Kinh tế tư nhân đang dần trở lại với “cuộc đua” làm cao tốc

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau một thời gian gặp khó trong việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa tham gia đầu tư, hiện nay các dự án cao tốc bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp (DN) tư nhân ngỏ ý muốn tham gia “sân chơi” lớn này.

Kinh te tu nhan dang dan tro lai voi “cuoc dua” lam cao toc - Hinh anh 1
 Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Kinh tế tư nhân đã quay trở lại

Ngày 23/2, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng báo tin vui liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Theo đó, đã xuất hiện nhà đầu tư muốn tham gia vào dự án này là liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Trang.

Cụ thể, liên danh nhà đầu tư này đề xuất triển khai xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương với tổng vốn giai đoạn 1 là 12.532 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ khoảng 4.000 tỷ đồng.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2022 - 2025) sẽ xây dựng theo quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m, tốc độ khai thác 80km/h. Giai đoạn 2 (sau năm 2030) sẽ mở rộng cao tốc theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, tốc độ khai thác 100km/h, có làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 12.532 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 5.420 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1, nguồn vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng sẽ chi 1.500 tỷ đồng cho dự án; đồng thời đề nghị nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 2.500 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2, nhà đầu tư sẽ huy động toàn bộ.

Về việc thu phí hoàn vốn cho dự án, DN đề xuất mức thu phí khởi điểm là 1.700 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn vốn trong vòng 17 năm 7 tháng và giai đoạn 2 hoàn vốn trong vòng 10 năm 7 tháng.

Dự án cao tốc Bảo Lộc- Liên Khương là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 210km. Đây là tuyến cao tốc quan trọng đấu nối với cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, đoạn thứ nhất là Dầu Giây - Tân Phú do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, thực hiện bằng ngân sách nhà nước.

Riêng 2 đoạn còn lại là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức PPP. Tỉnh Lâm Đồng cam kết cố gắng hoàn thành hai đoạn này trong năm 2025 để đưa vào khai thác.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2022 vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã kí kết thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với liên danh nhà nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú Invest.

Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) là 13.181 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác là 5.371 tỷ đồng.

Khi thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã có rất nhiều sáng kiến từ các nhà đầu tư. Sự quyết tâm của các nhà đầu tư là có cơ sở, cách kết nối rất thông minh, chia nhỏ rủi ro nhưng chia nhiều lợi ích được thụ hưởng trong tương lai cho các doanh nghiệp khai phá, biết kết nối hạ tầng giao thông với các dư địa phát triển bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, cửa khẩu... Dự án này không chỉ mang đến cho tỉnh Cao Bằng một con đường mà cả tầm nhìn chiến lược về cách làm, biện pháp huy động vốn của mô hình PPP, sẽ là giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của những địa phương còn nhiều khó khăn.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc

Mặc dù cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được đánh giá là sẽ không dễ tìm được nhà đầu tư do đây là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của mình, cuối cùng UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã thành công trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho dự án cao tốc đầu tiên tại địa phương mình.

Kinh te tu nhan dang dan tro lai voi “cuoc dua” lam cao toc - Hinh anh 2
Nguồn lực xã hội hóa có vai trò rất quan trọng trong việc đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông. 

“Sáng cửa” huy động nguồn lực xã hội để làm cao tốc

Các chuyên gia đánh giá, thành công của nhiều tỉnh thành mà điển hình là Cao Bằng và Lâm Đồng trong việc tìm nguồn vốn xã hội hóa để làm cao tốc qua địa phương mình là một tín hiệu rất đáng mừng. Điều này cho thấy, chủ trương xã hội hóa nguồn lực làm cao tốc và giao trách nhiệm chủ động trong việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có đường cao tốc cho các địa phương là đúng đắn.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhà đầu tư tư nhân tại các dự án cao tốc gần đây cho thấy kinh tế tư nhân đã và đang có sự phục hồi tốt sau một thời gian dài suy kiệt bởi dịch bệnh Covid-19. Nhiều DN đã lấy lại được “phong độ” và đủ sức tham gia vào những “sân chơi” lớn, trong đó có các dự án làm đường cao tốc.

Thực tế cho thấy, thời gian qua một số địa phương được giao quản lý, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc như: Quảng Ninh (cơ quan có thẩm quyền thực hiện các dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái; Lạng Sơn (cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị); Tiền Giang (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận); Ninh Bình (dự án Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông)… đã tạo được tính chủ động, kịp thời trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng.

Ông Trần Xuân Sanh - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT nhận định, nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư, công tác đầu tư xây dựng sẽ có được thuận lợi khi khai thác được các nguồn lực tại chỗ, kích thích được tính chủ động, thúc đẩy tiến độ GPMB, tiến độ cấp phép các mỏ vật liệu tại chỗ. Qua đó, có thể đẩy nhanh được tiến độ hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, ông Trần Xuân Sanh cũng lưu ý rằng, không phải địa phương nào cũng đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm để quản lý thực hiện dự án, nhất là các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Do đó, nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư dự án cao tốc, cơ quan chức năng các cấp cần phải thống nhất được các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý xây dựng với Bộ chủ quản đối với dự án.

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi khó khăn nguồn vốn ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng thì phải huy động nguồn lực xã hội. Về huy động nguồn lực xã hội, nhiều nước đã áp dụng rất thành công hình thức đối tác công tư PPP như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và điển hình là Hàn Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc có 15 tuyến đường cao tốc thì 10 tuyến huy động nguồn lực xã hội. Chúng ta đã có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là một cơ hội lớn để các nhà đầu tư tham gia.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, PGS.TS Trần Chủng


Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h