Đây là trách nhiệm của Vietnam Airlines trong việc quản lý nhân viên của mình. Về vụ việc này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trí Dũng cho biết, Thủ tướng vừa giao Bộ GTVT xem xét trách nhiệm của Vietnam Airlines về việc quản lý tiếp viên hàng không cách ly cũng như vi phạm của BN1342 để có hướng xử lý.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trí Dũng, việc cách ly tại nhà hoặc tại khách sạn đều đã được Bộ Y tế quy định chặt chẽ bằng văn bản. Khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines tại 115 Hồng Hà, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) đã được cấp phép là khu cách ly tập trung cho riêng các tổ bay của Vietnam Airlines. Mỗi chuyến bay của Vietnam Airlines sẽ được cách ly theo một khu vực riêng.
Do BN1342 đã tự ý di chuyển từ khu cách ly này qua khu vực khác, đến gặp BN1325 và đã bị lây nhiễm. Rõ ràng BN1342 đã không tuân thủ nghiêm quy định nên dẫn đến hậu quả là bản thân bị lây nhiễm và lây cho 3 ca khác. Đây là trách nhiệm của Vietnam Airlines trong việc quản lý nhân viên của mình. Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan để xứ lý vi phạm tại Vietnam Airlines. Cơ sở này do chính Vietnam Airlines đứng ra tổ chức quản lý, còn ngành y tế thực hiện công tác giám sát về hồ sơ, quy trình thực hiện.
Sự việc trên xảy ra sau khi Vietnam Airlines vừa được Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng để cứu DN này khỏi tình trạng mất thanh khoản từ tháng 8/2020. Đối với ngành giao thông nước ta không chỉ Vietnam Airlines mà đường sắt, đường bộ và nhiều hãng bay khác đều bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhưng rốt cuộc, chỉ Vietnam Airlines được Chính phủ đề xuất với Quốc hội thông qua giải pháp đặc biệt trong tình thế đặc biệt. Điều này cho thấy Quốc hội, Chính phủ và cộng đồng xã hội quan tâm và ưu ái đến Vietnam Airlines như thế nào. Thực tế, nếu không cứu Vietnam Airlines thì toàn bộ vốn Nhà nước tại DN này sẽ bị ảnh hưởng nên cần tính toán cân đối các phương án, tính toán điểm cân bằng tài chính...
Nhưng đổi lại, trách nhiệm của Vietnam Airlines đối với cộng đồng như thế nào? Sau gần 88 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận ca dương tính với sự tắc trách của những người có trách nhiệm của Vietnam Airlines.
Một cán bộ cấp vụ thuộc cơ quan T.Ư bức xúc: “DN Nhà nước cái gì cũng muốn đặc thù, ưu ái hơn DN tư nhân, đến cách ly cũng một mình một cơ chế. Trong khi các hãng khác giao toàn bộ cách ly tổ bay cho các cơ sở Nhà nước thì Vietnam Airlines lại xin tự cách ly, nhưng rồi quản lý lỏng lẻo, để sai phạm. Hậu quả xã hội phải gánh chịu. Tính ra thiệt hại biết bao tiền của, sức lực của Nhà nước, xã hội. Ai chịu trách nhiệm bồi thường?”. Một đòi hỏi hoàn toàn chính xác, hợp cả về lý và tình.
Dư luận đòi hỏi, không để xảy ra tình trạng phân biệt, đối xử trong công cuộc phòng chống Covid-19, các tiếp viên của Vietnam Airlines phải tuân thủ cách ly đủ 14 ngày, đúng nơi quy định, dù có âm tính. Trước mắt những cá nhân, đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines vi phạm Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/11/2020 về xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm phòng dịch cần phải được xử lý nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.