Khám sức khỏe lái xe: Nhiều doanh nghiệp đang làm cho có

 
Chia sẻ

Sở GTVT Hà Nội đánh giá vẫn còn nhiều đơn vị vận tải thực hiện theo kiểu hình thức, chiếu lệ, để lái xe tự đi khám sức khỏe rồi mang kết quả về nộp, dẫn đến để lọt nhiều tài xế không đảm bảo sức khỏe, thậm chí cả các “con nghiện”, đe dọa nguy cơ mất ATGT...

Kham suc khoe lai xe: Nhieu doanh nghiep dang lam cho co  - Hinh anh 1
Giải pháp nào giúp ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp bao che cho lái xe, sử dụng kết quả không thực chất để hành nghề? (Ảnh: baogiaothong)

Đề cập kết quả khám sức khỏe cho lái xe do các doanh nghiệp báo cáo, ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, các đơn vị, doanh nghiệp đã kiểm tra được 92.700 lái xe, chiếm 73% tổng lái xe của 835 đơn vị vận tải.

Kết quả cho thấy, có 5 lái xe dương tính với ma túy, 86 lái xe có các bệnh về mắt, một số trường hợp các đơn vị vận tải chưa báo cáo trõ nguyên nhân. 

Đáng chú ý, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, vẫn còn một số doanh nghiệp không tổ chức khám hoặc để lái xe tự đi khám rồi mang kết quả về nộp, không đảm bảo đúng quy định, kết quả không thực chất, thậm chí để lọt lái xe nghiện ma túy.

Dẫn chứng về điều này, ông Tiến cho biết, chỉ qua kiểm tra 178 lái xe của 16 doanh nghiệp trên địa bàn, Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã phát hiện 2 lái xe dương tính với ma túy. Phân tích về điều này, ông Lê Xuân Tiến cho biết:

“Qua công tác kiểm tra các doanh nghiệp thì chúng tôi nhận thấy có một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc có những doanh nghiệp có thể khoán cho lái xe dẫn đến tình trạng để cho lái xe tự đi khám sức khỏe ở những cơ sở y tế không có đầy đủ thẩm quyền, chức năng, không có đầy đủ các trang thiết bị dẫn đến việc kết luận trong việc khám sức khỏe đối với lái xe của các cơ sở y tế đấy không đảm bảo”.

Trước thực tế này, một số người tham gia giao thông cũng bày tỏ sự lo ngại khi kết quả khám không thực chất:

“Tôi thấy sử dụng cái đó sẽ không tốt tại vì như chúng tôi làm việc này thì thứ nhất khách hàng người ta đánh giá, cái thứ 2 bọn tôi làm có ca có kíp, cũng có thời gian nghỉ ngơi nên không sử dụng cái đấy”.

“Không nên như vậy, tại vì phải đến xét nghiêm xem có đủ sức khỏe để lái xe không. Theo tôi thì nên có biện pháp xử phạt thật nặng cho các tài xế có sử dụng ma túy”.

“Tôi cũng đề nghị các ban ngành kiểm tra nồng độ cồn và lượng a túy trong tài xế, lái xe để đảm bảo giao thông cho an toàn”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề không mới và cũng không phải chỉ riêng vấn đề của Hà Nội, mà xảy ra ở nhiều địa phương khác. Nguyên nhân của tình trạng này là do quy định hiện hành chỉ yêu cầu doanh nghiệp hàng năm định kỳ và đột xuất kiểm tra sức khỏe với lái xe, chứ không có quy định cụ thể doanh nghiệp hàng năm phải mời cơ sở y tế đến khám sức khỏe cho lái xe tại doanh nghiệp:

“Không thể có quy định cứng bắt buộc tất cả các doanh nghiệp khi khám sức khỏe cho người lao động người ta lại phải tổ chức mời cơ sở y tế đến công ty người ta khám hay cử người đi giám sát việc đó được, nếu quy định như thế thì sẽ phát sinh nhiều việc và không đúng chức năng. Hôm nay thì ông này đến định kỳ hàng năm, vài tháng sau mới có một ông đến định kỳ một năm chứ có phải người ta đến đồng loạt hết đâu”.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng phòng Pháp chế- An toàn, Sở GTVT Hải Dương cho biết, do quy định doanh nghiệp phải kiểm tra sức khỏe cho lái xe còn nhiều lỗ hổng, nên từ nhiều năm nay, Sở GTVT Hải Dương đã tiến hành khám tập trung cho toàn bộ lái xe trên địa bàn nhằm khắc phục tình trạng lái xe, doanh nghiệp trốn tránh việc khám sức khỏe định kỳ và đột xuất:

“5 năm nay rồi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hải Dương kết hợp khám sức khỏe lái xe và kiểm tra ma túy. Cái kiểm tra ma túy thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ, còn khám sức khỏe thì theo định mức, doanh nghiệp phải trả. Mình có cơ hội đưa vào một bệnh viện lớn, có lực lượng kiểm tra, kiểm soát và người ta kiểm tra thực sự”.

Từ cách làm này, cao điểm có những năm Hải Dương đều phát hiện từ 30-50 lái xe dương tính vơi sma túy. Qua đó, Sở GTVT Hải Dương đã yêu cầu doanh nghiệp vận tải chấm dứt hợp đồng lao động với những tài xế không đủ sức khỏe khi lái xe.

Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở GTVT thực hiện tuyên truyền, chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải có cơ chế giám sát đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về khám sức khoẻ cho người lái xe. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện khám sức khoẻ theo quy định hoặc có khám nhưng chỉ để đối phó.

Kham suc khoe lai xe: Nhieu doanh nghiep dang lam cho co  - Hinh anh 2
Việc khám sức khỏe định kỳ cho lái xe là rất cần thiết (Ảnh: Hanoimoi)

Hậu quả của việc kiểm tra, kiểm soát sức khỏe với lái xe theo kiểu đối phó đã thấy rõ, song quan trọng nhất là phải nhận ra nguyên nhân gốc rễ, căn cơ của tình trạng này để có giải pháp khắc phục một cách hiệu quả. 

Để doanh nghiệp không muốn “lách” và không thể “lách”

Có lẽ không cần nói thêm về sự nguy hiểm của việc thực hiện khám sức khỏe cho tài xế một cách đối phó, chiếu lệ. Vì hậu quả đã quá rõ, khi để “lọt” những ma men, những con nghiện sau vô lăng.

Nhưng vì sao không ít doanh nghiệp vẫn thực hiện theo kiểu đối phó?

Trước hết, như các ý kiến đã chỉ ra, quy định pháp luật – với những kẽ hở hiện nay, vẫn cho phép doanh nghiệp đối phó, muốn lách vẫn có thể lách được. Việc thực hiện khám sức khỏe cho tài xế một cách chủ động trách nhiệm hay chiếu lệ qua loa cho xong, về cơ bản sẽ không khác gì nhau, nếu cơ quan chức năng không nghi ngờ mà xác minh lại, hoặc cho đến khi xảy ra TNGT. 

Bởi theo quy định hiện hành, nếu tài xế bị phát hiện có sự dụng ma túy thì chỉ xử lý cá nhân, doanh nghiệp hoàn toàn không liên quan, cho đến khi vi phạm này được xác định là một trong các nguyên nhân dẫn đến vụ TNGT nào đó. Quy định này rõ ràng chưa đủ ràng buộc để  doanh nghiệp có ý thức nghiêm túc về việc kiểm soát sức khỏe của tài xế do mình quản lý.

Thứ hai, về động cơ, vì sao doanh muốn lựa chọn cách này, mà không phải là khám sức khỏe thực chất? Tổ chức khám sức khỏe nghiêm túc, đương nhiên sẽ mất nhiều thời gian, sẽ tốn kém tiền bạc, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ sản xuất kinh doanh.

Nhưng khi tai nạn giao thông xảy ra, ngoài thiệt hại của tài xế và người tham gia giao thông, thì chính bản thân doanh nghiệp vận tải cũng chịu thiệt.

Là người đứng đầu doanh nghiệp, các ông chủ, bà chủ hẳn đều đã phải đặt hai điều này lên bàn cân. 

Song rất tiếc, cán cân lại nghiêng về hướng lựa chọn tiêu cực – tức là làm “chiếu lệ”. Bởi có một thực tế, là nếu như ở nhiều quốc gia, mức độ trách nhiệm liên đới của doanh nghiệp sẽ rất cao trong trường hợp để tài xế gây tai nạn giao thông (thậm chí có thể bằng lợi nhuận của nhiều năm kinh doanh), thì ở Việt Nam, một khi đã tham gia bảo hiểm, cái giá mà doanh nghiệp phải trả sẽ khá nhẹ nhàng.

Thứ ba, có  một thực tế khác là qua khảo sát, phần lớn tài xế dương tính với ma túy bị “lọt” sau kiểm tra sức khỏe, rơi vào các doanh nghiệp nhỏ, ít đầu xe.

Trong khi, doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín lại rất chú trọng công tác này, coi nó như một điều kiện thiết yếu đảm bảo cho uy tín và tương lai lâu dài của doanh nghiệp.

Như vậy, có mối liên hệ giữa tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thậm chí chộp giật trong lĩnh vận tải, với thái độ và cách thức tổ chức khám sức khỏe cho tài xế. 

Và, còn một yếu tố nữa cũng đã từng được đề cập, đó là tình trạng khan hiếm tài xế container, xe tải hạng nặng, do những điều kiện khắt khe về bằng lái, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng tăng cao.

Điều này cũng dễ dẫn đến nạn doanh nghiệp “vắt kiệt” tài xế. Tất nhiên, vì muốn tăng thu nhập và chưa ý thức hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhiều tài xế cũng chấp nhận bị “vắt kiệt”.

Cho nên, để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp khám sức khỏe cho lái xe theo kiểu đối phó, dẫn đến lọt tài xế không có đủ sức khỏe, thậm chí nghiện ma túy, thì cần xem xét tổng thể tất cả các yếu tố trên, từ đó rà soát, bổ sung quy định và chế tài cho phù hợp.

Liên tiếp trong nhiều cuộc họp của Chính phủ vể TTATGT từ đầu cuối năm 2018 đến nay, Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG đã nhiều lần chỉ đạo: cần phải xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp khi để tài xế nghiện cầm vô lăng, hay ép tài xế làm việc quá thời gian quy định. 

Và với kết quả kiểm tra mới đây của Hà Nội, cùng 160 trường hợp dương tính với ma túy đã được Cục CSGT phát hiện chỉ trong vòng 1 tháng cao điểm, càng cho thấy, sự cấp thiết cần phải cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo này thành các văn bản pháp quy để triển khai, kịp thời ngăn chặn các vụ TNGT được báo trước.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan