|
Đường sắt xuất hiện "cơn sốt" vé tàu ngay đầu năm mới 2022.
|
Xu hướng di chuyển đến 2 điểm địa đầu đất nước làm nơi du Xuân bất ngờ “lên ngôi” trong những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022. Điều này khiến cho nhiều loại hình vận tải hành khách được hưởng lợi, trong đó hàng không và đường sắt là 2 loại hình được hưởng lợi nhiều nhất.
“Cơn sốt” vé tàu đầu năm mới
Riêng đối với đường sắt, “cơn sốt” vé tàu bắt đầu xuất hiện từ trước kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, nhưng chỉ thật sự bùng lên mạnh mẽ vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần. Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, tính đến ngày 8/2, chỉ tính riêng Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã vận chuyển được hơn 100.000 lượt khách, doanh thu hơn 53 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so cùng kỳ 2021.
Trong đó, tàu Thống nhất vận chuyển gần 68.500 khách, tàu khu đoạn được hơn 32.200 khách. Về vận tải hàng hóa, tháng 1/2022 đạt hơn 259.000 tấn xếp, hơn 263.000 tấn dỡ, doanh thu tàu hàng hơn 85,2 tỷ đồng.
Tại khu vực phía Nam, tính đến ngày 9/2, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã vận chuyển được gần 110.000 khách, bằng 79,47% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu hơn 78,3 tỷ đồng, bằng 88,76%.
Lúc cao điểm nhất sau Tết phải kể đến các ngày từ 6 - 9/2, các chuyến tàu chạy ở những chặng “hot” như: Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Hải Phòng, Vinh - Hà Nội Vinh - Sài Gòn, Nha Trang - Sài Gòn, Đà Nẵng - Sài Gòn, Quảng Ngãi - Sài Gòn đều hết sạch vé, chủ yếu chỉ còn vài ghế phụ.
Đông nhất phải kể đến là tàu Hải Phòng LP6 về Ga Hà Nội chạy vào trưa 6/2 khi có tới hơn 1.000 khách. Các tàu như: SE36 Vinh - Hà Nội, tàu Thống nhất SE8 về trong chiều, tối 6/2 cũng hơn 400 khách/đoàn tàu bao gồm cả ghế phụ, gần kín phương án chỗ.
Ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nhận định: Sự gia tăng lượng hành khách đi tàu vào những ngày đầu năm 2022 là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành đường sắt. Dù rằng, so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, lượng khách đi tàu vẫn còn kém rất nhiều nhưng không thể phủ nhận sự trở lại của người dân với dịch vụ đường sắt là rất đáng chờ đợi.
“Khách đi tàu tăng lên, triển vọng sẽ tốt hơn so với năm 2021, không chỉ vận tải khách, vận tải hàng cũng tăng” - ông Nguyễn Viết Hiệp nói và cho biết thêm, những ngày gần đây luôn có chiều hướng tốt hơn. Thậm chí, trong Tết, ngành đường sắt chỉ lập thêm 2 đôi tàu Thống nhất nhưng ngay sau khi ra Tết lại tiếp tục lập thêm các đoàn tàu do nhu cầu đi lại của người dân tăng nhanh.
|
Tín hiệu tích cực đầu năm mang tới nhiều hi vọng cho công cuộc phục hồi của ngành đường sắt.
|
Mục tiêu thực tế cho kế hoạch phục hồi
Các chuyên gia cùng chung nhận định, “cơn sốt” vé tàu hỏa vào những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022 chỉ mang tính thời điểm và sẽ sớm chấm dứt khi cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, đây chính là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của ngành đường sắt sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, điều quan trọng nhất có thể nhận ra qua hiện tượng “sốt” vé tàu, vé máy bay trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022 chính là việc người dân bắt đầu bỏ được tâm lý e ngại dịch bệnh để thực hiện những chuyến du Xuân. Đây chính là điểm cốt lõi cho phép vận tải và du lịch phục hồi trong năm 2022.
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thậm chí số ca nhiễm mới tăng cao ngay sau Tết nhưng với chiến dịch tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 đang được thực hiện hiệu quả, ảnh hưởng của dịch bệnh dần giảm đi, nhiều địa phương đã và đang thực hiện rất tốt việc sống chung an toàn với dịch bệnh.
“Khi chúng ta đã sống chung an toàn được với dịch bệnh, các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ dần được khôi phục, vận tải hành khách cũng thế chứ không chỉ riêng gì mỗi đường sắt” - ông Bùi Danh Liên cho hay.
Cùng chung quan điểm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh cho rằng: “Cơn sốt” vé tàu vào đầu năm mới 2022 đương nhiên không giúp nhiều về mặt tài chính cho ngành đường sắt mà chủ yếu là sự khích lệ về mặt tinh thần. Bởi đây không phải là đột biến có thể bù đắp cho vận tải đường sắt vốn đang chịu thua lỗ nặng sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Chúng tôi vẫn chỉ đặt mục tiêu giảm lỗ được chừng nào tốt chừng đó, còn để thoát lỗ thì rất khó” - ông Đặng Sỹ Mạnh nói và cho biết thêm, ngay cả với vận tải hàng hóa, dù lĩnh vực này vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng tốt trong thời gian qua nhưng VNR vẫn xác định sự phát triển này sẽ không thể có đột phá về doanh thu mà cần được thực hiện theo một lộ trình nhất định.
Trong khi đó, đối với vận tải hành khách, những tín hiệu đáng mừng trong đầu năm mới sẽ là cơ sở quan trọng để ngành đường sắt. Ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, VNR sẽ tiếp tục bám sát tỉnh hình, chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó đưa ra các phương án tổ chức chạy tàu linh hoạt, phù hợp.
VNR sẽ tập trung chạy tàu ở những chặng tiềm năng về du lịch cũng như thời điểm cao điểm đi tàu của hành khách như ngày lễ, Tết... Mục tiêu mà ngành đường sắt đưa ra cũng rất thực tế, đó là giảm được lỗ để làm bàn đạp cho những năm tới thực hiện các mục tiêu cao hơn. Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của VNR dự kiến lỗ giảm so với năm 2021 khoảng 100 tỷ đồng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp đẩy mạnh vận tải hàng hóa như rút ngắn thời gian quay vòng toa xe, kêu gọi xã hội hóa đầu tư toa xe hàng, siết chặt các giải pháp kiểm soát và giảm chi phí...”- Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh
|