hạn chế, không thể bảo đảm đáp ứng nhu cầu.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường chia sẻ: “Trong bối cảnh đó, quan trọng nhất là xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống ITS mang tính lâu dài, thống nhất, bền vững, tập trung các điểm nóng bất cập của giao thông Hà Nội hiện tại và tầm nhìn tương lai”.
Từ nay đến năm 2030, cần hình thành Trung tâm điều hành ITS của Hà Nội tích hợp, hoàn thiện tối thiểu 10 chức năng chính gồm: giám sát; điều khiển; cung cấp thông tin giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm; giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng; tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử; quản lý nhu cầu giao thông; quản lý vận tải hàng hóa; chia sẻ thông tin theo yêu cầu; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.
Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã định hướng cho Thủ đô phát triển trong những năm tới, xác định ITS là một trong những yếu tố rất quan trọng để xây dựng Hà Nội thành Thành phố thông minh.
Hiện Hà Nội vẫn ở giai đoạn đầu kiến tạo ITS, dù là TP sớm nhất của cả nước triển khai trong thực tế việc áp dụng khoa học công nghệ nhằm tăng cường năng lực giao thông. Mục tiêu trong thời gian tới là dựa trên cơ sở những nền tảng, điều kiện đã có, TP phải hình thành bộ khung tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho ITS; song hành thành lập hai trung tâm ITS tích hợp chung.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành
Minh Tường