Kéo giãn thời hạn giảm phí đường bộ: Vì sao doanh nghiệp vận tải thất vọng?

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải đã không còn hào hứng đón nhận lần kéo giãn thời gian giảm phí bảo trì đường bộ thứ hai của Bộ Tài chính do nghịch lý xe “đắp chiếu” nhưng vẫn phải đóng tiền.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 47/2021/TT-BTC về quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó phí sử dụng đường bộ thu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải sẽ được giảm xuống 10 – 30% so với mức thu được quy định trong Thông tư số 293/2016/TT-BTC.
Theo thông tư của Bộ Tài chính, việc kéo giãn thời hạn giảm phí đường bộ là nhiệm vụ nằm trong phương án giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng kể từ lần đầu giảm phí vào tháng 8/2020, tình hình doanh thu của DN kinh doanh vận tải đến nay đã chuyển biến xấu đi nên nhiều ý kiến cho rằng chính sách đã không còn theo kịp thực tế.

Keo gian thoi han giam phi duong bo: Vi sao doanh nghiep van tai that vong? - Hinh anh 1
 Thời hạn giảm phí đường bộ cho DN kinh doanh vận tải kéo dài đến 31/12/2021.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, tài xế hãng taxi Lan Anh chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kể từ đầu năm 2021 đến nay, lượng khách sử dụng dịch vụ đã giảm đến 70 – 80% do không có nhu cầu đi lại. Thực tế cho thấy, chiếc xe vốn là “cần câu cơm” của các tài xế taxi giờ chủ yếu “đắp chiếu” ở bến, bãi và gần như không chạy. Bởi vậy, khi biết thông tin mức thu phí đường bộ vẫn giữ nguyên so với lần đi đăng kiểm trước (tháng 10/2020), anh Nguyễn Mạnh Dũng tỏ ra khá thất vọng.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc công ty TNHH Kim Thành Phát cho rằng mức giảm 10% - 30% phí đường bộ đối với các DN đã được tính toán, tham khảo từ những thống kê trên mặt bằng chung từ đợt dịch năm 2020. Nhưng đối chiếu với tình hình càng lúc càng kiệt quệ của DN vận tải trong nửa đầu năm 2021 kéo dài cho đến nay, mức giảm này đã không còn phù hợp.

Cụ thể, sau các đợt giãn cách, nhiều nhà xe buộc phải dừng hoạt động chứ không phải chỉ giảm thiểu các số lượt, số ghế như thống kê của một số cơ quan. Do đó nghịch lý không sử dụng đường bộ mà vẫn phải đóng tới 70% phí là điều tương đối bất cập.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, giám đốc Công ty cổ phần vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, việc giảm phí này sẽ giúp cho DN đỡ một phần khó khăn trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Tuy nhiên thời gian, mức giảm phí như hiện tại là quá ít ỏi.

Với quy mô khoảng 400 xe loại 5 chỗ ngồi và 70 xe loại 47 chỗ, phí đăng kiểm hàng tháng trung bình cho xe con là 250.000 đồng/tháng, xe to là 450.000 đồng/tháng. Như vậy, với mức giảm 30% nếu tính toán thì cũng chỉ giảm được một phần nhỏ so với những thiệt hại mà dịch bệnh đã gây ra đối với Công ty Đất Cảng nói riêng và các DN kinh doanh vận tải nói chung.

Có thể thấy các DN kinh doanh vận tải đã không còn hào hứng đón nhận lần kéo giãn thời gian giảm phí bảo trì đường bộ thứ hai của Bộ Tài chính do nghịch lý xe “đắp chiếu” nhưng vẫn phải đóng tiền. Nói về vấn đề này, Thạc sỹ kinh tế Tạ Việt Anh cho rằng sẽ không khó hiểu nếu nhìn thẳng vào tâm lý DN. Dù gọi chung là khó khăn, nhưng nội tại của DN sẽ có nhiều thay đổi trong mỗi lần bùng dịch, ban đầu còn có thể áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” và tiếp tục thắt chặt ở lần thứ hai, thứ ba. Nhưng tới lần thứ tư khi doanh thu gián đoạn, DN gần như không còn khoản nào để cắt giảm, lúc này mọi khoản chi phí đều trở thành gánh nặng.

Thống kê từ gần 700 công ty cổ phần; hơn 400 HTX thuộc Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh vận tải cho thấy, số xe khách nằm chờ tại bến không hoạt động là trên 50%, số xe taxi không hoạt động là 70 – 80% và bình quân sử dụng đường bộ chỉ từ 100 – 150km/ngày. Trước tình hình khó khăn của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan có cơ chế, chính sách giúp cho các DN vận tải vượt qua khó khăn hiện tại. 


Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2903S cho biết, phần mềm quản lý thu, nộp phí sử dụng đường bộ đã được đưa vào sử dụng từ năm 2020. Sau khi thông tư 47 được banh hành, đơn vị đăng kiểm sẽ cập nhật để tiếp tục tính toán giảm trừ cho đối tượng phương tiện được thụ hưởng chính sách giảm phí đường bộ từ 1/7.

Tin liên quan