Ý tưởng không mới nhưng cần thiết
Theo ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TP Hà Nội cần đăng kiểm cho khoảng 5,7 triệu xe máy hiện có trên địa bàn. Mục đích của việc này nhằm hạn chế lượng xe cũ, có tuổi đời lâu năm lưu thông và xả khí thải gây ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc. Ông Tùng cho rằng, thời gian qua, Hà Nội đã đưa ra không ít giải pháp nhằm hạn chế nguồn thải ô nhiễm không khí từ xe máy.
|
Khí thải từ xe máy cũ nát là thủ phạm hủy hoại môi trường. |
Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là trong tổng số 5,7 triệu chiếc xe máy này có không ít xe cũ, có tuổi thọ lâu năm và thường xả khí thải gây ô nhiễm ra môi trường nhưng lại chưa có giải pháp hiệu quả. Ông Tùng khẳng định, khí thải xe máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí Thủ đô. Do đó, việc đăng kiểm lại toàn bộ các xe máy hiện có để loại bỏ các xe cũ nát bằng cách dán tem đạt chuẩn khí thải để phân biệt xe cũ và xe mới sử dụng là điều cần thiết.
Trên thực tế, đề xuất của nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường không phải là mới. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe máy do Bộ GTVT trình. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền vẫn chưa ban hành lộ trình áp dụng cũng như quy chuẩn cụ thể. Còn đối với TP Hà Nội, năm 2017, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về hạn chế xe cá nhân. Theo nghị quyết thì đến năm 2030 sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Với xe ô tô, sẽ hạn chế bằng biện pháp thu phí tại các khu vực vành đai.
Bám sát đời sống
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp tại Đại học GTVT Hà Nội khẳng định, đề xuất kiểm định toàn bộ xe máy ở Hà Nội để kiểm soát và giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường là ý tưởng rất tốt và cần thiết vào lúc này. “Trong các phương thức thải ra khí thải độc hại thì phương tiện giao thông chiếm tỷ lệ rất lớn, khoảng 65 - 70% tổng lượng khí thải” – GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia giao thông này cũng cho rằng, để triển khai ý tưởng trên là điều không dễ thực hiện, bởi kiểm soát khí thải đối với xe máy khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với ô tô. Lý do đơn giản nhất là vì ô tô được kiểm định một cách bài bản, còn xe máy không có quy định phải kiểm định mang tính chất bắt buộc. Do đó, muốn đưa xe máy vào kiểm định bài bản như ô tô cần phải có một lộ trình rõ ràng, đồng bộ và đặc biệt, phải có những giải pháp bám sát thực tiễn đời sống.
“Thứ nhất phải xây dựng bộ tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật cho xe máy, đặc biệt về mặt khí thải. Thứ hai phải xây dựng hành lang pháp lý, cụ thể là luật hóa yêu cầu kiểm định xe máy giống như ô tô. Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất là phải đề ra những giải pháp thực hiện sao cho bám sát thực tiễn đời sống làm sao để người dân “tâm phục khẩu phục” và đồng thuận tuân theo” – GS.TS Từ Sỹ Sùa nói. Đồng thời gợi ý, phương thức thực hiện nên bắt đầu từ việc tuyên truyền giáo dục kết hợp song hành với xây dựng hành lang pháp lý, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật...
Theo dự báo, đến năm 2020 TP Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ô tô, hơn 6 triệu xe mô tô, xe gắn máy. Đến năm 2030, số ô tô là hơn 1,9 triệu còn xe máy là hơn 7,5 triệu. Sự phát triển chóng mặt của phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô và xe máy, thực sự đang là vấn đề cấp bách đòi hỏi cần có các biện pháp quản lý kịp thời, để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.