Không dễ tiếp cận chương trình đổi xe máy cũ lấy xe mới

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hà Nội đang triển khai chương trình "Thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thủ đô". Việc kiểm định khí thải xe máy đạt hiệu quả rất tích cực, tuy nhiên cơ chế khuyến khích đổi xe máy cũ nát lấy xe mới vẫn còn gây khó cho người dân.

94% lượng khí thải từ xe máy

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có nhiều xe cũ, sản xuất trước năm 2000. Ngoài ra, còn có trên 730.000 ô tô, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.

Theo thống kê sơ bộ tại Hà Nội, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng. Mặc dù chỉ tiêu thụ 56% lượng xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% lượng CO; 57% lượng NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.

Thống kê cho thấy, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hoá thạch, chiếm 70 -  90%; chỉ 10 - 30% là do công nghiệp và sinh hoạt. Xe mô tô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải.

Khong de tiep can chuong trinh doi xe may cu lay xe moi - Hinh anh 1
 Từ ngày 12/11, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình "Thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thủ đô". 

Không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, xe máy quá "đát" được hiểu là những xe không còn đảm bảo an toàn kỹ thuật. Khi lưu thông, các xe thường vi phạm các lỗi như thiếu đèn còi, biển số bị mờ, thay đổi kết cấu xe… tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Nhằm giảm thiểu lượng khí thải độc hại thải ra môi trường, từ ngày 12/11, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình "Thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thủ đô".

Đáng chú ý, những chiếc xe máy sản xuất trước năm 2002 có đăng ký tại Hà Nội… nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ bằng một khoản tiền lên đến 4 triệu đồng để đổi sang xe mới.

Để được hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ, phải thoả mãn các điều kiện như: Xe máy chính chủ; Chủ phương tiện có hộ khẩu ở Hà Nội; Xe máy thuộc các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM, đăng ký lần đầu trước năm 2002 và đăng ký tại Hà Nội; Xe phải có đầy đủ các bộ phận: Khung xe, động cơ, bình nhiên liệu, tay nắm, bánh xe, giảm xóc, ống xả. Xe máy hoàn tất thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe với cơ quan đăng ký (có giấy chứng nhận thu hồi đăng ký xe, biển số xe được cấp bởi cơ quan đăng ký).

Ngoài ra, chủ phương tiện có thể đến 24 đại lý ủy nhiệm trên địa bàn 8 quận, huyện thuộc TP Hà Nội để đo nồng độ khí thải và nhận được những gói bảo dưỡng phương tiện miễn phí có giá trị lên đến 200 nghìn đồng.

Anh Lê Văn Hiếu, trú tại Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đọc báo thấy chương trình rất có ý nghĩa nên đến cửa hàng Honda để kiểm tra thử. Xe tôi đang đi mua từ năm 2013 nhưng mới chạy được hơn 3 vạn ki lô mét”.

Sau khi tham gia chương trình, anh Hiếu mới biết chiếc xe đi hàng ngày đang vượt xa tiêu chuẩn về khí thải. Anh nhận được gói hỗ trợ bảo dưỡng xe với chi phí 200.000 đồng bao gồm thay dầu, bugi và lọc gió. Kiểm tra lại lần 2, chiếc xe Honda Wave của anh Hiếu đã về mức khí thải tiêu chuẩn.

Khong de tiep can chuong trinh doi xe may cu lay xe moi - Hinh anh 2
Chương trình đã được nhiều người dân hưởng ứng. 

Theo chuyên gia môi trường, thạc sĩ Nguyễn Như Tiến, tại Hà Nội, chất lượng không khí ngày càng có chiều hướng xấu đi, việc các phương tiện đặc biệt là xe máy cũ nát xả thải ra môi trường làm giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống, giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển du lịch.

“Việc Hà Nội thực hiện chương trình đo khí thải của xe máy sẽ phần nào có những tác động tích cực đến môi trường. Tuy nhiên, lượng xe máy cũ nát trên địa bàn TP còn quá nhiều, bởi vậy cần mở rộng các điểm kiểm tra khí thải, bổ sung những gói hỗ trợ hấp dẫn để, kích thích cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia chương trình” - ông Nguyễn Như Tiến nói.

Điều kiện đổi xe cũ lấy xe mới: Ngặt nghèo

Theo ghi nhận của phóng viên Giaothonghanoi, trên đường phố, không khó bắt gặp những chiếc xe máy cũ nát, kết cấu xe được thay đổi, xả khói đen khịt. Khi được hỏi về chương trình thí điểm hỗ trợ đổi xe máy cũ nát lấy xe máy mới của Hà Nội, đa phần chủ nhân của những chiếc xe máy quá "đát" đều bày tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên, điều kiện để đổi được chiếc xe máy cũ sang xe mới rất ngặt nghèo đã khiến nhiều người lắc đầu.

Ông Nguyễn Văn Du, quê ở Việt Yên (Bắc Giang), làm nghề bán rau tại chợ Đầu mối phía Nam chia sẻ: “Tôi có nắm được thông tin về chương trình đổi xe cũ lấy xe mới trên báo đài. Gia đình cũng mong muốn thay chiếc xe chở hàng mua từ năm 2000 đến nay, đã hỏng hóc nhiều bộ phận. Nhưng chiếc xe cũ này của tôi đăng ký ở Bắc Giang, hơn nữa gia đình cũng không có hộ khẩu Hà Nội nên không được hỗ trợ”.

Khong de tiep can chuong trinh doi xe may cu lay xe moi - Hinh anh 3
Đa số người sử dụng không tiếp cận được chương trình hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới. 

Đang sử dụng chiếc xe Honda Dream mua năm 2001, anh Nguyễn Thành An trú tại Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng có mong muốn đổi sáng xe mới nhưng số tiền hỗ trợ anh cho là chưa nhiều, trong khi xe đang dùng vào việc thồ hàng. Theo quy định, người đổi vẫn phải bỏ một khoản tiền gần 20 triệu đồng mới có thể mua được một chiếc xe mới loại rẻ nên anh còn băn khoăn.

 “Chính sách hỗ trợ đã rất tốt, nhưng mức hỗ trợ chưa sát với thực tế. Điều kiện để được hỗ trợ là xe BKS Hà Nội và chủ phương tiện phải là công dân Thủ đô. Như xe của tôi mua qua nhiều chủ nên để hoàn tất thủ tục, mất nhiều thời gian, có khi tốn kém hơn cả tiền hỗ trợ” – anh Nguyễn Thành An chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện cửa hàng Honda Vũ Hoàng Lê tại Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), cho biết, đến thời điểm hiện tại, chưa có khách hàng nào đủ điều kiện để đổi xe. Chủ yếu là khách hàng đến kiểm tra khí thải. Mỗi ngày, cửa hàng đón khoảng 40 lượt khách đến kiểm tra, có tới 80% xe không đáp ứng được yêu cầu về khí thải. Đặc biệt, những xe sử dụng bộ chế hòa khí thường, đến 100% đều không đáp ứng được yêu cầu về khí thải dù mới chỉ 5 năm sử dụng.

“Khi lọc gió bẩn khiến phương tiện bị thiếu khí, nhiên liệu đốt không hết nên thải trực tiếp ra môi trường. Nhất là xe ôm công nghệ, xe giao hàng, do được hoạt động liên tục khi kiểm tra thì chỗ nào cũng thấy bụi bẩn” – vị này cho biết thêm.

Thực tế, có nhiều khách hàng quan tâm đến chính sách hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới nhưng do vấn đề thủ tục, nên họ còn e ngại mất thời gian trong khi mức hỗ trợ chưa cao. Bên cạnh đó, những xe đăng ký từ trước năm 2002 chính chủ rất ít mà theo quy định, xe không chính chủ cũng không được hỗ trợ. 

 "Quy định là hỗ trợ đổi xe đăng ký từ năm 2002 trở về trước, những xe đó đa phần là qua nhiều đời chủ, không còn đăng ký. Hơn nữa, nhiều xe cũ nát, lại thuộc đăng ký của các tỉnh thành khác, không phải Hà Nội. Chương trình này rất tốt, tuy nhiên, phải tính toán lại các tiêu chí, hỗ trợ thủ tục đổi xe máy mới nhanh chóng, tiện lợi thì sẽ được đông đảo người dân quan tâm".

Đại diện cửa hàng Honda Vũ Hoàng Lê

Tương tự, đại diện Cửa hàng ủy quyền Honda trên đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: "Đã có một vài khách hàng đăng ký tham gia chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, nhưng khách hàng gặp khó khăn do họ không có hộ khẩu Hà Nội, xe không chính chủ hay không còn giấy đăng ký".

Bên cạnh đó, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lượng xe đăng ký từ trước năm 2002 hiện ở Hà Nội không còn nhiều. Đa số chủ của những phương tiện này là những người có thu nhập thấp, họ khó có thể phụ thêm một số tiền lớn để đổi xe, nhận mức hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng.

 

"Việc có cơ chế, chương trình khuyến khích người dân kiểm soát khí thải từ xe máy và đổi, bỏ phương tiện cũ nát là đúng đắn, trên thực tế đang cho thấy hiệu quả rõ rệt khi đa số các xe máy đến kiểm tra đều cho kết quả vượt quá mức tiêu chuẩn về khí thải. Những chiếc xe này đều được các đại lý ủy quyền bảo dưỡng, thay thế miễn phí để đưa mức khí thải về ngưỡng an toàn. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện trong thực tế vẫn còn một vướng mắc, như phương tiện cũ nát khó có thể đạt được yêu cầu để được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới, bởi vậy trong giai đoạn Hà Nội đang thí điểm, nên rút kinh nghiệm sớm, điều chỉnh ngay để có thể nhanh chóng thực hiện chính thức"

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h