Một năm nhiều bất cập của ngành GTVT

 
Chia sẻ

Nhìn lại một năm qua của ngành GTVT vẫn còn đó những tồn tại, bất cập trong xây dựng cơ bản; phá sản trong công tác quản lý vận hành hoạt động thu phí hoàn vốn các dự án BOT bằng công nghệ thu phí tự động không dừng; những hậu quả trong dự án cao tốc; sự chậm trễ trong dự án đường sắt đô thị...

Mot nam nhieu bat cap cua nganh GTVT  - Hinh anh 1
Bài học trong quản lý đầu tư có thể kể đến đó là tiến độ và chất lượng công trình không đảm bảo

Nhìn lại một năm vừa qua của ngành giao thông vận tải, đâu là những tồn tại cần khắc phục, những điểm sáng cần nhân rộng, phát huy, nhất là các hoạt động đảm bảo an toàn giao thông và xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội?

Bài học quản lý vận hành các hoạt động đầu tư

Bài học trong quản lý vận hành các hoạt động đầu tư của ngành rõ nét nhất ở quá trình thu hút đầu tư các dự án theo hình thức BOT thời gian qua. Nhằm khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 07/2017, yêu cầu lắp đặt và sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc. Mục đích ngoài việc tạo sự tiện lợi cho người tham gia giao thông, tiết kiệm thời gian, chi phí và minh bạch nguồn thu.

Thế nhưng, sau nhiều lần xin lùi tiến độ, thì vào tháng 10 vừa qua, Bộ GTVT chính thức có văn bản trình Chính phủ một lần nữa xin lùi sang năm 2020, “phá sản” tiến độ lắp đặt và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Bài học về sự thiếu minh bạch, độc quyền trong thu hút nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư dịch vụ trong quản lý rất cần được khắc phục.

Quan điểm của Tiến sĩ, Luật sư, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia – Vũ Văn Tính vừa là giải pháp, vừa là bài học cho ngành GTVT trong thu hút đầu tư:

"Bộ GTVT theo tôi không nên tạo ra cơ chế độc quyền. Tất nhiên trong trường hợp này theo tôi thấy độc quyền không có gì là xấu. Tuy nhiên trong rộng rãi dư luận cứ nghĩ độc quyền là cái gì đó không rõ ràng. Thay vì độc quyền thì công bố rộng rãi cho nhiều nhà đầu tư tham gia. Người “cầm cân nảy mực” chỉ cần đưa ra mức trần cho mức phí mà các nhà cung cấp dịch vụ có thể đàm phán với các chủ đầu tư BOT. Như vậy, họ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, vừa giải tỏa quan hệ hành chính, vừa đảm bảo công khai minh bạch trong đàm phán giá đối với các nhà cung cấp dịch vụ".

Bài học trong quản lý đầu tư còn có thể kể đến đó là tiến độ và chất lượng công trình không đảm bảo. Hậu quả đáng tiếc xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đó là 4 bị can đã bị khởi tố vì “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” có thể coi là bài học phải trả giá đắt.

Tiếp đó, bài học trong đầu tư xây dựng cơ bản lại được đặt ra đối với công tác thu hút đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đã nhiều lần phải nghe những thông tin thiếu tích cực về việc dự án này xin lùi, hoãn rồi hoãn, lùi, tới nay chỉ còn khoảng 1% công việc nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán và những công đoạn cuối cùng để đưa dự án vào vận hành.

Bài học trong công tác thu hút và lựa chọn đầu tư đối với hạ tầng giao thông đã phải trả giá bằng thời gian quá lâu, đội vốn lớn và làm mất niềm tin của người dân vào một dự án nhằm cải thiện tình hình giao thông tại Thủ đô đã không biết ngày nào cán đích.

Mot nam nhieu bat cap cua nganh GTVT  - Hinh anh 2
Nhận diện khó khăn lớn nhất đối với công tác đầu tư xây dựng cơ bản là nguồn vốn

Nhận diện bất cập trong công tác đầu tư xây dựng

 Nhận diện rõ những bất cập và bài học của năm cũ 2019, bước sang năm 2020, lãnh đạo ngành giao thông vận tải cho biết, sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, đó là tham mưu xây dựng quy phạm pháp luật; trình Chính phủ ban hành 2 nghị định sửa đổi, đó là Nghị định 46/NĐ quy định về quản lý vận tải đường bộ và Nghị định 86/NĐ quy định về kinh doanh vận tải có điều kiện; xây dựng và ban hành các thông tư để quản lý hoạt động vận tải trên toàn quốc; Thứ hai là nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông; quản lý vận hành công nghệ mới để đảm bảo an toàn và hiệu quả; Thứ ba là thực hiện đồng bộ các giải pháp để đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là 2 dự án trọng điểm quốc gia là dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhận diện khó khăn lớn nhất đối với công tác đầu tư xây dựng cơ bản là nguồn vốn. Không đợi đến năm 2020, mà ngay cuối năm nay, hàng loạt các giải pháp thu hút đầu tư xây dựng 2 dự án quan trọng là Dự án đường bộ cao tốc bắc – Nam và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Bộ tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để tìm kiếm giải pháp và từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ của ngành trong năm 2020.

Một trong những giải pháp cơ bản, quyết định được đóng góp từ chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung để giải bài toán “nút thắt” hạ tầng, đó chính là thay đổi tư duy để thu hút nhà đầu tư:

"Muốn phát triển hạ tầng, những “điểm nghẽn” về đầu tư hạ tầng thì nhà nước cần sớm giải quyết. Phải có cách thức tiếp cận mới, tránh tuyền thống kéo dài, giờ phải có trường hợp đặc biệt. Tôi lấy ví dụ hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành phải thay đổi tư duy để giải quyết vấn đề hạ tầng đang là “điểm nghẽn”của quá trình phát triển".

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV tuần vừa rồi, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2019 qua đi với rất nhiều khó khăn, nhưng có thể đánh giá Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là công tác giải ngân đảm bảo theo đúng yêu của Nghị quyết của Chính phủ.

Tuy vậy, trong thực thế vẫn bị chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Sang năm mới 2020, Bộ sẽ thể hiện quyết tâm tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng văn bản pháp luật, quản lý kinh doanh vận tải và đảm bảo an toàn giao thông. Một nội dung quan trọng nhất là xây dựng cơ bản. Do vậy, một trong những điểm sáng theo đánh giá của lãnh đạo ngành GTVT là việc chú trọng xây dựng văn bản pháp luật.

Giải pháp hoàn thiện năm 2020

Với việc cùng phối hợp với các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng và ban hành Luật đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư. Năm 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ đã đăng ký vốn lên tới 35.000 tỷ đồng và cam kết sẽ tập trung các giải pháp để đảm bảo giải ngân hết số vốn đã đăng ký này:

"Năm 2020 sẽ tập trung công tác xây dựng cơ bản. Năm 2020 chúng tôi đăng ký hơn 35 nghìn tỷ đồng cho công tác xây dựng cơ bản. Hàng tháng kiểm điểm tiến độ, điều chỉnh nguồn lực cho những dự án có danh mục tiến độ tốt. Còn lại các dự án mặt bằng chậm, vướng thủ tục hay các vấn đề khách quan thì chúng tôi sẽ chủ động điều chỉnh kinh phí. Như vậy, tôi tin chắc sẽ tạo bước đột phá trong công tác xây dựng cơ bản".

Như vậy, với việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, việc chuẩn bị nguồn nhân lực và nguồn vốn, ngành giao thông vận tải sẽ thực hiện tốt về công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cam kết, năm 2020 sau khi ban hành 2 nghị định, Bộ sẽ ban hành các thông tư để thực hiện hiệu quả 2 nghị định về kinh doanh vận tải.

Tiếp đó, với việc hoạt động quản lý vận tải trong năm tới có sự đột phá, xử lý các hoạt động xử phạt, giảm bớt sự tham gia của lực lượng thanh tra giao thông, chính quyền địa phương để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từng bước tổ chức hoạt động giao thông an toàn, hiệu quả.

Xác định công việc ngổn ngang, bộn về của năm mới rất cần sự quyết tâm của tập thể ngành GTVT. Những ngày cuối năm 2019 này, Bộ trưởng Bộ GTVT trong trả lời phỏng vấn báo chí, cũng thể hiện quyết tâm, đồng hành cùng toàn thể cán bộ công nhân viên của ngành GTVT phát huy truyền thống đi trước mở đường, cần được lấy đà, tăng tốc và phát triển trong giai đoạn mới 2020-2025, nhất là dấu mốc năm mới 2020, được người đứng đầu ngành GTVT thể hiện quyết tâm chèo lái để ngành có sự phát triển đột phá hơn so với năm cũ đầy khó khăn sắp qua./.

Tin liên quan