|
Chiếc xe máy trơ khung vẫn được sử dụng |
Thành phố Hà Nội đã có chủ trương nghiên cứu phương án thu hồi xe máy cũ nát, không bảo đảm về tiêu chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Mặc dù chưa có quy định cụ thể về kiểm định kỹ thuật cũng như niên hạn sử dụng xe máy, căn cứ xác định xe máy nằm trong diện thu hồi, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi xe máy cũ nát là cần thiết và cần có lộ trình phù hợp...
Bởi nếu không Hà Nội và các đô thị lớn ở nước ta sẽ sớm phải đối mặt với nguy cơ xe máy cũ nát thành "rác" đô thị. Đây cũng là nội dung chính được đề cập trong loạt chương trình Giao thông Đô thị tuần này.
Gọi là xe máy cũ nát, bởi hầu như không còn dấu hiệu nhận biết đó là loại xe gì? Có xe chỉ trơ lại bộ khung bằng sắt hoen gỉ, phần đầu trống hoác với mớ dây điện loằng ngoằng, không còi, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương. Thậm chí, nhiều xe không có đăng ký xe, không có biển số, không có ống xả... nhưng vẫn lưu thông hằng ngày trên đường.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 40 triệu xe máy, trong số này có những xe hoạt động từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước nhưng vẫn còn lưu thông. Không chỉ mất an toàn giao thông, trong quá trình hoạt động những chiếc xe "quá đát" này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Những chiếc xe này do sử dụng công nghệ lạc hậu nên khả năng đốt cháy nhiên liệu không hết, thải ra ngoài môi trường gấp nhiều lần ô tô và phần lớn khí thải độc hại là hydrocarbon, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Ông Nguyễn Hữu Trí, phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khẳng định, xe máy cũ nát, lưu hành lâu năm khi tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Bên cạnh đó, khí thải từ động cơ của những xe máy cũ nát có hàm lượng chất độc hại rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tham gia giao thông cũng như người dân sống hai bên đường.
Đặc biệt là ở những khu vực đèn xanh, đèn đỏ, khi xe đỗ dừng ở chế độ chạy cầm chừng thì đào thải ra một lượng khí thải rất lớn. Do vậy, về quan điểm thu hồi, cấm những xe cũ nát tham gia giao thông tôi cho rằng hoàn toàn là đúng.
Ông Nguyễn Hữu Trí, phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng, việc thu hồi xe máy quá "đát" là cần thiết. Theo ông Trí, xe máy cũ nát, lưu hành lâu năm khi tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.
Bên cạnh đó, khí thải từ động cơ của những xe máy cũ nát có hàm lượng chất độc hại rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tham gia giao thông cũng như người dân sống hai bên đường.
Ông Nguyễn Hữu Trí cho biết thêm: "Đặc biệt là ở những khu vực đèn xanh, đèn đỏ, khi xe đỗ dừng ở chế độ chạy cầm chừng thì đào thải ra một lượng khí thải rất lớn. Do vậy, về quản điểm thu hồi, cấm những xe cũ nát tham gia giao thông tôi cho rằng hoàn toàn là đúng".
Còn theo các nhà khoa học thì trong khí thải của các phương tiện có rất nhiều thành phần độc hại như ôxit nitơ, hydrocarbon, CO, khi thải ra môi trường sẽ xảy ra phản ứng hóa học tạo ra các loại khí độc hại, làm cho con người bị ngộ độc, thậm chí ngạt thở. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện "quá đát" thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2-4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ.
Thạc sỹ Đỗ Khắc Sơn - Giảng viên khoa cơ khí ô tô - trường Đại học GTVT Hà Nội phân tích:
"Vì những xe cũ nên đương nhiên phát thải ra môi trường lớn và nó có thể ảnh hưởng đến môi trường như ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng. Khói chúng ta thải ra nhiều ngoài gây mệt mỏi cho con người thì tầm nhìn chúng ta bị ảnh hưởng. Hiện nay mảng xe máy chúng ta chưa có kiểm định khí thải".
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường từ xe máy cũ nát và các chế tài hiện có để xử lý vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa.
PV: Xin luật sư cho biết đánh giá, xe máy cũ nát đang gây ra những ảnh hưởng thế nào và các quy định hiện hành đối với việc xử lý xe máy cũ nát?
Luật sư Quách Thành Lực: Hiện nay, xe máy cũ nát vẫn lưu thông trên đường không bảo đảm an toàn giao thông đang là mối quan tâm của xã hội. Đây là vấn đề mới phát sinh nên các cơ quan chức năng sẽ cân nhắc và đưa vào soạn thảo để sửa đổi bổ sung trong Luật giao thông đường bộ mới. Về đề xuất của Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng lộ trình kiểm tra khí thải xe máy, cũng nằm trong chủ trương chờ sửa đổi bổ sung trong Luật giao thông đường bộ.
PV: Vậy xin luật sư cho biết những đóng góp để hạn chế ô nhiễm môi trường do xe máy cũ nát gây ra
Luật sư Quách Thành Lực: Để loại bỏ những phương tiện giao thông thường có hai cách: Một là thông qua kiểm định phát hiện những lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành không còn đảm bảo các yếu tố an toàn, gây ô nhiễm môi trường. Thứ hai là thông qua niên hạn sử dụng, khi hết niên hạn xem như chất lượng của phương tiện không còn nữa, nên chấm dứt lưu hành để đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây ô nhiễm môi trường.
Tôi cho rằng không chỉ ban hành về niên hạn đối với xe máy mà cần quy định trong quá trình sử dụng cần phải kiểm định lại. Quy trình kiểm định này sẽ kiểm tra các yếu tố về kỹ thuật và cả yếu tố về môi trường, có thể hiểu là quy trình kiểm định sẽ bao gồm cả vấn đề kiểm soát khí thải. Tuy nhiên, do chi phí kiểm định cao, có quá nhiều xe máy nên thời gian bao lâu cần kiểm định xe nhằm đảm bảo hiệu quả là việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành các quy định.
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư.