|
Sau thời gian tăng trường nóng, thị trường vận tải hàng không nội địa đang dần hạ nhiệt. |
Càng gần kỳ nghỉ càng “hạ nhiệt”
Cách đây khoảng chục ngày, thị trường vé máy bay kỳ nghỉ Lễ 2/9 có dấu hiệu “tăng nhiệt” khi giá vé một số chặng bay “vàng” được đẩy lên khá cao. Tuy nhiên, càng gần thời điểm nghỉ lễ, giá vé lại càng “hạ nhiệt”. Số lượng vé bán ra cũng khá dồi dào, nguy cơ khan hiếm vé cũng dần bị loại bỏ.
Khảo sát trên những kênh bán vé trực tuyến của các hãng hàng không có thể dễ dàng nhận thấy điều này. Hầu hết các chặng bay “vàng” vốn từng được dự báo sẽ “cháy vé” vào dịp nghỉ Lễ 2/9 năm nay như: Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh – Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh – Nha Trang… vẫn còn dư khá nhiều ghế trống, giá vé tương đối mềm.
Thậm chí, một số khung giờ ban đêm, giá vé máy bay trên những chặng bay này nhỉnh hơn giá ngày thường không đáng kể.
Đơn cử như vé của Vietnam Airlines chặng bay Hà Nội – Phú Quốc đi ngày 31/8 chỉ khoảng 4 – 4,5 triệu đồng/vé khứ hồi. Cùng đến Phú Quốc, vé đi từ TP Hồ Chí Minh ngày 1/9 cũng chỉ còn khoảng 1,1 triệu - 1,9 triệu cho hạng vé phổ thông và 3,2 - 4,3 triệu cho hạng vé thương gia.
Cùng đường bay trên, giá vé của Vietjet Air còn “mềm” hơn khi chỉ giao động từ 1,2 triệu - 2,9 triệu (tuỳ hạng vé). Nếu bay khứ hồi, giá một cặp vé chỉ ở mức khoảng 3 triệu đồng (chưa bao gồm hành lý).
Một chặng bay “hót” khác là Hà Nội – Nha Trang giá vé đang ở mức rất hợp lý. Giá một cặp vé khứ hồi của Vietnam Airlines chỉ vào khoảng 3,4 triệu đồng tùy theo giờ bay. Trong khi chặng bay Hà Nội – Cam Ranh giá vé khoảng 2 triệu đồng.
Theo báo cáo tổng hợp của các hãng hàng không, tính tới thời điểm ngày 18/8/2023, tỉ lệ lấp đầy trong giai đoạn dịp nghỉ Lễ 2/9 (31/8 - 5/9/2023) trên các đường bay trục cũng như đường bay du lịch vẫn còn ở mức thấp, lượng ghế cung ứng còn lại vẫn còn dồi dào.
Đơn cử như các đường bay trục Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tỷ lệ lấp đầy chuyến bay mới đạt từ 30 - 40%. Đối với các đường bay du lịch, ngoại trừ đường bay từ Hà Nội đến Phú Quốc, Bình Định và Côn Đảo hay đường bay từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Định có tỷ lệ đặt chỗ trên 40%, còn các đường bay khác đều đang mức thấp, dao động từ 25% đến dưới 40%.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tổng số chuyến bay các hãng dự kiến khai thác trong giai đoạn cao điểm nghỉ Lễ 2/9 là hơn 5.300 chuyến. Tổng ghế cung ứng 1,06 triệu ghế, tăng khoảng 20% so với giai đoạn bình thường nhưng giảm 3% so với cùng kỳ 2022.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, kết quả khảo sát trên những trang web bán vé của các hãng hàng không Việt Nam trong dịp nghỉ Lễ 2/9 cho thấy, giá vé máy bay đang ổn định kể cả trên các đường bay trục lẫn đường bay du lịch, không có sự chênh lệch nhiều so với giai đoạn cao điểm Hè. Giá có xu hướng tăng cao vào ngày đầu của kỳ nghỉ lễ đối với chiều đi và ngày cuối của chiều về.
|
Người dân cũng thay đổi thói quen di chuyển trong các kỳ nghỉ cho phù hợp với điều kiện |
Muốn tăng cao cũng khó
Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến của thị trường vé máy bay kỳ nghỉ Lễ 2/9 năm nay là phù hợp với quy luật của thị trường. Việc giá vé không bị đẩy lên quá cao như một số cao điểm nghỉ lễ vừa qua. Điều này cũng cho thấy các hãng hàng không đã bắt đầu “biết lắng nghe” và “chịu thấu hiểu” với những “thượng đế” của mình.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không cho biết, sở dĩ giá vé máy bay kỳ nghỉ Lễ 2/9 năm nay được giữ ở mức khá “dễ chịu” như vậy là bởi các hãng hàng không đã có một cái nhìn khác về thị trường, nhất là sau thời gian dài vé máy bay bị “ế” như vừa qua.
“Không phải cứ cao điểm nghỉ lễ, nghỉ Hè là vé phải “cháy” và giá vé phải cao chót vót. Tăng giá vé vào những dịp cao điểm là điều dễ hiểu nhưng mức tăng phải phù hợp. Nếu giá vé máy bay bị đẩy lên quá cao, người dân sẵn sàng quay lưng lại với hàng không để lựa chọn phương thức di chuyển khác phù hợp hơn” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, trong thời gian qua, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 đi qua, giá vé máy bay đã bị các hãng hàng không đẩy lên quá cao, tạo nên những đợt “bão giá” chưa từng có. Tuy nhiên, ngay sau đó, hàng không lại vừa trải qua một cao điểm Hè “ế ẩm”. Đây chính là phản ứng của thị trường khi giá vé máy bay bị đẩy lên quá cao.
“Cao điểm Hè vừa qua chính là một bài học quý giá cho các hãng hàng không trong việc điều chỉnh giá vé. Việc giá vé trong kỳ nghỉ Lễ 2/9 năm nay được điều chỉnh ở mức hợp lý như vậy chứng tỏ các hãng hàng không đã “biết lắng nghe” và “chịu thấu hiểu” quy luật của thị trường để điều chỉnh giá vé cho phù hợp” – chuyên gia Nguyễn Thiện Tống đánh giá.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường vé máy bay khó tăng nhiệt trong bối cảnh sức mua đang giảm sâu do xu hướng tiết kiệm chi tiêu. “Không chỉ hàng không mà nhiều lĩnh vực kinh tế khác cũng đang chịu cảnh tương tự” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Dù kỳ nghỉ Lễ 2/9 giá vé máy bay không tăng quá cao nhưng điều này không có nghĩa là cao điểm nghỉ Tết cuối năm thị trường vé máy bay sẽ không “nóng”. Bởi trái với cao điểm Hè các kỳ nghỉ lễ trong năm, nghỉ Tết nhu cầu đi lại bắt buộc của người dân rất lớn. Do đó, không chỉ hàng không mà nhiều lĩnh vực vận tải khác cũng tăng giá vé lên rất cao. Người dân cần sớm lên kế hoạch cho chuyến đi cuối năm để không quá bị động với sự lên xuống bất ngờ của thị trường vé máy bay" – Chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, dịp Lễ 2/9 là dịp “nghỉ vét” của nhiều gia đình trước khi trẻ vào năm học mới nên lượng khách không quá đông như cao điểm Hè. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách đã thay đổi rất nhiều, tính chất mùa cao điểm - thấp điểm không quá rõ rệt và du khách có kế hoạch du lịch đều đặn, tranh thủ thời điểm nhàn rỗi chứ không chỉ tập trung vào đợt cao điểm nghỉ lễ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường vé máy bay kỳ nghỉ Lễ 2/9 năm nay không qua “nóng” như lo ngại ban đầu.