Ảnh minh họa
|
Thông tin từ cơ quan Thuế, từ 5/12/2020, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (NĐ 126), quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành. Theo đó, cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek, Bee... hay còn gọi là đơn vị hợp tác cá nhân kinh doanh có thay đổi. Cụ thể, các doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10%.
Theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126 quy định: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh…”.
Quy định tại NĐ 126 nêu rõ, với hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì tổ chức phải có trách nhiệm khai thuế GTGT, và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức; tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định của pháp luật thuế TNCN (biểu thuế tại Thông tư 92/2015/TT-BTC), không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.
Các tổ chức hợp tác kinh doanh như Grab, Goviet, Bee… sẽ phải tiến hành khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10%, và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân (1,5%) cho các tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này.
Với quy định cách tính thuế mới này nhằm thu thuế GTGT theo đúng bản chất hoạt động kinh doanh, lái xe chỉ có trách nhiệm nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm và sẽ không phải nộp 3% thuế GTGT như hiện nay, mà trách nhiệm nộp thuế GTGT thuộc về doanh nghiệp.
Nghị định 126 đã quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT - chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay.
Như vậy, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vẫn tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).
Có thể thấy, Nghị định 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất kinh tế phát sinh cũng như thông lệ quốc tế. Do vậy, các tổ chức, cá nhân có liên quan cần tìm hiểu kỹ về phương pháp tính thuế áp dụng theo quy định mới, để từ đó nhận thức đúng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.