Nâng cao ý thức chấp hành giao thông khi mỗi người dân là một camera phạt nguội

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Công an Hà Nội bắt đầu tiếp nhận thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua số điện thoại và zalo. Việc tiếp nhận thông tin từ người dân không chỉ kịp thời xử lý vi phạm mà còn khơi dậy tinh thần, ý thức tự giác chấp hành luật giao thông trong mỗi người dân.

Nguồn tin vi phạm từ người dân

Ngày 8/8, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, Công an TP Hà Nội bắt đầu tiếp nhận thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Theo đó, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân chủ động cung cấp thông tin, hình ảnh, video về các hành vi vi phạm qua Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội" hoặc đường dây nóng 0243.942.4451.

Động thái này được đưa ra nhằm thực hiện hiệu quả chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ", chỉ thị số 23 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn trật tự giao thông trong tình hình mới", kế hoạch số 299 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) về "cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông" và kế hoạch số 145 của UBND TP Hà Nội về việc "xây dựng và phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP".

Nang cao y thuc chap hanh giao thong khi moi nguoi dan la mot camera phat nguoi - Hinh anh 1
 Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) bắt đầu tiếp nhận thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Qua đó, Công an TP Hà Nội đề nghị các cơ quan, người dân nâng cao trách nhiệm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; có ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật và chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các vi phạm trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cung cấp những thông tin, hình ảnh vi phạm tập trung vào các hành vi xe khách chở quá số người quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; xe ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc,…

Chỉ huy Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) khẳng định: “Thông tin phản ánh của nhân dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông sẽ được cán bộ trực tiếp nhận, phân loại, xử lý và bảo mật tuyệt đối danh tính cá nhân của người phản ánh. Thông tin phản ánh của người dân về các vi phạm sẽ đảm bảo khách quan, chính xác; cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời.

Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, ông Lê Văn Hảo trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Người dân chúng tôi rất bức xúc với những trường hợp tham gia giao thông coi thường pháp luật, cố tình vi phạm làm ảnh hưởng đến an toàn của những người xung quanh. Tuy nhiên, không phải lúc nào, cũng có lực lượng chức năng xử lý trực tiếp được. Nay Phòng CSGT tiếp nhận thông tin xử phạt trực tiếp, người dân chúng tôi hoàn toàn có thể ngay lập tức phản ánh tới cơ quan chức năng.

Anh Nguyễn Đức Hoàng, một tài xế xe hợp đồng chia sẻ: “Giờ đây, mỗi người dân đã trở thành một “camera” phạt nguội. Tài xế chúng tôi cũng sẽ tự giác nâng cao việc chấp hành quy định của pháp luật vì không biết mình sẽ lọt danh sách phạt của phòng CSGT lúc nào”.

Chị Nguyễn Thúy Nga, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Nắm được thông tin phòng CSGT sẽ tiếp nhận phản ánh trực tiếp của người dân về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tôi đã chủ động theo dõi page zalo cũng như lưu lại số điện thoại tiếp nhận. Thời gian tới, tôi cùng những người thân cũng sẽ tích cực phản ánh những hành vi tham gia giao thông xấu tới lực lượng công an”.

Thay đổi nhận thức

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông Thạc sĩ Tạ Đức Giang cho biết: “Trong những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục được duy trì ổn định. Tình trạng vi phạm giao thông chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, xe tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, đi vào đường cấm, đi ngược chiều… Để đạt được những kết quả nêu trên, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, lực lượng công an còn có sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân bằng cách phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, làm cơ sở để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm”.

Theo Thạc sĩ Tạ Đức Giang, việc công bố số điện thoại, fanpage zalo là một trong những biện pháp cần thiết để khuyến khích người dân cung cấp thông tin để lực lượng chức năng xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

“Hiện nay, dữ liệu từ các camera hành trình trên xe hay từ điện thoại thông minh của người dân có thể gửi rất thuận tiện. Chỉ cần một vài thao tác nhỏ, lực lượng chức năng đã có thể nắm được và tiến hành xác minh xử lý. Qua đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật” - Thạc sĩ Tạ Đức Giang cho biết.

Cũng theo ông Tạ Đức Giang, cần khuyến khích người dân sử sụng những hình ảnh có thông tin chính xác, cụ thể rõ ngày rõ giờ để lực lượng chức năng tiếp nhận xử lý. Về phía lực lượng chức năng cũng cần tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định pháp luật. Đồng thời, bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính cua người cung cấp thông tin, tài liệu; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia hoạt động phong trào; xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng phong trào.

"Để việc tiếp nhận thông tin, xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao cũng cần tuyên truyền tới Nhân dân việc nhận diện các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu phản ánh bằng cách thức ghi nhận đầy đủ thông tin về: Nội dung hành vi vi phạm; Video clip, hình ảnh của hành vi vi phạm; Thời gian phát hiện; Tuyến đường xảy ra vi phạm; Biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện; Chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan theo tính chất của từng vụ việc, hành vi vi phạm cụ thể" - Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Đức Dương.

Bày tỏ quan điểm của mình, Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Đức Dương cho rằng việc tiếp nhận thông tin vi phạm trật tự, an toàn giao thông trực tiếp qua số điện thoại, zalo là hết sức cần thiết nhằm khơi dậy tinh thần, ý thức tự giác chấp hành luật an toàn giao thông trong mỗi người dân.

“Từ đây, mỗi người dân cũng trở thành một camera của lực lượng Công an, đặc biệt là Cảnh sát giao thông. Qua đó sẽ hình thành ý thức chấp hành và tự giám sát, nhắc nhở, phản ánh sẽ góp phần nâng cao văn hóa giao thông” - Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Đức Dương chia sẻ.

Tin liên quan