Loại trừ tài xế sử dụng ma túy: Đừng làm kiểu phong trào

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nhiều chuyên gia nhận định, chiến dịch loại trừ con nghiện trong đội ngũ lái xe sẽ khó đạt được kết quả như mong đợi nếu không có sự vào cuộc và phối hợp tích cực từ các DN vận tải. Bởi đã có không ít DN than khó ngay khi “cuộc chiến” vừa mới bắt đầu.

Loai tru tai xe su dung ma tuy: Dung lam kieu phong trao - Hinh anh 1
Cơ quan chức năng tổ chức test ma túy với tài xế tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Nhị Tiến

Quy trách nhiệm rõ ràng cho doanh nghiệp

 Tình trạng tài xế sử dụng chất gây nghiện, thậm chí là ma túy tổng hợp đã được ngành GTVT đề cập đến từ cách đây hàng thập kỷ. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm kiểm soát, tiến tới loại trừ những “con nghiện” trong đội ngũ lái xe được triển khai trong suốt những năm qua.

Thế nhưng, kết quả luôn chỉ dừng lại ở những con số rời rạc hay những số liệu mang tính biểu trưng thành tích. Sự thật là vấn nạn ma túy vẫn luôn tồn tại trong đội ngũ lái xe suốt thời gian qua như một chứng bệnh trầm kha không có khả năng cứu chữa. Sự vào cuộc hời hợt theo kiểu phong trào được coi là nguyên nhân chính khiến cuộc chiến chống “con nghiện” trong đội ngũ lái xe thất bại.

Mọi chuyện chỉ thực sự nóng lên từ sau vụ xe container đâm hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ ở tỉnh Long An vào ngày 2/1/2019, bởi kết quả kiểm tra cho thấy, tài xế dương tính với chất ma túy. Từ đây, một lần nữa câu chuyện về “những con nghiện ngồi sau vô lăng” lại được khơi dậy với sức nóng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đã đến lúc các DN vận tải không được phép đứng bên ngoài cuộc chiến này nữa. Với tư cách là đơn vị sử dụng, quản lý, giám sát các lái xe thì đương nhiên DN phải chịu trách nhiệm lớn nhất nếu như có “con nghiện” lọt vào đội ngũ tài xế của mình.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Doãn Minh Tâm – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ (thuộc Bộ GTVT) khẳng định, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt quản lý đối với lái xe ô tô, đặc biệt là xe tải nặng và container.

Theo ông Doãn Minh Tâm, trong lĩnh vực giao thông vận tải, vấn đề quản lý tài xế xe tải hạng nặng và container là vô cùng quan trọng. Bởi nếu không được quản lý tốt, nếu các loại phương tiện này khi lưu thông trên đường để xảy ra tai nạn thì hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp, ảnh hưởng lâu dài đến không chỉ cho lái xe mà cả xã hội.

“Đầu tiên phải nâng cao tiêu chuẩn trong đào tạo và sát hạch lái xe tải hạng nặng và container. Sau đó, khi những tài xế này tham gia giao thông trên đường thì phải kiểm tra sức khỏe định kỳ một cách nghiêm túc” - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ nói.

Đồng quan điểm, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Uông Việt Dũng cho rằng, muốn loại trừ “con nghiện” trong đội ngũ lái xe, ngoài các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng thì cần quy trách nhiệm một cách quyết liệt và rõ ràng đối với các DN vận tải.

Theo ông Dũng, trong quá trình sử dụng lái xe, các DN vận tải phải chịu trách nhiệm chính về việc giám sát, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho lái xe. Đó là chưa kể khi tuyển chọn lái xe, DN cũng phải kiểm tra gắt gao để tránh “con nghiện” lọt vào đội ngũ nhân sự của mình. “Nếu DN nào có lái xe bị phát hiện không đủ sức khỏe hoặc nghiện ma túy thì phải phạt thật nặng. Cách làm này gọi là siết chặt đầu vào, quy trách nhiệm tới từng đơn vị sử dụng lao động” – ông Dũng nhận định.

Kiểm soát chặt mẫu thử của tài xế

 Thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai các giải pháp đấu tranh, loại trừ “những con nghiện ngồi sau vô lăng”, không ít DN vận tải đã lên tiếng kêu khó. Gần nhất, tại Hội thảo tổng kết hoạt động năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, do Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở GTVT TP Hồ Chí Minh tổ chức, hầu hết các DN vận tải cho rằng việc kiểm soát tài xế sử dụng ma túy rất khó.

Theo lập luận của họ, tài xế trước khi đến bệnh viện khám sức khỏe, có thể đã ngưng sử dụng chất kích thích một thời gian để giấy khám sức khỏe “sạch”, sau khi đi làm mới sử dụng ma túy lại. Hoặc tại các trung tâm sát hạch, tài xế vào nhà vệ sinh lấy mẫu nước tiểu đi thử nghiệm, trong quá trình này có thể lấy nước tiểu của người khác.

Trên thực tế, ý kiến quan ngại của các DN vận tải là có cơ sở khi mà cơ chế quản lý, giám sát trong quá trình kiểm tra sức khỏe lái xe hiện nay còn khá nhiều bất cập. Ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cho hay, nhiều tài xế sử dụng tiểu xảo để vượt qua các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) bằng cách nộp mẫu nước tiểu của người khác.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý kiến nghị cần kiểm tra sức khỏe của đội ngũ lái xe thường xuyên, liên tục theo định kỳ và đột xuất. Trước tiên cần tập trung vào xe khách, xe container để phát hiện, ngăn chặn những người dương tính với các chất ma túy.

Tăng cường công tác kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông nói chung và nhóm lái xe container, xe đầu kéo, xe kéo rơ mooc nói riêng.

Đặc biệt, Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật thông tin lái xe vi phạm về sử dụng chất ma túy lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để DN có thể tra cứu nhằm đồng bộ và công khai hóa thông tin về các tài xế sử dụng ma túy để các DN dễ nắm bắt, xử lý.

Quý Nguyễn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan