Người vi phạm giao thông ngày càng manh động: Ý thức chưa cao, dễ bị kích động

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo thống kê, hiện nay với số liệu 58% đối tượng dùng phương tiện đâm trực diện vào cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ, thì rõ ràng vấn nạn này đang ở mức báo động.

Nguoi vi pham giao thong ngay cang manh dong: Y thuc chua cao, de bi kich dong - Hinh anh 1
 Hình ảnh một số vụ chống đối cảnh sát giao thông gây phẫn nộ dư luận thời gian qua

Liên tiếp các vụ chống đối, tấn công cảnh sát giao thông

Ngày 22/8, Công an huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Ngọc Thảo (SN 1978, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) để điều tra về hành vi "Chống người thi thành công vụ".

Trước đó khoảng 14h ngày 21/8, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Thống Nhất đang làm nhiệm vụ tại Tỉnh lộ ĐT 769 (đoạn qua thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) thì phát hiện Thảo chạy xe máy không đội nón bảo hiểm, có dấu hiệu uống rượu bia.

Lúc này, Thượng úy Trần Triệu Pha ra hiệu lệnh, yêu cầu Thảo dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, người đàn ông này không chấp hành mà tông thẳng vào tổ công tác. Hậu quả khiến Thượng úy Pha bị nứt xương chậu.

Cũng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngày 21/8 Công an huyện Long Thành đã tạm giữ Trần Văn Trạng (SN 1997, quê tỉnh Bạc Liêu) và Hà Văn Nghĩa (SN 1995, ngụ tỉnh Đăk Lăk) về hành vi tương tự.
Chỉ khác rằng, Trạng và Nghĩa không dùng xe tông vào các chiến sĩ cảnh sát giao thông mà nhặt 2 cục đá ven đường đe dọa tổ công tác. Đáng chú ý trong lúc giằng co, Nghĩa đã kẹp cổ, quật ngã 1 đại úy cảnh sát.

Còn tại Hà Nội, dư luận vẫn đang xôn xao về việc 1 nhóm người hành hung cảnh sát giao thông tại huyện Chương Mỹ. Cụ thể, vào hồi 20h30 ngày 20/8, Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 12 đang làm nhiệm vụ thì phát hiện xe ô tô Mazda trắng BKS 30F-703.82 chạy quá tốc độ theo hướng Miếu Môn - Xuân Mai.

Khi thấy hiệu lệnh dừng xe (trên xe có 5 người), thì các đối tượng tỏ thái độ chống đối lăng mạ, chửi bới, xô đẩy lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Trong đó, 1 đối tượng đã đấm vào mặt, mắt 1 chiến sĩ. Lúc này, xuất hiện thêm nhóm đối tượng khác điều khiển xe máy mang theo tuýp sắt đến hiện trường cản trở, gây áp lực. Lợi dụng tình hình lộn xộn 5 đối tượng lên ô tô bỏ đi.

Công an huyện Chương Mỹ đã điều động lực lượng tổ chức truy đuổi và bắt giữ 3 đối tượng gồm: Đỗ Xuân Nguyên (SN 1978; trú tại Yên Trường, Trường Yên, Chương Mỹ); Nguyễn Duy Ninh (SN 1984; trú tại Đồi Mít, Nam Phương Tiến, Chương Mỹ); Nguyễn Bá Vương (1990; trú tại Nhật Tiến, Trường Yên, Chương Mỹ), tạm giữ xe ô tô.

Tính chất manh động ngày càng tăng

3 sự việc trên chỉ là những vụ điển hình về vấn nạn chống người thi hành công vụ đối với cảnh sát giao thông trong thời gian qua.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thống kê từ năm 2018 đến nay đã xảy 72 vụ (2018: 55 vụ, 7 tháng đầu năm 2019 xảy ra 17 vụ) chống lại lực lượng cảnh sát giao thông trong khi thi hành công vụ, làm 2 chiến sĩ hy sinh, 27 chiến sĩ bị thương. Nếu so với năm 2018, số vụ không tăng nhưng tính manh động tăng lên rất nhiều.

Đánh giá về thực trạng trên, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Trước đây, người vi phạm thường xin xỏ được bỏ qua vi phạm, rồi ngăn cản việc thi hành công vụ sau đó mới đến chống đối. Nhưng hiện nay với số liệu 58% đối tượng dùng phương tiện đâm thẳng trực diện vào cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ thì rõ ràng tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm, bất chấp hậu quả.

"Các hành vi chống phổ biến là: Có lời nói đe dọa, vu khống, xúc phạm, lăng mạ cảnh sát giao thông; điều khiển phương tiện đâm thẳng vào cảnh sát giao thông; dùng đá, gỗ, vật khác để vụt, ném vào cảnh sát giao thông; dùng vũ lực, dao kiếm tấn công; gây ùn tắc; tụ tập, kích động người khác gây cản trở giao thông; điều khiển phương tiện chèn, ép, đạp ngã xe của cảnh sát giao thông...", Thiếu tướng Lê Xuân Đức thông tin thêm.

Về nguyên nhân, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nhận định, là do những vướng mắc trong thực thi quy định của pháp luật. Như Quy chuẩn 41 hay Thông tư 91 của Bộ Giao thông vận tải. Khi áp dụng những quy định của 2 văn bản trên đã tạo ra những vấn đề chưa hiểu rõ ràng giữa người dân với lực lượng thi hành công vụ. Chính vì vậy, đã tạo thành những khiếu nại, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm, giải thích với người dân. Bên cạnh đó, ý thức thượng tôn pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao...

Thiếu tướng Lê Xuân Đức lưu ý, hiện nay do tác động, lôi kéo, ảnh hưởng xấu của các trang mạng xã hội tuyên truyền cách thức chống đối làm người dân hiểu sai về cảnh sát giao thông. Thái độ của nhiều người dân khi nhìn thấy các vụ việc này còn vô cảm, thậm chí còn kích động, lôi kéo chống lại lực lượng chức năng.

Ngoài ra cũng còn có nguyên nhân chủ quan do người thực thi nhiệm vụ, lúng túng, bị động hoặc do dự không cương quyết. Bên cạnh đó, một số cán bộ chiến sĩ (chủ yếu là cán bộ trẻ) mặc dù đã được tập huấn nghiệp vụ và văn hóa ứng xử nhưng phương pháp ứng xử, giải quyết công việc chưa khéo léo, kiên quyết nên khi thực hiện nhiệm vụ có lúc còn máy móc, thiếu linh hoạt.

"Cũng phải nhìn nhận từ 2 phía, đối với cảnh sát giao thông phải nâng cao trình độ nghiệp vụ để giải thích cho người dân ngắn gọn, dễ hiểu. Trong việc tuyên truyền, chúng tôi luôn đặt ra vấn đề mà cảnh sát giao thông phải thực hiện được, đó là nói cho người dân hiểu; khi người dân đã hiểu rồi thì người dân sẽ ủng hộ, chấp hành", Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nói.

Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ, hiểu biết, kỹ năng xử lý tình huống để khi người dân cần biết thì phải giải thích cụ thể, cặn kẽ.

Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ sử dụng kết nối công nghệ thông tin, như camera giám sát để ghi lại quá trình làm nhiệm vụ của cảnh sát giao thông, vừa làm công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ chiến sĩ vừa ghi lại hình ảnh chống đối của người vi phạm để tuyên truyền lên án hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Theo quy định của pháp luật, tùy từng lỗi vi phạm của người tham gia giao thông mà sẽ bị xử lý khác nhau. Nếu có những hành vi, như: Có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các chiến sĩ CSGT đang thi hành công vụ, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ thì tùy mức độ mà xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP (phạt tiền từ 2-5 triệu đồng); hoặc bị xử lý trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP; hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ hay cố ý gây thương tích.

Nam Thành

Tin liên quan