Khơi thông “điểm nghẽn” trách nhiệm

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trên đường phố Hà Nội còn có không ít “điểm nghẽn” giao thông do những dự án, công trình chậm tiến độ, rào chắn, thu hẹp lòng đường tháng này sang năm khác.

Khoi thong “diem nghen” trach nhiem - Hinh anh 1
Đó không chỉ là khó khăn khách quan, mà còn là những “điểm nghẽn” trách nhiệm trong công tác thực hiện dự án của các chủ đầu tư, nhà thầu. 

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong năm 2023 Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan đã xóa được 15 điểm đen ùn tắc giao thông (UTGT), 7 điểm đen tai nạn; nhưng cùng lúc lại phát sinh thêm 10 điểm đen UTGT khác. Nhiều vị trí thường xuyên UTGT có nguyên nhân do rào chắn phục vụ thi công, thu hẹp lòng đường rồi… để đấy.

Ví dụ như loạt “lô cốt” trên đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông) đã bất động hàng năm qua. Hay dãy lô cốt kéo dài từ đường Nguyễn Trãi sang Nguyễn Xiển, khi thì thình lình xuất hiện rồi ì ạch kéo dài; lúc lại chắn trước mở sau, người dân bức xúc mới mở lối thoát qua khu vực rào chắn. Cũng có những “lô cốt” tồn tại do bất khả kháng, dự án chậm tiến độ xuất phát từ những khó khăn khách quan, trở thành thách thức đối với công tác bảo đảm giao thông của lực lượng chức năng và người dân Hà Nội.

Thực tế đó cho thấy, Hà Nội cần thay đổi cách ứng phó với những “điểm nghẽn” giao thông nhất thời, có biện pháp để nhanh chóng giải quyết hoặc ứng phó hiệu quả, để vừa xây dựng, vừa vận hành hệ thống giao thông thông suốt.

Thời gian qua, chính quyền Thủ đô đã có những biện pháp rất thiết thực để thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng hạ tầng. Sở GTVT, Công an TP Hà Nội… cũng tập trung cao độ trong tổ chức giao thông, qua đó giảm thiểu hệ lụy từ những lô cốt rào chắn trên đường. Nhưng về lâu dài, những giải pháp tình thế sẽ ngày càng kém hiệu quả hơn. Có thể các chủ đầu tư, nhà thầu sẽ phó mặc tất cả cho hệ thống điều hành giao thông, chỉ ưu tiên việc của mình, tạo nên những “điểm nghẽn” trách nhiệm với cộng đồng.


Để khơi thông “điểm nghẽn” trách nhiệm, TP cần nghiêm khắc hơn, mạnh tay xử lý, thậm chí “trảm” những nhà thầu yếu kém, bằng mọi cách thúc đẩy tiến độ các dự án chiếm dụng lòng đường. Mặt khác, cần yêu cầu đơn vị thi công phải thay đổi cách thức làm công trình. Việc rào chắn hè đường để xây dựng trước tiên phải tính đến tác động đối với giao thông chứ không chỉ ưu tiên dự án. Phương án bảo đảm giao thông phải được triển khai trước, chấm dứt tình trạng cứ rào chắn, dân kêu quá mới mở lối khác để đi.

Với những dự án chậm trễ, không có hoạt động thi công phải bắt buộc chủ đầu tư, đốc thúc các nhà thầu tạm đóng lại, hoàn trả mặt đường cho người dân lưu thông. Không thể cứ “chềnh ềnh” giữa đường hàng năm trời chỉ vì sợ thiệt thòi cho đơn vị thi công như các “lô cốt” trên đường Vũ Trọng Khánh chẳng hạn.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu cần được làm thật kỹ. Lấy tiêu chí bảo đảm giao thông tốt trong quá trình xây dựng làm một trong những điều kiện ưu tiên để xét duyệt nhà thầu; đồng thời yêu cầu họ cam kết, nếu chậm tiến độ, ngừng thi công phải tạm hoàn trả lòng đường.

Hà Nội đang đối diện với vấn nạn ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp, một tuyến nghẽn ảnh hưởng lan ra cả khu vực, từ đó gây khó khăn cho cả một hệ thống giao thông. Nếu không khơi thông những “điểm nghẽn” trách nhiệm, vấn nạn này sẽ còn kéo dài và gây nhiều bức xúc hơn nữa cho người dân Thủ đô.

KTĐT

Tin liên quan