Đây là câu hỏi khiến lãnh đạo Bộ GTVT không khỏi đau đầu trong suốt hơn 2 tháng qua, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện và hoành hành. Đặc biệt, khi dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực lên tất cả các lĩnh vực GTVT hiện có.
Hàng không chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19.
|
Dịch bệnh “tàn phá” dữ dội ngành GTVT
Ngay từ khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc, dịch bệnh này đã cho thấy sức tàn phá dữ dội đối với nhiều lĩnh vực GTVT ở nước ta. Điển hình nhất là Hàng không, Hàng hải, Đường sắt và Đường bộ. Cục Hàng không Việt Nam buộc phải ra quyết định tạm dừng cấp phép các chuyến bay tới Vũ Hán.
Liền sau đó các hãng bay trong nước cũng lần lượt dừng khai thác các đường bay đến quốc gia tỉ dân do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh. Điều này ngay lập tức gây ra những thiệt hại lớn cho ngành Hàng không.
Không lâu sau đó, dịch bệnh bắt đầu lan sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc với những diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Nhiều đường bay tiếp tục phải tạm thời ngừng khai thác, nhiều chuyến bay buộc phải giảm tần suất. Và cứ thế, thiệt hại với ngành Hàng không tiếp tục tăng lên.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 có thể làm giảm doanh thu của các hãng hàng không khoảng 25.000 tỷ đồng trong năm 2020. Trong đó, Vietnam Airlines lượng khách giảm trên tất cả các đường bay, kể cả đường bay châu Âu, châu Úc. Vietnam Airlines dự báo, sản lượng khách vận chuyển năm nay giảm 11,6% so với kế hoạch, doanh thu giảm 12.500 tỷ đồng, lỗ 4.300 tỷ đồng. Còn Jetstar Pacific dự kiến thu nhập giảm 732 tỷ đồng, lỗ 600 tỷ đồng.
Nhiều chuyến tàu thưa vắng khách vì dịch bệnh Covid-19
|
Cùng với Hàng không, Hàng hải, Đường bộ và Đường sắt cũng không tránh được sự tàn phá dữ dội của dịch bệnh Covid-19. Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, dịch Covid-19 khiến cho sản lượng vận tải hàng hóa qua đường Hàng hải giảm 30% so với tháng 1/2020 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%.
Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung đầu vào (nguyên vật liệu) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với Đường bộ, trong tháng 1 sản lương vận tải hàng hóa giảm 6,4%, sản lượng hành khách giảm 16,3% so với tháng 1/2020 và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Về đường sắt, sản lượng hành khách giảm 45% so với tháng 1/2020 và giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng Đường sắt đã phải dừng khai thác các chuyến tàu liên vận tới Trung Quốc trong khi các chuyến nội địa cũng bị sụt giảm nghiêm trọng lượng hành khách. Tình trạng các toa trống ghế, trống giường nằm diễn ra như cơm bữa.
Trước những thiệt hại nặng nề mà dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với ngành, Bộ GTVT buộc phải khẩn trương bắt tay vào công tác nghiên cứu để tìm ra giải pháp hữu hiệu đảm bảo cho các lĩnh vực GTVT tiếp tục phát triển bền vững trong “cơn bão” dịch bệnh.
Cú hích chính sách và liều “doping” tinh thần
Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng bản kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 cũng được Bộ trưởng Bộ GTVT kí quyết định ban hành. Đây là bản kế hoạch nhằm thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng dịch, vừa phát triển KT-XH mà Bộ GTVT dày công soạn thảo theo Chỉ thị số 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bản kế hoạch này, Bộ GTVT đã xây dựng chi tiết phương án giảm phí, lệ phí, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển như yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt; giao trách nhiệm cho Thanh tra Bộ GTVT thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao.
Các bến xe cũng rơi vào cảnh đìu hiu.
|
Bản kế hoạch cũng vạch ra chi tiết nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Trong đó, Cục Hàng không Việt Nam được giao rà soát, xử lý đúng pháp luật về việc giảm giá, phí, lệ phí của ngành hàng không, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ kết nối hàng không trực tiếp với các thị trường trọng điểm.
Vụ Tài Chính có trách nhiệm chủ trì các đơn vị trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, rà soát để ban hành theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí. Hay như Trung tâm Công nghệ thông tin được giao tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ GTVT nhấn mạnh các đơn vị chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý 1 và quý 2/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý; Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc hoàn thành nhiệm vụ kép nhằm đảm bảo tất cả các lĩnh vực GTVT đều được phát triển bền vững trong “cơn bão” dịch bệnh. Toàn ngành cần quán triệt tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát, lan rộng tại nhiều quốc gia; Thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây được xem là cú hích rất quan trọng về mặt chính sách và là liều “doping” tinh thần để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT trong nước tiếp tục vững bước trước đại dịch, vực dậy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.