Lên danh sách rồi… để đấy
Hàng năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đều có thống kê số lượng xe hết niên hạn sử dụng gửi Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Công an, Bộ GTVT, UBND các tỉnh, TP. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng xác định, việc các phương tiện hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tai nạn giao thông và trái với quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Thế nhưng, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Anh Quân cũng cho hay, đơn vị chỉ có chức năng công bố danh sách những xe hết niên hạn sử dụng, không được tham gia giao thông; còn xe đó đi về đâu thì cơ quan đăng kiểm không quản lý. Cũng chưa hề có hướng dẫn, chế tài xử lý xe hết đát theo hướng thu hồi hay tiêu hủy, vì phương tiện thuộc sở hữu của người dân, nên tiêu hủy hay bán sắt vụn là quyền của người dân.
Xe cũ nát lưu thông trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
|
Theo Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính chung đến hết năm 2019, toàn quốc có 206.000 xe ô tô hết niên hạn sử dụng. Theo quy định, các phương tiện này phải thu hồi giấy đăng ký, biển số và không được phép lưu hành.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, tỷ lệ thu hồi phương tiện này đạt rất thấp. Đơn cử như Hà Nội, 2 năm qua chỉ thu hồi được 3 trên tổng số gần 2.100 xe hết niên hạn sử dụng. Các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, không thể thu hồi cũng không thể quản lý. Và thực tế là đã có không ít vụ TNGT do xe quá niên hạn gây ra. Đặc biệt đáng lo hơn, tại nhiều đô thị, xe ô tô hết “đát” được chuyển hóa thành xe chở học sinh, đem tính mạng và sức khỏe của trẻ nhỏ đánh cược với may rủi.
Vấn đề còn nan giải hơn với xe gắn máy. Với số lượng hàng chục triệu chiếc trên cả nước, nhưng đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được một tiêu chí, tiêu chuẩn nào để xác định niên hạn sử dụng an toàn đối với loại phương tiện này. Riêng Hà Nội hiện còn tới trên 2,6 triệu xe máy đã được sử dụng từ 15 - 25 năm. Đây không chỉ là những mối nguy tiềm tàng với người tham gia giao thông mà còn là tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường không khí của TP.
Trung tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra và giải quyết tai nạn giao thông, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, nếu là xe ô tô, khi hết niên hạn sử dụng, không được chứng nhận an toàn kiểm định, không được phép lưu thông. Nhưng xe gắn máy lại hoàn toàn không quy định rõ niên hạn sử dụng. Lực lượng CSGT chỉ có thể xử phạt khi các phương tiện này vi phạm hành chính về ATGT. Nếu xe đầy đủ giấy tờ chứng minh là tài sản riêng thì không thể tịch thu, loại bỏ được.
Trên thực tế, quy định để phân biệt xe hết niên hạn sử dụng đã có, nhưng lại không đi kèm chế tài xử lý. Ví dụ như Nghị định 95/2009/NĐ - CP của Chính phủ chỉ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện. Thông tư 15/2014/TT - BCA của Bộ Công an cũng quy định sẽ thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe hết niên hạn sử dụng; nhưng không có điều khoản nào xử phạt trong trường hợp chủ phương tiện không chấp hành. Luật Giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm việc sử dụng xe hết niên hạn để tham gia giao thông, song chưa có điều khoản nào nêu rõ, xe hết “đát” phải thu hồi hay tiêu hủy.
Cần tịch thu và tiêu hủy
Các chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT và bộ, ngành chức năng có liên quan đã quá chậm trễ trong việc tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định, chế tài chặt chẽ, nhằm xử lý phương tiện không đủ điều kiện lưu thông. Thiếu cơ sở pháp lý, sẽ không ai có thể làm gì được với những chiếc xe hết “đát” dù biết nó gây nguy hại cho người dân và môi trường sống.
Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân cho rằng: “Trước hết phải có khung pháp lý, bởi chiếc xe là tài sản của người dân. Khi hết niên hạn, nó phải được thu hồi, tiêu hủy hay chí ít là được giám sát chặt chẽ, không cho lưu thông trên đường”. Ông Tân đề xuất, phải có hành lang pháp lý, kiểm soát an toàn kỹ thuật và khí thải đối với xe máy ngay lập tức. Xe máy cũng cần kiểm định như ô tô, không đủ điều kiện thì phải được thay thế, cấm hoạt động, sử dụng.
“Cần tuyên truyền một cách hiệu quả để người dân hiểu rằng, mọi loại phương tiện đều có giới hạn về an toàn. Không sử dụng xe hết “đát” là tự bảo vệ chính mình và vì lợi ích chung của cộng đồng. Mặt khác, trong quá trình sử dụng một chiếc xe, dài đến hàng chục năm, người dân cần có sự chuẩn bị về tài chính để thay thế nó bằng một chiếc xe mới khi hết niên hạn” - ông Tân nhấn mạnh.
Mặt khác, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong xử lý xe ô tô hết “đát”. Hàng năm, trên cơ sở danh sách thống kê, rà soát của Cục Đăng kiểm Việt Nam, lực lượng chức năng địa phương cần kịp thời thông báo yêu cầu chủ các xe không đủ điều kiện dừng ngay lưu thông và giám sát chặt việc thực hiện của người dân. Có thể nghiên cứu đề ra quy định, ô tô hết niên hạn mà cố tình sử dụng, kinh doanh, khi bị phát hiện sẽ tịch thu ngay để tiêu hủy.
Hiện có một ý kiến tranh cãi về việc nếu thu hồi, tiêu hủy xe hết “đát” thì có hỗ trợ bằng tiền cho người dân hay không (?). Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, hỗ trợ tiền cho người dân khi thu hồi phương tiện không được cho phép lưu thông là không hợp lý. Cần tuyên truyền rõ cho người dân hiểu ngay từ khi mua, rằng phương tiện cơ giới nào cũng có tuổi thọ an toàn, và sẽ đến lúc phải dừng hoạt động.
Mặt khác, trong hàng chục năm sử dụng, chiếc xe cũng đã trực tiếp góp phần vào cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân. Khi hết niên hạn, việc thay thế nó bằng phương tiện mới, là trách nhiệm của người dân, vì sự an toàn của chính mình. Nhà nước chỉ nên hỗ trợ bằng cách tiếp nhận, tiêu hủy miễn phí xe hết “đát”.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có trên 3,4 triệu ô tô và 50 triệu xe máy. Trong đó, Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy, TP Hồ Chí Minh có trên 9 triệu xe máy thường xuyên tham gia giao thông. Mỗi TP còn có khoảng 600.000 - 700.000 ô tô. Do có quá nhiều phương tiện lưu thông khiến 2 TP này ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là khi nhiều người không chăm sóc xe định kỳ, sử dụng xe quá cũ... Khí thải từ những phương tiện này góp phần gây ô nhiễm môi trường.
|