Vừa đến Hà Nội thì giãn cách
Anh Vàng A Xìa, 38 tuổi, quê ở Sìn Hồ (Lai Châu) xuống Hà Nội làm công nhân xây dựng ngày 17 tháng 7. Vừa đi làm được 6 ngày thì TP Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17/CT-UBND giãn cách toàn TP phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Công trường anh Vàng A Xìa đang làm tạm thời đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội. Anh cùng 13 công nhân khác, thuê một căn nhà tạm được dựng bằng tôn tại phường La Khê (Hà Đông, Hà Nội) với giá 6 triệu đồng để tá túc những ngày qua. Đội thợ làm cùng anh Xìa đến từ nhiều huyện nghèo ở các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa.
|
Nhóm công nhân của anh Xìa thuê căn nhà tạm dựng bằng tôn để tá túc trong những ngày giãn cách. |
Anh Vàng A Xìa chia sẻ: “Tôi xuống Hà Nội để kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ ăn học, nhưng gặp đúng đợt giãn cách, nên cứ ở nhà trọ, chẳng đi làm được. Tiền xe xuống đây, tiền ăn tiêu hàng ngày cũng phải vay trước của chủ thầu, nếu dịch bệnh cứ kéo dài, chúng tôi chẳng biết phải làm sao”.
Với mong muốn có tiền lợp lại mái nhà đã cũ nát, anh Mùa A Dềnh 26 tuổi quê ở Sìn Hồ (Lai Châu), được anh Xìa giới thiệu xuống làm cùng công trường xây dựng. Vừa xuống được 2 hôm thì TP Hà Nội giãn cách khiến anh vô cùng lo lắng.
Khuôn mặt buồn, anh Mùa A Dềnh chia sẻ: “Ở nhà mọi người trong gia đình lo lắng tình hình dịch bệnh dưới này nên gọi điện xuống nhiều. Công trình xây dựng đã tạm dừng thi công, không có việc làm, chủ thầu cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Tôi chỉ mong sớm hết dịch để còn đi làm kiếm tiền. Hà Nội tiếp tục giãn cách thế này thì càng thêm khó khăn cho anh em chúng tôi”.
|
Anh Xìa và những bộ quần áo công nhân đã nhiều ngày không sử dụng đến. |
Về không được, ở cũng không xong
Những lúc rảnh rỗi, a Mùa A Dềnh cầm điện thoại xem lại những bức ảnh chụp cùng con gái đầu lòng chưa đầy 1 tuổi. Nửa tháng ở Hà Nội không có việc làm loay hoay không biết xoay sở thế nào, cũng không có xe về quê khiến anh Dềnh nhớ con và gia đình. “Trước lúc xuống, tôi ứng 3 triệu đồng từ chủ thầu để đi lại và một ít đưa cho vợ. Từ hôm xuống đây chưa làm được ngày công nào, về chẳng được ở thì cũng không xong” – anh Mùa A Dềnh nói.
Cách nhà trọ của nhóm thợ anh Dềnh đang ở chừng 15m, một nhóm thợ xây khác 10 người cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong căn phòng nóng bức được lợp tôn, những tấm cốp pha, mảnh gỗ bỏ đi được ghép lại thành giường. Không khí ẩm thấp, oi nóng trong căn phòng tối ảm đạm. Họ cũng là thợ xây, phải tạm dừng công việc suốt nửa tháng qua.
|
Về không được, ở cũng không xong khiến nhiều người lao động loay hoay. |
Anh Lò Văn May, 50 tuổi quê ở Mường Nhé (Điện Biên), tâm sự: “Nóng lắm chứ nhưng mấy anh em chúng tôi dùng chung một cái quạt nhỏ, dùng nhiều thì tốn điện. Dịch bệnh, không kiếm được tiền nên cái gì cũng phải tiết kiệm. Nửa tháng rồi chúng tôi chưa bước chân ra khỏi nhà. Cả ngày cứ nằm, rồi ngồi chờ đến bữa thì ăn cơm”.
Để tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh Covid-19, nhóm thợ tự bảo nhau không ra khỏi nhà, thực phẩm được nhờ chủ thầu mua đem đến. Bình thường, nếu làm đủ ngày công, anh May được trả công khoảng hơn 7 triệu đồng. Số tiền này, khó có công việc nào ở quê có thể kiếm ra được.
Theo anh May, bây giờ có được về quê cũng chẳng biết làm công việc gì, lên rừng trồng ngô, trồng sắn thì cũng không đủ ăn, cứ bám lấy Hà Nội, chẳng biết bao giờ mới hết dịch, số tiền tích lũy cứ vơi dần mà những ca mắc mới ngày càng tăng.
|
Anh Lò Văn May cho biết: "Không kiếm được tiền nên phải thật tiết kiệm".
|
|
Nhiều công nhân trẻ xem điện thoại để giải trí qua ngày. |
|
Một công nhân được gia đình gọi điện hỏi thăm. |
|
Trong căn nhà tạm mỗi người một góc gọi điện, nhắn tin cho người thân.. |
|
Một công nhân chia sẻ, cả ngày chỉ có mỗi một việc nấu cơm và dọn dẹp. |
|
Bữa cơm đơn giản diễn ra ngay tại chỗ ngủ. |