Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có giải pháp căn cơ, cụ thể hơn để giải quyết tình trạng này.
|
Taxi G7 hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Khoảng 12.000 phương tiện rút khỏi thị trường
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, loại hình vận tải hành khách đã “đóng băng” trong nhiều tháng. Sau khi thực hiện những biện pháp hoạt động trong trạng thái bình thường mới, taxi dần hoạt động trở lại và bắt đầu tăng tần suất hoạt động của các đầu xe. Tuy nhiên, do dư chấn quá lớn, cộng thêm giá xăng, dầu tăng cao khiến cho các hoạt động kinh doanh của DN vận tải hành khách này vẫn đang đi theo chiều hướng xấu.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng 79.360 xe năm 2019 đến nay đã giảm còn 67.040 xe taxi. Như vậy, có thể thấy những cảnh báo trước đó về những khó khăn mà DN kinh doanh vận tải taxi đã trở thành hiện thực khi bình quân mỗi tháng có hàng loạt DN rút lui khỏi thị trường, kéo theo hàng nghìn người lao động mất việc hoặc phải đi tìm công việc mới.
Khó khăn bao trùm với mọi loại hình kinh doanh, dịch vụ. Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 32.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, so với cùng kỳ năm trước, con số này đã tăng gấp đôi, cụ thể là 51,3%. Khoảng 8.900 DN đang ngừng hoạt động để chờ làm thủ tục giải thể và gần 3.300 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể, trong đó, số DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng là 2.800 đơn vị.
Đối với DN vận tải hành khách nói chung, vận tải hành khách bằng xe taxi nói riêng, khó khăn đã nhân đôi. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc Công ty quản lý G7 taxi cho rằng, đi kèm sự tăng tiến của chi phí các hoạt động dân sinh, xã hội, giá xăng, dầu tăng liên tiếp từ đầu năm càng khiến cho người lao động và các DN điêu đứng. Hiện tại, đời sống của cán bộ, công nhân viên của hãng gặp nhiều khó khăn vì nguồn thu nhập tỷ lệ nghịch với chi phí phát sinh sau thời gian nghỉ dịch.
Tương tự, đại diện hãng taxi Mai Linh cho biết, DN đang phải gồng mình khi gánh chịu các loại chi phí. Giá nhiêu liệu cộng hưởng với những chi phí khác trong mùa dịch thực sự khiến DN điêu đứng. Theo tính toán, tỷ lệ 30 - 35% cấu thành chi phí hoạt động đến nay đã không còn phù hợp, thay vào đó, tỷ lệ này đã tăng thêm trên 13%.
Cần giải pháp căn cơ
Giám đốc Công ty quản lý G7 taxi Nguyễn Anh Quân cho biết, thời gian qua, các giải pháp hỗ trợ tài chính qua hệ thống BHXH phần nào giúp người lao động giảm được áp lực. Song về lâu dài, các phương án hỗ trợ cần mang phải tính chất cơ bản, có giá trị lâu dài và bền vững hơn mới tạo cho DN kinh doanh vận tải cơ hội phục hồi sau khi chịu quá nhiều tác động của yếu tố khách quan.
“Hiện nay, các chính sách hỗ trợ chưa được rõ ràng, cụ thể. Do đó, Chính phủ, các bộ, ban ngành cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Chỉ với một hoặc hai gói chính sách hỗ trợ, DN và người lao động có thể giải quyết tình thế trước mắt, nhưng về lâu về dài, cơ quan quản lý cần mạnh dạn hơn để tạo điều kiện cho DN tái cơ cấu” - ông Nguyễn Anh Quân cho hay.
Hiện tại, các DN kinh doanh vận tải vẫn phải đối diện với rất nhiều hệ lụy, thách thức. Cụ thể như dù đã được giảm 2% thuế song chính sách hỗ trợ này vẫn khiến DN đứng trước nguy cơ phá sản nếu không được bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Xoay quanh những khó khăn của các DN kinh doanh vận tải taxi, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, hiện nay, nhu cầu của người dân vẫn thấp nhưng DN vẫn phải cho xe hoạt động trở lại để giữ thị trường. Tuy nhiên, việc gắng gượng có lẽ không thể kéo dài khi giá xăng, dầu tăng cao, trong khi doanh thu của DN vận tải chỉ đạt khoảng 15 - 20% thời điểm trước dịch. Do đó, để hạn chế số lượng DN phải rút lui khỏi thị trường, kéo theo vấn đề việc làm của hàng ngàn người lao động, các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét, mở rộng chính sách hỗ trợ.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị kéo dài thời hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội năm 2021. Bên cạnh đó, cơ cấu trả nợ cần chia dần trong 6 tháng. Có nghĩa sau đó DN vừa trả nợ định kỳ và trả nợ cơ cấu (2 lần). Thời gian cơ cấu và hình thức trả nợ do 2 bên thỏa thuận nhưng thời gian trả nợ cơ cấu không quá 31/12/2022. Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thêm 2 năm.
Trong thời gian vừa qua, giá xăng, dầu liên tục tăng, vì vậy cần xem xét tạm dừng thu 3.800 đồng vào Quỹ bảo vệ môi trường, để góp phân ổn định lại chỉ giá cước vận tải trên thị trường. Đồng thời, tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ, các quỹ công đoàn, tử tuất... Mặt khác, xem xét và cân nhắc giải pháp hỗ trợ các DN, lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023, nhằm tạo điều kiện cho các DN có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
“Dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt khiến DN khó khăn và kiệt quệ, tăng lương thời điểm này sẽ khiến nhiều DN phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động. Nếu DN không thể lo nổi chi phí nhân công, khả năng hàng chục nghìn người lao động sẽ không có việc làm” - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội chia sẻ.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Taxi Hà Nội: Năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội có 15.000 xe taxi hoạt động; Năm 2020 có khoảng 13.000 xe, năm 2021 khoảng 11.000 xe, quý II/2022 có gần 10.000 xe hoạt động, dự kiến số lượng taxi sẽ giảm xuống gần 50% so với năm 2019. |
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho DN vận tải. Liên bộ Công Thương Tài chính cần phải vào cuộc tích cực mới mong phục hồi được sản xuất, kinh tế. Các bộ, ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho DN khôi phục sản xuất, kinh doanh vận tải.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền |
Hệ thống tiếp nhận thông tin “đặt xe” của hãng có thể tiếp nhận hàng trăm cuộc kết nối từ hành khách, tuy nhiên hiện hãng chỉ phục vụ được từ 60 đến 70% nhu cầu. Hiện tại, có đến 40% trong số 1.300 taxi của hãng (tương đương hơn 500) xe không có tài xế làm việc.
Đại diện hãng Taxi Mai Linh Hà Nội |