Luật Đất đai gỡ khó cho những dự án giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, với nhiều điểm mới được đánh giá là đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Trong lĩnh vực giao thông, Luật Đất đai đã tập trung làm rõ những quy định liên quan đến thu hồi đất, tái định cư; đưa ra cơ chế mở để thu hút đầu tư…., đây là động lực để phát triển hạ tầng trong tương lai.

Tái định cư trước

Một trong những vướng mắc lớn nhất của các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông từ trước đến nay là giải phóng mặt bằng (GPMB). Các chính sách, quy định liên quan đến GPMB thường không theo kịp thực tiễn; công tác GPMB nằm chung trong kế hoạch đầu tư xây dựng, mỗi khi bế tắc sẽ khiến cả dự án đình trệ. Nhiều dự án đã khởi công, thi công một phần, do không hoàn tất được GPMB phải án binh bất động, gây nhiều tốn kém, lãng phí về kinh tế, hệ lụy phức tạp về giao thông và xã hội.

Luat Dat dai go kho cho nhung du an giao thong - Hinh anh 1
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được thi công tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Thanh Hải

Để giải quyết vấn đề này, Luật Đất đai 2024 đã có Điều 93 cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập và việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư. Đồng thời quy định, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất. Như vậy, theo quy định nêu trên, từ ngày 11/1/2025, về nguyên tắc, việc tái định cư phải thực hiện trước mới được thu hồi đất.

Từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cho thấy, việc tách khâu GPMB thành dự án thành phần đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hoàn thành GPMB.

Hơn nữa, việc tái định cư phải hoàn thành trước, đảm bảo nơi ở mới cho người dân rồi mới thu hồi đất, khởi công dự án sẽ chấm dứt tình trạng “dở ra, để đấy” như một số dự án giao thông: mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 6; đường Phạm Tu, đoạn nút giao với đường 70… đã gặp phải.

Tuy nhiên, quy định tại Điều 93 vẫn còn chung chung, ở mức định hướng, chủ trương, cần phải được làm rõ bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Để bảo đảm tính hiệu quả của quy định tác GPMB thành dự án riêng, tái định cư trước, thu hồi đất sau, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần thống nhất trong một hành lang pháp lý chuẩn mực, tránh tình trạng quy định chung nhưng thực hiện riêng mỗi nơi, mỗi trường hợp lại mỗi khác.

 

Cần cụ thể hóa các trường hợp được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng và theo hướng mở để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Cơ cấu thành phần hồ sơ; thủ tục lập thẩm định, phê duyệt cũng như vai trò trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định, phê duyệt đối với loại dự án GPMB này cũng cần hết sức rõ ràng ngay từ đầu để có một chính sách ổn định. Đặc biệt cần xem xét quy định về thời gian thực hiện một số các thủ tục quy trình trong công tác GPMB theo hướng rút gọn, tinh giản hơn.

Khuyến khích vận tải công cộng

Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư là hướng đi tất yếu để ngày càng nâng cao năng lực cho vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), qua đó giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh những luật, chính sách riêng cho lĩnh vực này, Luật Đất đai 2024 cũng đã đưa ra những ưu đãi đầu tư rất hấp dẫn hơn.

Cụ thể, Điều 157, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung thêm một số trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ ngày 1/8/2024. Đó là đất để làm bãi đỗ xe, xưởng bảo dưỡng phục vụ hoạt động VTHKCC; đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm. Miễn, giảm tiền sử dụng đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng; đất xây dựng công trình công nghiệp đường sắt; đất xây dựng công trình phụ trợ khác trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách, xếp dỡ hàng hóa của đường sắt; Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Với Điều 157, không chỉ đất phục vụ hậu cần, hạ tầng cho xe buýt mà với đường sắt đô thị (ĐSĐT) cũng thuộc diện được miễn, giảm. Việc vận hành hệ thống ĐSĐT không chỉ có nhà ga, depot, đường ray… mà về lâu dài chúng ta còn phải sở hữu được công nghệ sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, bảo dưỡng đoàn tàu, thiết bị thông tin tín hiệu… Miễn, giảm tiền sử dụng đất cho các cơ sở đáp ứng hậu cần cho ĐSĐT, xe buýt sẽ khuyến khích được các nhà đầu tư, DN trong nước tích cực tham gia vào lĩnh vực này.

Công tác duy trì, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng, phụ kiện, thậm chí là sản xuất thiết bị cho phương tiện VTHKCC sẽ được đáp ứng ngay trong nước với giá thành rẻ hơn và nhanh hơn. Hiện Nhà nước vẫn đang trợ giá cho VTHKCC, tiết giảm chi phí sửa chữa, bảo trì, sản xuất, thay mới chính là tiết kiệm cho ngân sách, đồng thời nâng cao năng lực nội địa. Đây có thể xem là một trong những chính sách thiết thực vừa khuyến khích VTHKCC, vừa khuyến khích công nghiệp trong nước phát triển lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên cũng như đối với chính sách GPMB, tái định cư tại Điều 93, các quy định về miễn giảm tiền sử dụng đất đối với VTHKCC tại Điều 157 cũng cần được hệ thống hóa, xây dựng chi tiết cụ thể thành một cơ sở pháp lý chặt chẽ, tường minh.

Cùng với Luật Thủ đô sửa đổi, Đề án phát triển ĐSĐT tại Hà Nội đến năm 2035, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực mới, mạnh mẽ hơn hẳn để Thủ đô hoàn thành kế hoạch đầy tham vọng có 600km ĐSĐT trong tương lai. Hà Nội rất cần được Quốc hội và Chính phủ, T.Ư ủng hộ về mặt chủ trương, chính sách, phân cấp, phân quyền để hoàn thành mục tiêu đó cũng như phát triển đồng đều các lĩnh vực về hạ tầng giao thông. Và trước tiên Luật Đất đai, Luật Thủ đô sửa đổi phải thực sự đi vào cuộc sống thông qua những nghị định, thông tư cụ thể. 

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương

Tin liên quan