Ở nhiều địa phương còn hàng trăm vị trí đất dự án chậm triển khai, đất trống nhưng lại chưa thể cấp phép trông giữ xe tạm, gây lãng phí lớn và phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp.
Nghịch lý thừa mà vẫn thiếu
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh trên diện tích đất xây dựng đô thị của TP mới đạt dưới 1%, trong khi theo quy hoạch phải đạt từ 3 - 4%. TP mới đưa được 72 dự án bãi đỗ xe vào khai thác, hiện đang đầu tư 61 dự án, còn lại 1.557 dự án chưa thực hiện được. Năng lực của hạ tầng giao thông tĩnh Thủ đô vì vậy mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, Hà Nội có hàng trăm dự án chậm triển khai, đất quây rào để không, hoặc đất công do địa phương quản lý, đã có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư. Thực tế đó dẫn đến nghịch lý đất để trống, để thừa trong khi người dân thì thiếu nơi gửi xe.
Song song với việc thiếu điểm trông giữ xe, là tình trạng “chảy máu” nguồn lực, trục lợi từ đất công, mất trật tự, văn minh đô thị do trông giữ xe trái phép. Hiện đại đa số phương tiện cá nhân của TP đang gửi tại các bãi xe không phép, trái phép, lợi nhuận chạy vào túi một số cá nhân, còn chi phí duy tu, sửa chữa hạ tầng ngân sách TP phải gánh. Bên cạnh đó, tình trạng mất an ninh trật tự, ATGT do trông giữ xe không phép cũng gây nhức nhối kéo dài cho Thủ đô nhiều năm qua.
Thạc sĩ quản ý đô thị Trần Tuấn Anh nhận định: “Không chỉ là nghịch lý mà nó còn cho thấy sự lãng phí lớn của cải, nguồn lực xã hội. Đất để trống là lãng phí đất; không cho trông giữ xe để thu nộp vào ngân sách là lãng phí nguồn lực xã hội”.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP đã có chủ trương giao UBND các quận, huyện nghiên cứu cấp phép trông giữ xe tạm trên các ô đất trống có quy hoạch làm giao thông tĩnh, Sở cũng đã có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản gửi địa phương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn nữa trong việc cho phép trông giữ xe tạm trên các khu đất trống.
Không chỉ hơn 1.300 ô đất được quy hoạch làm giao thông tĩnh chưa có nhà đầu tư có thể cấp phép trông giữ xe tạm; mà hàng nghìn ô đất làm dự án khác đang treo, hoặc chưa triển khai cũng cần được xem xét cho sử dụng tạm thời làm điểm gửi xe.
Các ô đất do chính quyền quản lý, chưa có dự án đầu tư hoặc các ô đất dự án chậm tiến độ để không sẽ rất lãng phí và làm nảy sinh nhiều hệ lụy. Trên thực tế, không cấp phép thì nhiều ô đất như vậy vẫn biến thành bãi trông giữ xe, làm lợi cho cá nhân. Có nơi bãi xe lậu còn tồn tại hàng chục năm, ước tính cả nghìn tỷ đồng doanh thu TP không kiểm soát được, không thu thuế được; trong khi đó TP phải đi vay tiền về đầu tư hạ tầng giao thông. Đó là nghịch lý phải được xóa bỏ, mà biện pháp tốt nhất là cấp phép để quản lý và thu thuế.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung |
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ: “Người dân sẵn sàng trả tiền để được gửi xe ở các điểm có cấp phép, đất thì để không hoang hóa, hoặc bị chiếm dụng làm bãi xe lậu. Nếu cứng nhắc chỉ cấp phép cho các ô đất thuộc diện quy hoạch làm giao thông tĩnh thì vẫn sẽ gây lãng phí rất lớn”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nhiều địa phương đang khá rụt rè trong việc cấp phép điểm trông giữ xe tạm do thiếu một quy trình pháp lý chuẩn mực, thiếu hướng dẫn và sự chỉ đạo tập trung quyết liệt.
Bên cạnh đó, những vấn đề như: mức thu phí trông giữ xe, thuế, thời hạn cấp phép tạm cũng đang khiến sở, ngành, địa phương lúng túng. Đặc biệt, thời hạn cấp phép cho các điểm trông giữ xe hiện chưa có quy định thống nhất, cụ thể. Có nơi cấp 3 tháng, 6 tháng, có nơi thậm chí cấp 1 tháng/lần. Chính vì cơ chế không rõ ràng, ổn định nên nhiều DN không muốn đầu tư làm điểm trông giữ xe tạm trên các ô đất trống, đất dự án chậm triển khai. Có DN mong muốn được làm thì lại vướng mắc không xin được cấp phép.
Qua rà soát tại thời điểm gần nhất, trên địa bàn TP có 340 điểm trông giữ phương tiện ổn định mà không có giấy phép. TP cần rà soát lại các khu vực đất trống, đất dự án chưa triển khai, giao nhiệm vụ cho UBND các cấp thẩm định và cấp phép trông xe, bảo đảm về diện tích, PCCC và an ninh trật tự. Thời hạn cấp phép ít nhất phải 6 tháng hoặc 1 năm. Nhiều điểm đủ điều kiện nhưng không hiểu vì sao vẫn không được cấp phép.
Trưởng phòng PC06, Công an TP Hà Nội - Trung tá Nguyễn Thành Lâm |
Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng Trần Hồng Phong nhận định, đã đến lúc tháo gỡ rào cản pháp lý đầy tính bất cập, nhìn nhận việc tận dụng các ô đất trống trong đô thị làm bãi trông giữ xe tạm thời như một giải pháp hữu hiệu cho không chỉ giai đoạn trước mắt mà cả về lâu dài đối với Hà Nội.
Việc cần làm ngay lúc này là đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết, phân loại rõ những vị trí có thể tận dụng để cấp phép trông giữ xe để làm cơ sở pháp lý chặt chẽ cho việc triển khai vào thực tế. Nếu có thể xây dựng một bộ cơ chế tiêu chuẩn, phù hợp, mở hướng tiếp cận đến quỹ đất trống trong lòng đô thị, Hà Nội sẽ vừa tạm thời giải quyết được một phần không nhỏ nhu cầu đỗ gửi xe của người dân, vừa tăng thu ngân sách, có thêm nguồn lực tái đầu tư cho chính hạ tầng giao thông tĩnh.
“Vấn đề này phải được UBND các quận, huyện quan tâm hơn nữa. Chính quyền địa phương là người nắm rõ nhất tình hình thực tế, từ đó mới đưa ra giải pháp cụ thể, quy định cần thiết. Cấp TP chỉ cần xem xét, nghiên cứu trên cơ sở đề xuất của địa phương để ban hành những văn bản mang tính pháp lý cụ thể, vững chắc” - ông Trần Hồng Phong nói.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, vai trò chính trong việc cấp phép trông giữ xe tạm trên các ô đất trống là của UBND các quận, huyện, không thể đẩy trách nhiệm tìm giải pháp lên cấp TP.
“Quận, huyện cần nhìn nhận rõ, việc để đất hoang hóa không phục vụ mục đích xã hội, hoặc bị chiếm dụng để kinh doanh trái phép là một sự lãng phí rất lớn, cần phải chấn chỉnh ngay. Chính quyền địa phương cần chủ động tìm kiếm giải pháp chứ không chỉ thụ động, né tránh” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong điều kiện hiện tại, Hà Nội hoàn toàn có thể tận dụng những ô đất dự án chậm triển khai, đất trống, kể cả đất được quy hoạch với mục đích sử dụng khác giao thông tĩnh, để tổ chức trông giữ xe tạm. Mới đây TP đã ban hành “Quy chế tạm thời trong công tác triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn TP”.
Với quy chế này, tất cả điểm trông giữ xe muốn được cấp phép đều phải ứng dụng công nghệ để minh bạch doanh thu. Từ đó TP sẽ thu được nguồn thuế phí đáng kể, góp thêm nguồn lực tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông tĩnh. Đó cũng là giải pháp để tận dụng, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Mặt khác, các DN đều mong muốn được khai thác dịch vụ trông giữ xe có cấp phép, sẵn sàng thực hiện tốt mọi yêu cầu về an ninh, trật tự, ATGT, phòng chống cháy nổ. Nếu khắc phục được bất cập trong khâu cấp phép, Hà Nội sẽ có thêm hàng nghìn điểm trông giữ xe quy chuẩn, an toàn, làm lợi cho người dân và ngân sách TP.
Bất cập trong việc cấp phép trông giữ xe tạm trên đất dự án chậm triển khai, đất trống, kể cả những vị trí lòng đường, vỉa hè đủ điều kiện chính là một sự lãng phí. Lãng phí nguồn lực đất đai, tiền của xã hội, thất thoát nguồn lợi vào túi tư nhân sẽ càng làm gay gắt thêm những khó khăn của người dân đô thị trong bối cảnh hiện nay. Nhu cầu cấp thiết đang đòi hỏi Hà Nội tìm ra giải pháp cho việc cấp phép trông giữ xe tạm trên các ô đất còn để trống, đồng thời xử lý triệt để những bãi xe “lậu” tồn tại kéo dài tại các vị trí này.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương
|
Minh Tường