Giới trẻ sử dụng nhiều
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại các nhà chờ trên tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đã được dán tờ rơi, bố trí nhân viên hướng dẫn sử dụng dịch vụ mới này, tuy nhiên, lượng khách sử dụng dịch vụ này chưa nhiều.
Một nhân viên bán vé BRT cho biết: "Thời gian đầu triển khai, nhiều người khi mua vé không đủ tiền lẻ đã sử dụng hình thức quét mã QR để thanh toán. Tuy nhiên, do mới đưa vào sử dụng nên đại đa số người dân vẫn chưa nắm bắt được".
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Hà Nội cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi như giảm giá vé khi quét mã cùng nhiều ưu đãi khác nhằm thu hút người sử dụng xe buýt BRT làm phương tiện đi lại và đang từng bước hoàn thiện hệ thống. "Sau hơn một tháng triển khai, phương thức thanh toán mới này đang dần dần được đón nhận rất tích cực, đặc biệt là giới trẻ bởi sự tiện lợi, văn minh và an toàn" - ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin.
Thanh toán không dùng tiền mặt thông qua VNPAY-QR tại nhà chờ buýt BRT.
|
Sinh viên Đặng Thu Hiền, trường Đại học Thủy lợi Hà Nội cho biết, việc thanh toán bằng quét mã QR đang ngày càng được sử dụng rộng rãi và tiện lợi. "Em thấy hình thức thanh toán mới này rất hợp lý, không lo lắng về việc chuẩn bị tiền lẻ để mua vé xe, góp phần vào thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt" - Đặng Thu Hiền chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Phương Thảo (trú tại quận Tây Hồ) - hành khách sử dụng xe buýt BRT làm phương tiện chính để đi lại đánh giá cao khi xe buýt có thêm phương án thanh toán mới này. "Chỉ cần chiếc điện thoại có ứng dụng Mobile Banking là có thể quét mã mua vé, rất nhanh và thuận tiện" - chị Thảo nói.
Khả quan nhưng còn hạn chế
Khi thanh toán thông qua quét mã QR, hành khách không cần thẻ hay tiền mặt. Chỉ cần vào ứng dụng Mobile Banking, rồi quét mã QR bằng camera trên di động và nhập số tiền cần thanh toán, sau một tiếng "bíp" giao dịch được hoàn tất, nhân viên sẽ giao vé lượt cho hành khách lên xe. Đây là ưu điểm vượt trội của hình thức thanh toán mới này so với quẹt thẻ hay chuyển khoản khi mọi người sẽ mất thời gian chờ ký biên lai hoặc một số thẻ còn yêu cầu nhập mã PIN xác nhận. Sau hơn một tháng triển khai hình thức thanh toán qua VNPAY-QR đã ghi nhận có hơn 800 hành khách sử dụng mua vé lượt. Tổng doanh thu VNPAY là trên 5 triệu đồng, chiếm gần 1% tổng doanh thu vé lượt.
Tuy nhiên, sự tiện lợi này lại chưa phù hợp với những hành khách nhỏ tuổi, tuổi cao và tầng lớp lao động phổ thông vì họ chưa nắm bắt được xu hướng công nghệ. Mặt khác, như chị Nguyễn Thu Dung (trú tại quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Tôi rất ủng hộ hình thức này nhưng thanh toán qua mã QR lại không hỗ trợ cho nhiều ngân hàng. Như bản thân tôi dùng Techcombank, không thể sử dụng dịch vụ này" - chị Dung nói.
Mặc dù việc triển khai mua vé tháng xe buýt BRT bằng hình thức quét mã QR còn gặp những khó khăn nhất định, tuy nhiên, các chuyên gia giao thông đánh giá đây là xu thế tất yếu trong thời kỳ công nghệ số, thương mại điện tử và cần được triển khai nhân rộng. Về vấn đề này, Transerco cũng thông tin, sau quá trình thí điểm trên tuyến buýt nhanh BRT, sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai phương thức thanh toán này cho hành khách mua vé lượt trên các tuyến xe buýt chất lượng cao.