|
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Có đại biểu (ĐB) đồng tình việc dành hơn 4.069 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên dành sự ưu tiên cho dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai...
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), trong kế hoạch đầu tư công giành 2 triệu tỷ đồng (có chia ra ngân sách T.Ư là 1,120 triệu tỷ đồng, còn ngân sách địa phương là 880 tỷ đồng). Về ngân sách T.Ư, trong 1,12 triệu tỷ đồng, Quốc hội phân bổ 90% (1 triệu tỷ đồng), chỉ còn 10% dự phòng. Theo ĐB, dự phòng không phải chỉ để chi cho các dự án gặp khó khăn, thiên tai lũ lụt mà còn có ý nghĩa cho nguồn thu khi không đạt được.
Do đó, chỉ nên xem xét từ nguồn vốn phân bổ ngân sách T.Ư mà ở đây là các khoản đã phân bổ nhưng chưa giải ngân hết, đặc biệt là chi từ trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 50%, đạt khoảng 67,150 tỷ đồng. “Hiện tại sử dụng không hết có cần phải bàn ngay phân bổ dự phòng hay không? Chỉ cần lấy số vốn chưa giải ngân hết trong số 50% còn lại, Chính phủ tiếp tục rà soát lấy từ vốn dự án nào chậm chuyển cho dự án có khả năng triển khai được, để tạo hiệu quả vấn đề sử dụng vốn và giảm bớt gánh nặng cân đối ngân sách” - ĐB đề xuất.
Đồng tình với ĐB, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã phân bổ hết số vốn dự kiến đầu tư trung hạn cho 5 năm, bây giờ chỉ còn nguồn dự phòng mà Quốc hội đang bàn. “Đang có rất nhiều dự án không triển khai được. Mỗi một năm, tốc độ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 80%, như vậy đang còn khoảng 20% không giải ngân hết. Thứ hai, trái phiếu Chính phủ cũng không giải ngân hết. Thứ ba là các công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc Nam, đang để ở đó hơn 80.000 tỷ đồng không giải ngân hết” - Bộ trưởng nêu ý kiến.
Khó khăn thực tế là trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng vẫn đang còn tồn nợ trên 20.000 tỷ đồng. "Nếu như vậy, chúng ta còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết nợ của ngành giao thông" - Bộ trưởng nói. Ngoài ra, theo Bộ trưởng, vì đang ở năm thứ 4 của kế hoạch nên không thể bóc tách được chính xác dự án nào phải dừng và dự án nào không triển khai được. Như vậy, thời điểm phù hợp nhất là cuối năm nay có thể căn cứ điều kiện thực tế của từng dự án và xác định được nguồn là bao nhiêu, khi đó mới phân bổ dự kiến được theo khả năng nguồn lực thực tế.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ chưa làm rõ vì sao thay đổi phương án tài chính. Đây là mấu chốt Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng cần để lại làm rõ thêm. "Bộ Chính trị đã nêu là tìm nguồn chứ không phải chỉ lấy từ nguồn 10.000 tỷ đồng này” - Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận.