Nguy hiểm thật ở “tọa độ sống ảo”

 
Chia sẻ

Từ lâu, cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, di sản văn hóa có gần 120 năm tuổi đã trở thành “tọa độ sống ảo” hấp dẫn nhiều nam thanh nữ tú cũng như du khách nước ngoài đến chụp cho mình những bức ảnh đẹp.

Điều đáng nói là thay vì đứng chụp ở những vị trí an toàn đã được thiết kế, bố trí sẵn, thì nhiều người bất chấp hiểm nguy leo rào vào khu vực đường ray, nơi được coi là "vị trí ấn tượng nhất". Không chỉ đối mặt với tình trạng mặt cầu rung lắc do lưu lượng phương tiện lớn, mối hiểm nguy càng lớn hơn mỗi khi tàu hỏa đi qua, việc rời khỏi đường ray không đơn giản, khách chụp ảnh rất dễ bị mắc kẹt.

Điều đáng nói là dù các cơ quan chức năng đã có những giải pháp như đặt biển cảnh báo ghi rõ mức xử phạt hành chính hành vi vi phạm tại các điểm rất dễ quan sát, song người dân vẫn không chấp hành. Thực tế đã có những thời điểm có đoàn tàu vừa rời ga Long Biên đã phải dừng lại, liên tục gióng nhiều hồi còi để giải tán đám đông đang chụp ảnh trên đường ray rồi mới có thể đi tiếp. 

Cầu Long Biên không phải là địa chỉ “sống ảo” duy nhất trên mạng lưới đường sắt chạy qua địa bàn Thủ đô hấp dẫn du khách và giới trẻ. Trước đó, vào tháng 10-2019, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã giải tỏa thành công "phố cà phê" đường tàu tại khu vực từ phố Trần Phú kéo dài theo phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, sau khi "phố cà phê" đường tàu nói trên bị dẹp bỏ, giới trẻ lại có xu hướng đổ sang cầu Long Biên để "săn" những bức ảnh "sống ảo".

“Tọa độ sống ảo” trên cầu Long Biên đã và đang trở thành địa chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao với những hành vi coi thường quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Sự cố chưa xảy ra không có nghĩa là sẽ không xảy ra. Do đó, từ kinh nghiệm giải tỏa "phố cà phê" đường tàu Trần Phú - Phùng Hưng hoàn toàn có thể áp dụng tại cầu Long Biên để bảo đảm an toàn đường sắt. Các cơ quan chức năng cần sớm xem xét, cân nhắc vấn đề này để không ai phải nói cụm từ “giá như”...

 

Theo báo Hànộimới

Tin liên quan