Lãng phí nguồn lực khi giá trông giữ xe chậm tăng

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong khi các điểm trông giữ xe được cấp phép vẫn phải áp dụng mức giá cũ theo quy định từ năm 2018, nhiều bãi xe “lậu” đang thoải mái thu giá cao gấp 2 - 3 lần, thậm chí 5 - 10 lần.

Cũng giống như chậm trễ cấp phép trông giữ xe, việc chậm tăng giá trông giữ xe đang khiến Hà Nội lãng phí một nguồn lực không nhỏ cho đầu tư hạ tầng.

Thất thoát rất lớn

Khung giá dịch vụ trông giữ xe của Hà Nội đã được áp dụng từ năm 2018 theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ban hành ngày 15/12/2017, sau nhiều năm đã cho thấy sự bất cập, không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Theo đó, giá trông giữ xe máy thấp nhất là 5.000 đồng/lượt/ ngày, cao nhất là 12.000 đồng/lượt/ngày đêm trong khu vực nội thành. Với các điểm trông giữ ở ngoại thành, giá chỉ từ 2.000 - 4.000 đồng/lượt.

Lang phi nguon luc khi gia trong giu xe cham tang - Hinh anh 1
Điểm trông giữ xe trên phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Hải Linh

Giá trông giữ ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống, tính theo từng khu vực từ 15.000 - 30.000 đồng/lượt (60 phút). Trông giữ xe theo tháng khu vực từ Vành đai 3 trở vào có giá từ 1.800.000 - 4.000.000 đồng/xe/tháng; ngoài Vành đai 3 từ 500.000 - 900.000 đồng/xe/tháng. Áp dụng theo đúng khung giá này, hầu hết mọi đơn vị được cấp phép trông giữ phương tiện đều đang phải chịu áp lực rất lớn khi thu ít, chi nhiều, lời lãi không đáng kể.

Trong khi đó giá cả của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt hàng ngày đều đã tăng, lương của nhân viên trông giữ xe cũng tăng theo nhiều lần điều chỉnh chung toàn quốc. Hiện Hà Nội còn đang yêu cầu các DN khai thác điểm đỗ xe phải ứng dụng công nghệ thu phí không dừng, không tiền mặt, đồng nghĩa với việc DN phải trả thêm phí thuê hạ tầng, công nghệ, gia tăng chi phí thường xuyên.

Có thể thấy được hệ quả tất yếu của việc phải chi trả chi phí lớn, lợi nhuận thấp là các đơn vị trông giữ xe sẽ tìm cách lách, trốn doanh thu, hoặc không thực hiện triệt để việc thu phí điện tử để né thuế. Người lao động của các DN được cấp phép trông giữ xe cũng sẽ tìm cách gian dối để có thêm “đồng ra đồng vào”. Thu ngân sách từ dịch vụ trông giữ xe sẽ thất thoát ngay từ chính các điểm trông giữ xe được cấp phép.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có đến hàng trăm điểm trông giữ xe không phép, không khai báo doanh thu và nộp thuế nhưng mức giá còn cao hơn 2 - 3 lần, thậm chí 5 - 10 lần giá quy định của TP. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, cuối tuần tại những điểm tham quan, thắng cảnh, di tích… giá trông giữ xe luôn tăng vọt, thu kiểu “chặt chém” mà người dân không thể làm gì khác ngoài chấp nhận. Đó là sự lãng phí nguồn thu ngân sách còn lớn hơn rất nhiều việc chậm tăng giá vé tại những điểm trông xe được cấp phép.

Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, TP hiện có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô. Giá trông giữ xe chỉ cần tăng khoảng 10 - 20%, đồng thời đẩy mạnh việc cấp phép để quản lý và thu thuế, ước tính mỗi năm ngân sách TP có thể thu về cả nghìn tỷ đồng, nguồn lực không nhỏ cho tái đầu tư hạ tầng.

Mặt khác, tăng giá trông giữ phương tiện còn là một trong những biện pháp chính để khuyến khích DN đầu tư vào hạ tầng giao thông tĩnh. Nhiều DN hiện chưa mặn mà với hạng mục đầu tư này chính bởi vì giá trông giữ xe thấp, phải mất đến vài chục năm mới thu hồi được vốn. Hệ lụy tất yếu là hơn 1.000 dự án giao thông tĩnh theo quy hoạch của Hà Nội vẫn nằm trên giấy, gây lãng phí rất lớn về đất đai trong khi người dân TP “ngạt thở” vì thiếu chỗ đỗ xe.

Đã đến lúc Hà Nội cần xem xét lại chính sách về giá trông giữ phương tiện sau 10 năm áp dụng. Những bất cập tồn tại trong công tác quản lý hoạt động điểm đỗ xe cũng như giá trông giữ xe đang khiến TP thất thoát nguồn lực rất lớn hàng năm, đồng thời khiến vi phạm trông giữ xe ngày càng diễn biến phức tạp.

Ngăn chặn thất thoát, lãng phí

Việc tăng giá trông giữ phương tiện vào thời điểm này, khi mà Hà Nội đã yêu cầu tất cả các điểm khai thác dịch vụ đỗ xe đều phải áp dụng thu phí không tiền mặt là phù hợp và sẽ mang đến nhiều lợi ích. Đối với DN, được tăng giá sẽ giúp họ có thêm nguồn thu đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chi trả thù lao cho người lao động, qua đó chấn chỉnh hoạt động kinh doanh. Mặt khác, tăng giá trông giữ xe sẽ giúp các dự án giao thông tĩnh hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, dần dần thoát khỏi tình trạng trì trệ.

Đối với người dân, tăng giá trông giữ xe tại các điểm được cấp phép lên tương đương với bãi “lậu” cũng không khó chấp nhận. Thực chất nhiều người sẵn sàng chấp nhận mức giá cao để có điểm đỗ xe ổn định, an toàn. Hơn nữa đây cũng là một biện pháp kinh tế nhằm hạn chế xe cá nhân lưu thông, đặc biệt trong khu vực nội thành có nguy cơ ùn tắc giao thông cao. Nhiều đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng biện pháp này và thành công trong hạn chế phương tiện cá nhân.

Đối với TP, tăng giá trông giữ xe sẽ giúp gia tăng nguồn thu cho ngân sách, có thêm tiền để tái đầu tư cho hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tĩnh. Một trong những giải pháp có thể đem lại hiệu quả ngay cho Hà Nội là TP bỏ tiền đầu tư điểm trông giữ xe sau đó đấu thầu quyền khai thác. Với giá trông giữ xe được tăng lên, đồng thời không phải đầu tư ban đầu lớn, chắc chắn nhiều DN sẽ tham gia đấu thầu khai thác, tăng cường năng lực đáp ứng cho hạ tầng giao thông tĩnh của Thủ đô.

Hà Nội đã có quy hoạch riêng cho giao thông tĩnh, quỹ đất dành cho các điểm đỗ, trông giữ xe không ít. Nhưng thực tế là quy hoạch không triển khai được, dự án nằm trên giấy, còn người dân phải trầy trật tìm chỗ gửi xe trong khi bãi “lậu” mọc tràn lan, còn chính quyền và lực lượng chức năng địa phương thì luôn kêu khó, không xử lý dứt điểm được vi phạm.

Tăng giá, phí kết hợp với đẩy mạnh cấp phép trông giữ xe để quản lý với công cụ số sẽ giúp Hà Nội giải quyết rất nhiều vấn đề khó tồn tại nhiều năm qua, giảm tiêu cực, lãng phí trong lĩnh vực này. Ngược lại nếu bắt buộc các đơn vị trông giữ xe phải đầu tư công nghệ, hạ tầng mà không cho tăng giá sẽ dẫn đến nhiều hành vi trốn doanh thu, thu quá giá gây khó khăn, thiệt hại cho người dân cũng như ngân sách TP.

Hiện nay nhiều khu đỗ xe tại các bệnh viện, chung cư…, dù không có sự chấp thuận của cơ quan chức năng cũng đã tự thu thêm phụ phí với những trường hợp gửi xe lâu. Có nơi gửi qua đêm phải nộp thêm hàng trăm nghìn đồng ngoài phí trông giữ theo giờ. Những bãi xe “lậu” thì thu phí vô tội vạ, mỗi nơi mỗi kiểu.

Hà Nội cần nhanh chóng có giải pháp quyết liệt ngăn chặn lãng phí, thất thoát nguồn thu trong lĩnh vực giao thông tĩnh. Đó không chỉ là giải pháp với giao thông mà còn tăng cường hiệu quả quản lý đô thị, tăng thu ngân sách cho TP.

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương

Tin liên quan