Hoang mang, tổn thất sức khoẻ vì mù mờ thông tin cảnh báo ô nhiễm không khí

 
Chia sẻ

Những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM liên tục được cảnh báo. Đáng báo động, một màn mỏng bụi mù như sương dày đặc, bao trùm cả thành phố, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt và đe dọa sức khỏe người dân.

Trong khoảng thời gian khoảng 6 ngày, từ ngày 18 đến 23/9, người dân TPHCM sinh sống và làm việc trong bầu không khí bao trùm bởi bụi mịn ở mức cảnh báo mà không hề hay biết.

Đến khi thông tin một phần mềm đo lường chất lượng không khí của Mỹ cho biết chỉ số AQI – tức là chỉ số chất lượng không khí cho biết tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tại TP.HCM vào sáng ngày 23/9 là 128. Chỉ số này cảnh báo con người có nguy cơ bị kích ứng và dễ mắc các vấn đề hô hấp.

Hoang mang, ton that suc khoe vi mu mo thong tin canh bao o nhiem khong khi   - Hinh anh 1
Cơ quan chức năng chậm trong công tác cảnh báo. Nguyên nhân của thực trạng này do đâu?

Đáng chú ý, phần mềm còn cảnh báo mức độ bụi mịn PM2.5 vượt khuyến cáo – tức hạt bụi có đường kính dưới 2,5 micromet siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào cơ thể. Thời điểm đó, nguyên nhân của hiện tượng vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ, khiến người dân thành phố mới bắt đầu lo ngại.

"Không khí ô nhiễm giống như sương vậy đó. Sáng tầm 6h ngày xưa đi đâu có bị đâu mà bữa nay 6h đi mình nhìn xung quanh là không thấy mấy tòa nhà luôn".

"Bây giờ ra đường khói bụi nhiều quá, mang kính đeo khẩu trang về nhà vẫn còn cay mắt, hắt hơi, sổ mũi. Người lớn còn chịu không nỗi nên chở con ra đường sợ nó bị bệnh dữ lắm".

"Gần đây thì tôi cảm thấy lo ngạy khi bầu trời cứ bị sương mù. Thông tin là do ảnh hưởng của Indo nhưng mà những nguồn thông tin khác thì không phải. Giả sử mình có tác động khách quan nào đó, nếu bây giờ xác định là không phải mà lượng không khí của mình có báo động đỏ. Thì thật sự là đáng lo ngại".

Theo Thạc sĩ Lê Đình Quyết - Phó trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng này là do ảnh hưởng chuyển biến của thời tiết kết hợp với hạt nhân bụi gây nên. Còn những nguyên nhân khác vẫn chưa xác định.

"Về mặt chuyên môn thì phía trên có một lớp nhiệt. Nó làm cho không khí ở tầng thấp không phát tán lên được. Tức là các điều kiện, một là do hơi nước trong không khí cao, cộng với nhiệt độ thấp; trong không khí chứa nhiều hạt nhân liên kết – tức là hạt bụi, cho nên tạo ra một lớp – gọi là lớp mù làm giảm tầm nhìn. Thì hiện tượng đó gọi là hiện tượng mù".

Phó giáo sư Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng - Trung tâm Công nghệ Môi trường, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM đánh giá, khói bụi tổng gây ra những ngày qua phát thải từ các hoạt động sống của người dân.

"Theo nghiên cứu của chúng tôi, khi đánh giá nguồn gốc phát sinh bụi - ở đây là bụi tổng thì có khoảng 50% nguồn phát thải bụi là từ hoạt động giao thông, 30% là do hoạt động sinh hoạt gồm nấu ăn, đốt rơm rạ, đốt rác... 20% còn lại từ hoạt động công nghiệp".

Được biết, bụi mịn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là vùng tay mũi họng, hô hấp trên, hô hấp dưới. Bụi mịn bám vào niêm mạc hô hấp làm tăng các bệnh nền trước đó, như dễ dàng viêm mũi dị ứng nặng hơn, các cơn hen suyễn nặng hơn, nhất là đối với trẻ em.

Như vậy, vấn đề ô nhiễm không khí tại TP.HCM nói riêng và các đô thị nói riêng không chỉ đáng báo động trong những ngày qua mà những năm gần đây các chuyên gia đã liên tục cảnh báo. Tuy nhiên, các giải pháp cảnh báo cũng như giảm ô nhiễm vẫn chưa đạt hiệu quả cao, do kỹ thuật đo lường chất lượng không khí vẫn bằng phương pháp thủ công.

Ông Lê Phan Quang Huy – Giảng viên môi trường Trường đại học Đồng Nai cho biết: "Qua một số quan trắc và app đánh giá từng năm tăng rất là nhiều. Mình có khống chế khói bụi ô nhiễm công nghiệp nhưng mà về giao thông vận tải, nhất là phương tiện thô sơ, xe máy mình cũng không đăng kiểm nhiều. Đăng kiểm thì thật ra dạng hình thức thì nhiều. Cho nên chưa có biện pháp nào khả thi mình áp dụng được liền được. Cái này phải theo từng năm".

Ô nhiễm không khí không phải là câu chuyện mới tại các đô thị. Song, người dân cần làm gì? Cơ quan chức năng cần giải quyết ra sao, trước thực trạng đáng báo động này, đặc biệt những diễn biến bất thường vừa qua.

Là người trực tiếp đi lại, chứng kiến quang cảnh bầu trời nhiều nơi ở TP.HCM trong nhiều ngày qua bị che mờ như sương mù vào các buổi sáng khiến không ít người lăn tăn, hoang mang.

Không lo lắng sao được khi với tốc độ gia tăng các loại phương tiện cơ giới nhanh chóng, sản xuất công nghiệp ngày càng nhiều, TPHCM, Hà Nội và nhiều đô thị khác trong cả nước đang đối diện với nạn ô nhiễm không khí mỗi ngày một nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, TP.HCM với hơn 8 triệu xe gắn máy và gần 800.000 xe ôtô các loại thì mỗi ngày thải ra một lượng rất lớn khói, bụi. Rồi ở nhiều quận, huyện ngoại thành, các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động suốt ngày đêm cũng là tác nhân gây nên nạn ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn rất lớn.

Theo kết quả quan trắc trong 10 năm qua tại nhiều khu vực ở TP.HCM chỉ số chất lượng không khí hiện luôn vượt mức quy chuẩn. Còn thực tế, hiện nay mỗi khi ra đường, buộc người dân của thành phố đa số phải sử dụng khẩu trang nếu muốn hạn chế các bệnh về đường hô hấp.

Rõ ràng câu chuyện chất lượng không khí ở thành phố luôn phải được cảnh báo để mọi người có ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân; trách nhiệm hơn trong việc bảo về và giữ gìn môi trường trong lành cho cá nhân và cộng đồng. Thế nhưng hiện tượng sương mù xuất hiện liên tục trong một thời gian dài vừa qua ở TP.HCM mà ngành chức năng mà cụ thể ở đây là Sở Tài nguyên môi trường không đưa ra được các thông báo, cảnh báo cụ thể kịp thời cho người dân là một thiếu sót.

Trong khi thực tế, người đi đường cũng có cảm nhận không khí vào sáng sớm những ngày vừa qua có phần ngột ngạt hơn; các bệnh viện cũng ghi nhận số ca mắc bệnh hô hấp phải nhập viện nhiều hơn.

Hoang mang, ton that suc khoe vi mu mo thong tin canh bao o nhiem khong khi   - Hinh anh 2
Không để tình trạng mù mờ về thông tin ô nhiễm không khí như vừa gây hoang mang và tổn thất về sức khỏe cho người dân như thời gian vừa qua

Do Sở Tài nguyên môi trường chưa lên tiếng nên buộc người dân đổ xô đi tìm các thông tin từ các nguồn khác nhau để kiểm nghiệm, có người sử dụng cả các kinh nghiệm cá nhân để tự đo đạc thông qua các dụng cụ trên mạng, điện thoại thông minh.

Cũng do không có thông tin chính thống nên báo chí đi tìm đến các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu độc lập nên mỗi nơi đưa ra một nhận định khác nhau. Có người khẳng định đó là ô nhiễm do hạt bụi, khói bụi; có người nói do nguyên nhân cháy rừng ở Indonesia.

Trong khi nơi có chức năng giám sát là Trung tâm quan trắc  Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài Nguyên môi trường cũng ngại tiếp xúc với cơ quan báo chí; mãi đến chiều 25/9 mới đưa ra được nguyên nhân là do hoạt động hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuyếch tán sâu khiến thời tiết luôn nhiều mây.

Hiện trung tâm này có 34 vị trí quan trắc tại các khu dân cư, tuyến đường về chất lượng không khí. Nhưng do phải thực hiện bằng đo thủ công nên thông tin không khí ô nhiễm theo trung tâm cho kết quả có khi chậm cả tháng.

Ở đây câu chuyện về vấn đề đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cho lĩnh vực quan trắc không khí, tiếng ồn để đưa ra các cảnh báo cần thiết lại có vấn đề; thể hiện năng lực hoạch định, chuẩn bị cho sự phát triển của một siêu đô thị ở một số cơ quan, ban ngành của TP Hồ Chí Minh là yếu kém.

Rõ ràng, TP.HCM, Hà Nội và nhiều đô thị khác đang gặp thách thức rất lớn trong quá trình phá triển, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường, các khủng hoảng do thời tiết, thiên tai và kể cả nhân tai liên tục  xuất hiện.

Đòi hỏi năng lực nhận định,dự báo, thông tin, truyền thông của các cấp, các ngành của thành phố phải được nâng lên; từ đó giúp người dân chủ động phòng tránh, chung tay xử lý các vấn đề phát sinh.

Không để tình trạng mù mờ về thông tin ô nhiễm không khí như vừa gây hoang mang và tổn thất về sức khỏe cho người dân như thời gian vừa qua./.

VOV Giao Thông

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h