|
Máy bay Vietjet liên tiếp gặp sự cố trong thời gian qua. (Ảnh minh họa) |
3 ngày xảy ra 3 sự cố
Ngày 24/12, chuyến bay VJ861 của Vietjet Air có hành trình dự kiến từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) đi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, sau khi máy bay cất cánh khoảng 2 tiếng, cơ trưởng quyết định hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan). Ngày 25/12, chuyến bay VJ689 của hãng hàng không Vietjet (VJA) bay từ cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đi TP Hồ Chí Minh tiếp tục gặp sự cố, tổ bay xin quay lại hạ cánh tại cảng hàng khô\ng quốc tế Cam Ranh và đã hạ cánh nhầm xuống đường cất hạ cánh (CHC) chưa đưa vào khai thác.
Gần nhất, sáng 26/12, chuyến bay VJ513 dự kiến khởi hành từ Hà Nội đi Đà Nẵng lúc 6 giờ. Tuy nhiên, khi máy bay bắt đầu tăng tốc chạy đà để cất cánh thì đột ngột giảm tốc rồi quay lại sân đậu để kiểm tra vì cơ trưởng phát hiện có cảnh báo kỹ thuật. Sau khi kiểm tra kỹ thuật, tàu bay đủ điều kiện đưa vào khai thác trở lại, tất cả các hành khách trên chuyến bay VJ513 tiếp tục hành trình lúc 9 giờ cùng ngày. Như vậy chỉ trong vòng 3 ngày, máy bay của hãng Vietjet Air đã liên tiếp xảy ra 3 sự cố liên quan đến việc CHC.
Trong Chỉ thị số 08/CT-BGTVT ngày 26/12/2018 về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không, Bộ GTVT cho biết, trong quý IV/2018, Công ty CP Hàng không Vietjet (hãng hàng không VietJet Air) đã có 7 sự cố khai thác tàu bay, trong đó 2 sự cố máy bay bị rơi bánh khi tiếp đất ở sân bay Buôn Ma Thuột xảy ra vào ngày 29/11 và sự cố máy bay hạ nhầm đường CHC chưa được khai thác ở sân bay Cam Ranh ngày 25/12 được Bộ GTVT đánh giá là nghiêm trọng.
Bộ GTVT khẳng định, tình trạng để xảy ra liên tiếp các sự cố hàng không của các hãng hàng không Việt Nam nói chung và Vietjet Air nói riêng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không, tâm lý của hành khách tham gia bằng đường hàng không. Bộ GTVT nghiêm khắc cảnh cáo hãng hàng không Vietjet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay, trong thời gian vừa qua.
Khách quan để bảo vệ uy tín của hãng
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung khẳng định, sự cố máy bay Vietjet hạ cánh nhầm đường băng ở sân bay Cam Ranh là hoàn toàn do lỗi của tổ lái. “Vụ hạ cánh nhầm đường băng, Cục Hàng không Việt Nam với hãng làm việc với nhau để tìm ra nguyên nhân. Còn máy bay đã hạ cánh nhầm thì hoàn toàn do người lái” - Đại tá Nguyễn Thành Trung nói.
Theo Đại tá Trung, sự cố hạ nhầm đường băng ở sân bay Cam Ranh không gây hậu quả nghiêm trọng nào là rất may mắn. Bởi đây đã từng là một bài học xương máu mà hãng hàng không của Singapore đã trải qua khoảng 10 năm trước. “Khi đó một chiếc máy bay 747 cất cánh nhầm vào đường băng đang sửa chữa ở sân bay Đài Bắc (Đài Loan). Máy bay đã đâm vào xe công trình trên đường băng và toàn bộ mấy trăm người từ phi hành đoàn lẫn hành khách trên máy bay đều đã tử nạn, không một ai sống sót” - Đại tá Trung kể lại.
Còn về phía Vietjer Air, Đại tá Trung cho rằng, sau sự cố này, hãng cần phải thẳng thắn nhận lỗi, sửa lỗi chứ không phải tìm cách đổ lỗi cho bên khác hoặc bao che lỗi của mình để bảo vệ uy tín của hãng. Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông đô thị cũng cho rằng, sự cố hạ nhầm đường băng phải kiểm tra lại tất cả, từ phi công, kíp trực, sân bay, không lưu, cả hệ thống đèn chiếu sân bay... "Vietjet nên làm một cách triệt để, khách quan vì nó liên quan đến uy tín của hãng" - TS Nguyễn Hữu Đức nhận định.
Quy định về an toàn hàng không ở Việt Nam không khác gì so với các nước trên thế giới cả. An toàn hàng không ở mức cao so với những phương tiện giao thông khác nên sự cố vừa rồi rất nghiêm trọng. Theo quy định, trong trường hợp này phải kiểm tra lại toàn bộ quy trình, đặc biệt vào thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu đi lại bằng hàng không sẽ rất nhiều.
TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông đô thị