Máy bay đối mặt với nhiều hiểm họa khi va chạm với chim trời. Ảnh: Lê Thanh
|
Dừng bay gần một tiếng chỉ để... đuổi chim
Sự cố “dở khóc dở cười” này xảy ra tại Sân bay Cát Bi (TP Hải Phòng) vào chiều 6/8. Lúc đó, chuyến bay mang số hiệu VN 1513 của hãng hàng không Vietnam Airlines đã sẵn sàng trên đường băng, chuẩn bị cất cánh bay vào Buôn Ma Thuột (giờ bay là 13 giờ 40 phút), tổ bay đột ngột nhận được thông báo từ Đài Kiểm soát không lưu về việc có một đàn chim đậu trên đường băng. Để bảo đảm an toàn, chuyến bay buộc phải hoãn lại, đợi lực lượng chức năng sân bay đi... đuổi chim. Kết quả, phải sau 40 phút hoạt động cật lực, với sự trợ giúp của xe có đèn chớp, còi hú chạy vào đường băng xua đuổi đàn chim, Tổ kiểm tra của Sân bay Cát Bi mới đuổi được đàn chim cứng đầu đi nơi khác. Đúng 14 giờ 25 phút, chuyến bay VN 1513 mới có thể cất cánh, tức là chậm hơn giờ khởi hành ban đầu 45 phút.
Đây không phải lần đầu tiên các chuyến bay ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chim trời. Trước đó, vào giữa tháng 7/2020, tại Sân bay Phú Quốc xảy ra sự cố tương tự khi một tổ bay phát hiện có chim trên đường băng và đề nghị an ninh hàng không ra kiểm tra. Kết quả, chỉ phát hiện có 2 con chim đậu trên đường băng nhưng cũng phải tốn thời gian xua đuổi chúng đi nơi khác để máy bay cất cánh an toàn. Tình trạng chim trời đe dọa an toàn bay là điều thường xảy ra đối với hàng không. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, các Sân bay Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Phú Quốc, Vinh xảy ra nhiều vụ liên quan đến việc chim va đập với tàu bay nhất. Đặc biệt tại các tỉnh phía Nam - vốn có nhiều đồng ruộng là nơi sinh sống của chim trời.
Giải pháp tốt nhất là... tránh mặt
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không cho biết, xét về mặt kích thước, những con chim trời quả thật rất nhỏ bé so với những tàu bay khổng lồ. Tuy nhiên, chính chim trời lại là một trong những mối đe dọa rất lớn đối với an toàn bay. “Nếu chim trời đậu nguyên một chỗ, chúng chẳng đe dọa được gì đối với các chuyến bay. Nhưng khi chúng đang bay trên trời vào đúng thời điểm máy bay bay qua, đây sẽ là mối đe dọa lớn” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Giới chuyên gia lâu nay vẫn gọi việc những đàn chim trời va đập với tàu bay là những vụ “chim tấn công”, bởi hậu quả mà chim trời gây ra rất đáng sợ. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích nguyên nhân chính khiến chim trời trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với các chuyến bay là sự chênh lệch giữa vận tốc tương đối của máy bay so với vận tốc của chim. Khi chênh lệch vận tốc càng lớn thì lực tác động do va chạm đến máy bay càng cao. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, năng lượng do một con chim cân nặng 5kg, đang bay với vận tốc khoảng 275km/h tạo ra gần tương đương mức năng lượng của một vật nặng 10kg, rơi từ trên cao 15m gây ra. “Trọng lượng của chim trời cũng là yếu tố gây nguy hiểm nhưng sự chênh lệch vận tốc có ảnh hưởng lớn hơn. Do đó, khi va chạm với một đàn chim cũng đồng nghĩa tàu bay sẽ bị nhiều cuộc tấn công cùng lúc” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Nhiều chuyên gia hàng không cho biết thêm, để tránh nguy cơ va chạm gây hậu quả nghiêm trọng giữa máy bay và chim, cách tốt nhất là "cách ly" chúng càng xa càng tốt. Chẳng hạn, các sân bay mới đang được xây dựng ở xa nơi tập trung đông các đàn chim hoặc có chim di cư để giảm thiểu cơ hội chúng va chạm với nhau.
Trong những năm qua, nhà chức trách hàng không đã thực hiện nhiều giải pháp như bắn chim bằng các loại máy có sóng để xua đuổi chim trời ra khỏi hành lang an toàn bay nhưng hiệu quả thu lại không cao như kỳ vọng. Hiện nay, giải pháp tốt nhất được áp dụng tại các sân bay vẫn là tiến hành cắt cỏ, dọn quang các rãnh nước, bụi rậm để tránh các loài ếch nhái thu hút chim.
|