Nguy cơ tai nạn khi xe máy “độ” thêm mái che tránh nắng

 
Chia sẻ

Trên đường phố Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều xe máy "độ" thiết bị chống nắng nóng lạ mắt. Tuy nhiên, việc này vi phạm luật giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Hà Nội đang trong giai đoạn nắng nóng gay gắt. Để chống lại nắng nóng, người dân Thủ đô phải dùng tới nhiều cách. Đặc biệt, trên đường phố Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều chiếc xe máy "độ" thiết bị chống nắng nóng lạ mắt.

Hình ảnh những chiếc xe gắn máy được trang bị thêm hệ thống khung bạt ni-lông trước và sau tạo thành một mái vòm che mưa nắng cho người ngồi trên xe xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Hà Nội.

Nguy co tai nan khi xe may “do” them mai che tranh nang - Hinh anh 1
Ở Hà Nội mới xuất hiện hình ảnh chiếc xe máy PCX được "độ" thêm  mái che khung i nốc với các tấm mi ka để chống nắng nóng. Ảnh: ANTĐ

 Một số người sử dụng cho rằng, việc lắp thêm mái, khung cho xe máy khá là thuận tiện bởi có thể vừa che nắng, vừa che mưa khi tham gia giao thông vào mùa hè mà thời tiết nắng mưa bất chợt như tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc xe máy lắp thêm mái che nắng khi lưu thông trên đường là vi phạm luật giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

 Bởi nếu mái che bị bung ra sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường. Mặt khác, hệ thống mái che cồng kềnh sẽ làm giảm tầm nhìn của các phương tiện xung quanh.

“Thời gian nắng nóng vừa tôi, tôi thấy những chiếc máy có thêm phần khung bạt che xuất hiện trên đường phố ngày càng nhiều. Ban đầu tôi thấy nó cũng đáp ứng nhu cầu của người dân khi thời tiết nắng nóng, nhưng khi di chuyển gần các phương tiện này thì tôi cảm thấy rất nguy hiểm; do phần bạt che này cản gió và khiến người điều khiển phương tiện gặp khó khăn, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật Đức An, Hà Nội cho biết, việc lắp thêm mái che trên xe máy chính là hành vi tự thay đổi kết cấu, hình dáng của phương tiện giao thông và vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Cụ thể, theo khoản 2, điều 55, Luật giao thông đường bộ 2008 về Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ; chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cho biết về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm này:

“Nếu chủ phương tiện cố tình lắp mái che thì căn cứ điểm c, khoản 4, Điều 30 Nghị định 46/2016 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.  Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng”.

Một số kỹ thuật viên của các hãng xe máy cũng cho rằng, việc lắp thêm hệ thống khung, mái vòm che nắng cho xe máy tuy có vẻ thuận tiện nhưng thực tế lại rất nguy hiểm. Bởi vì những chiếc xe máy được thiết kế và sản xuất dành cho việc sử dụng hàng ngày đã được tính toán kỹ lưỡng về khí động học cũng như khả năng thăng bằng khi vận hành.

Việc lắp thêm khung, mái vòm như vậy sẽ làm thay đổi kết cấu của xe, thay đổi bề mặt tác động của khí động học dẫn đến mất ổn định khi vận hành, đặc biệt là trong điều kiện mưa to, gió lớn thì những chiếc xe lắp mui, bạt như vậy sẽ phải chịu lực tác động rất mạnh của gió - và điều này sẽ dẫn đến mất an toàn cho người lái xe.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan