Ngăn chặn "ma men" sau tay lái: Phải xử nghiêm, phạt nặng

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau hàng loạt vụ tai nạn kinh hoàng vừa qua, câu hỏi nhức nhối được đặt ra là cách nào để giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn hiệu quả vấn nạn người say cầm tay lái?

Ngan chan
Xe ô tô gây tai nạn làm một lao công tử vong trên đường Láng do tài xế sử dụng bia, rượu tối 22/4. Ảnh: Việt Dũng

Phải phạt tù chứ không chỉ xử lý hành chính 

 Sau hàng loạt vụ tài xế say xỉn, lái ô tô gây tai nạn liên hoàn, cướp đi những sinh mạng vô tội, thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng: “Lỗi trước hết ở những người tài xế đã không có ý thức bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng khi lái xe trong tình trạng say xỉn. Nhưng đó cũng có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng”. Ông Thành phân tích, nếu cơ quan chức năng có những biện pháp hữu hiệu hơn, có thể đã hạn chế được đáng kể những vụ tai nạn thảm khốc ấy. Những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra, người sau đã biết mà vẫn đi vào vết xe đổ của người trước. Đó là vì luật pháp chưa đủ răn đe, các cá nhân chưa nhận thức được hậu quả của “phút vui bên bàn nhậu”.

Khi được hỏi có biết mức phạt đối với người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu như thế nào hay không, anh Nguyễn Văn Thịnh (Hà Đông) lúng túng trả lời: “Có thể là phạt tiền nếu nồng độ cồn quá cao. Gây tai nạn thì treo bằng lái”. Thực tế, tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Mức phạt đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu bia có thể từ phạt tiền, tù treo cho đến án tù giam giữ 10 năm, tùy theo hậu quả gây ra. 

Các chuyên gia cho rằng, thiếu thông tin, hiểu biết về pháp luật là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người vẫn điều khiển phương tiện giao thông dù đã uống rượu bia. Ông Phan Trường Thành đề xuất: “Cần đưa các vụ việc lái xe say xỉn gây tai nạn ra xét xử công khai, lưu động để tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Các trường hợp lái xe trong tình trạng say rượu cần phải phạt tù ngay chứ không xử lý hành chính nữa”.

Muốn làm được như vậy, cơ quan chức năng cần xem xét, sửa đổi luật, tăng nặng hình phạt với các “ma men” sau tay lái. Mặt khác, hiện việc xử phạt vi phạm giao thông, trong đó có hành vi say xỉn lái xe chưa được nghiêm minh, nhiều trường hợp vẫn còn “xin - cho” nên có không ít người tái phạm nhiều lần. Theo Luật sư Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty Luật Hồng Quang, Hà Nội: Hiện tại mức xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở là từ 16 - 18 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe có thời hạn từ 4 - 6 tháng. Mức xử phạt trên chưa đủ sức răn đe. Để nghiêm trị hành vi vi phạm này phải tăng mức xử phạt từ 80 – 100 triệu đồng và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó còn buộc người vi phạm phải thực hiện lao động công ích có thời hạn từ 7 - 10 ngày, như vậy mới đủ sức răn đe. 

Ngan chan
Cảnh nhộn nhịp một quán bia ở Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Tuyên truyền phải hiệu quả
Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình chia sẻ, nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho người dân đã được thực hiện liên tục, mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít gia đình, cá nhân vẫn khá thờ ơ với vấn đề này. “Cách tuyên truyền tốt nhất là từ trong mỗi gia đình. Những người thân nhắc nhở, giáo dục lẫn nhau sẽ đem lại hiệu quả thiết thực” - ông Bình nhấn mạnh.

Thời gian qua, không ít người thân của các “ma men” sau tay lái đã đăng đàn, gửi lời xin lỗi trên mạng xã hội. Nhưng điều đó chẳng mang lại bao nhiêu ý nghĩa, bởi tất cả đã muộn màng. Ông Bình bày tỏ: “Chúng ta có thể hành động sớm hơn, hữu hiệu hơn nếu thật sự coi trọng các kiến thức về an toàn giao thông”.

Cùng với bộ máy tuyên truyền của cơ quan quản lý Nhà nước đang hoạt động cật lực mỗi ngày, các hội, nhóm, tổ chức xã hội cũng cần tích cực hơn nữa, bền bỉ hơn nữa trong việc tuyên truyền về an toàn giao thông, để tạo nên sự cộng hưởng xã hội mạnh mẽ. Đơn cử mới đây, Hội học sinh cấp 3 Hà Nội, niên khóa 1991 - 1994, với hơn 10.200 người cùng nhau dấy lên phong trào truyền bá thông điệp “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Phong trào đã làn tỏa mạnh mẽ và đem lại hiệu quả ban đầu rất tích cực.

Qua đó có thể thấy, nếu mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội thực sự quan tâm đến vấn đề an toàn giao thông, cùng nhau quyết liệt đấu tranh, sẽ không khó để giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn triệt để vấn nạn “ma men” sau tay lái.

Minh Tường/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h