Giao thông xanh là một trong những loại hình quan trọng hướng đến phát triển đô thị xanh và bền vững. Trao đổi về vấn đề này, theo TS Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), phát triển bền vững là khái niệm đã được đề cập từ những năm cuối của thế kỷ trước. Thời gian gần đây, trong các văn bản đều nói đến bền vững, phát triển bền vững theo định nghĩa của Liên Hợp quốc là đáp ứng nhu cầu thế hệ hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.
TS Vũ Hồng Trường dẫn giải, phát triển bền vững gồm có 3 yếu tố: Thiểu hóa sử dụng các loại nguồn lực không có khả năng tái tạo, bằng cách chuyển sang các nguồn lực thay thế, đối với các nguồn lực có thể tái tạo thì tốc độ khai thác phải nhỏ hơn hoặc bằng tốc độ tái tạo và phát triển bền vững, thiểu hóa những tác động tiêu cực đến môi trường (thiên nhiên, tự nhiên, xã hội…). Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp để tiến tới phát triển bền vững và phát triển bền vững chính là mục tiêu.
Ngành giao thông vận tải nói chung, đặc biệt là ngành vận tải công cộng là chỉ có tiêu tốn về nguồn lực, nhưng lại có yêu cầu để thực hiện mục tiêu bền vững tức là thiểu hóa các tác động. Trong các thành tích của Hà Nội, thế giới năm 1863 đã có metro, sau 157 năm, đến năm 2021, Việt Nam mới có, chỉ sau 1 năm vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã được xếp 1 trong 10 sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu của Thủ đô.
Điều quan trọng nhất của việc đưa tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động là làm thay đổi nhận thức của từ lãnh đạo cao cấp đến các bộ ngành, người dân và đặc biệt là báo chí đã nhìn ra được lợi thế mang tính tự nhiên của đường sắt đô thị. Vì thế, bộ Chính trị cũng đồng ý phát triển đột phá về đường sắt đô thị tốc độ cao. Tới đây, tương lai của ngành đường sắt đô thị tốc độ cao sẽ rất phát triển.
|
TS Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) |
Về vấn đề giao thông xanh, TS Vũ Hồng Trường cho hay, cứ 1 triệu người dân chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô sang đi đường sắt đô thị thì giảm được 487 giờ tham giao thông trên đường và giảm được 100 tấn khí thải ra môi trường.
Bởi vậy, TS Vũ Hồng Trường cho rằng, việc chúng ta chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, theo lý thuyết tiêu dùng cá nhân, người tiêu dùng luôn tối đa hóa mức độ thỏa dụng trên cơ sở lợi ích cá nhân. Vì mục tiêu Thủ đô xanh - sạch - đẹp, chúng ta hạn chế dùng phương tiện cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng, việc chuyển sang đường sắt đô thị cũng là thể hiện tinh thần vì cộng đồng vì yêu Thủ đô, để tỷ lệ người đi đường sắt đô thị càng nhiều…