Nhân rộng công viên "mở" tại Hà Nội: Thêm không gian xanh đáng sống

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau hơn một tháng dỡ bỏ một đoạn hàng rào, chuyển Công viên Thống Nhất từ công viên "đóng" sang "mở" không chỉ xóa bỏ rào cản, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với không gian công cộng mà còn góp phần phát huy giá trị đích thực của không gian xanh.

Từ kết quả tích cực ban đầu, Hà Nội đã và đang tiếp tục  nhân rộng các công viên, vườn hoa "mở" trong thời gian tới.

Tuyên truyền để người dân cùng bảo vệ công viên

Những ngày qua, khi Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất tiến hành trồng 10.000 gốc hoa hồng tại không gian mở trên tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông (Hà Nội), nhiều người dân Thủ đô tỏ ra khá thích thú và đồng tình hưởng ứng. Bởi 10.000 gốc hoa hồng vừa đem tới cảnh quan đẹp, vừa trở thành hàng rào cây giúp ngăn các phương tiện tự do di chuyển vào công viên sau khi hàng rào sắt được dỡ bỏ.

Nhan rong cong vien
 Cổng chính Công viên Thống Nhất nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông.
Ảnh: Giang Huy

Chủ trương thực hiện dỡ bỏ hàng rào sắt, tạo không gian mở tại một số công viên của Hà Nội đang nhận được nhiều ý kiến tích cực từ phía người dân và các chuyên gia đô thị. Vào cuối tháng 12/2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của TP Hà Nội, ngày 22/12/ 2022, Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất tổ chức dỡ bỏ hàng rào công viên giáp tuyến đường Trần Nhân Tông với chiều dài 396m, 29 trụ bê tông và 62 khoang hàng rào trụ thép. Trên thực tế, mặc dù đều bày tỏ quan điểm đồng tình nhưng nhiều người vẫn còn lo ngại về những vấn đề nảy sinh khi dỡ rào công viên.

Công viên của Hà Nội đã bị bó buộc không gian quá lâu, đặc biệt trong bối cảnh đô thị đang rất thiếu không gian xanh hiện nay thì chủ trương gỡ bỏ rào là rất đúng. Công viên phải là nơi mọi người dân có thể đến để hưởng những tiện ích của nó. Đồng thời, việc này sẽ góp phần giải cơn khát không gian xanh cho TP. Tuy nhiên, "mở" không có tường rào không có nghĩa là người dân cứ ra vào như đất hoang. Cần phải cải tạo để công viên trở nên thân thiện hơn, điểm đến an toàn, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như một ngôi nhà chung. Vậy nên phải hướng công viên trở thành không gian sáng tạo mới của Hà Nội. Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng

Trong quá trình thực hiện công viên "mở", các quận, huyện sẽ có giải pháp kỹ thuật để bảo đảm đồng bộ, tạo hài hòa cảnh quan giữa khu vực trong và ngoài công viên, vườn hoa. Sau khi hạ thấp, việc tiếp cận công viên vẫn phải đi ra - vào theo các lối tổ chức giao thông của công viên, chứ không phải đi vào từ bất kỳ chỗ nào cũng được. Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du
Bà Đinh Thị Mỹ, trú tại ngõ 222 Lê Duẩn chia sẻ: "Tôi thường xuyên đi tập thể dục trong Công viên Thống Nhất. Từ khi phá bỏ hàng rào phía đường Trần Nhân Tông, người dân ra vào công viên rất tiện, thoải mái, cảnh quan thoáng đãng, đẹp mắt, mọi người đều ủng hộ. Nhưng vẫn còn một số người dân có ý thức kém, phóng bừa xe máy, xe đạp vào công viên tạo cảnh lộn xộn, mất an toàn cho người dạo bộ. Do đó, việc thí điểm mở một đoạn hàng rào như hiện nay là phù hợp, sau khi chính quyền tuyên truyền mạnh, ý thức người dân nâng cao hơn nữa thì lúc đó mới nên bỏ hết hàng rào công viên".

Trước thực tế gây lo lắng về vấn đề bảo đảm an ninh trật tự khi xóa bỏ hàng rào công viên, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương đang cố gắng tìm ra những giải pháp tối ưu. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất Ma Kiên Hán cho biết, để vừa tạo thêm cảnh đẹp, vừa tạo hàng rào cây giúp ngăn các phương tiện tự do di chuyển vào công viên sau khi hàng rào sắt được dỡ bỏ, 10.000 cây hoa hồng và 10 cây muồng vàng đã được trồng từ khu vực tượng đài Công an Nhân dân đến cổng chính công viên. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với quận Hai Bà Trưng đề xuất với TP cho cải tạo nâng cấp tổng thể hè phố Trần Nhân Tông. Khi đó sẽ cho nâng cao hàng vỉa để các phương tiện không thể đi lên, vào trong công viên. Cùng đó, lắp camera an ninh, kết hợp với lực lượng công an phường sở tại tăng cường công tác tuần tra, xử lý những vụ việc phát sinh.


Dưới góc độ chuyên gia kiến trúc, cảnh quan đô thị, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho hay, bản chất công viên là không gian công cộng để mọi người đều có thể tiếp cận. Tại các nước trên thế giới, ngoại trừ những công viên mang tính chuyên đề (nuôi thú) hay những công viên mang tính chất di sản, cần phải bảo tồn có quy định khắt khe trong việc bảo vệ, quản lý không gian, còn hầu hết hệ thống công viên là không gian mở, không có tường rào.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, đối với các công viên tại Hà Nội việc bỏ hàng rào, tạo không gian mở cho người dân dễ dàng tiếp cận không có nghĩa là san phẳng, chỉ là bãi cỏ đơn điệu mà cần có giải pháp dần tạo ra những hàng rào mềm bằng cây xanh, cây hoa. Như mới đây Công viên Thống Nhất đã thiết kế hàng rào cây, hoa thay hàng rào sắt vừa được dỡ bỏ là hợp lý. Việc này bên cạnh tác dụng tạo cảnh quan đô thị, sự hấp dẫn cho công viên còn là cách làm cho người dân từng bước thay đổi ý thức, thể hiện trách nhiệm công dân cùng với chính quyền bảo vệ không gian xanh, đẹp quý giá.

Cần đồng bộ từ những kết quả ban đầu

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất Ma Kiên Hán thông tin, với việc dỡ đoạn hàng rào bao quanh công viên bước đầu đã nhận được những kết quả tích cực. Sau khi dỡ bỏ hàng rào người dân đã có thể kết nối dễ dàng với công viên, cùng đó tạo cảnh quan đẹp đã làm tăng sức hút của công viên khi lượng khách tăng từ 20 – 30%.  Đặc biệt, trong số nhiều đoàn khách đến công viên tham quan, chụp ảnh kỷ niệm có nhiều người nước ngoài. “Để Công viên Thống Nhất thực sự là điểm đến, là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến với Thủ đô, ngoài việc mở hàng rào thì còn cần đồng bộ cả về độ mở cơ chế quản lý. Khi đó công viên có thể chủ động mở ra những không gian như văn hóa ẩm thực, thể dục thể thao, phát triển các loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Nhân dân và du khách” – ông Ma Kiên Hán nêu.

Về chủ trương của TP tiếp tục mở rào, tạo lập không gian mở cho các công viên, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho hay, cùng với Công viên Thống Nhất, Sở Xây dựng cũng đang đề xuất UBND TP dừng thực hiện bán vé vào Công viên Bách Thảo từ năm 2023. Với Công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Sở Xây dựng đang đề nghị UBND quận Cầu Giấy trong quá trình cải tạo, chỉnh trang thực hiện phương án điều chỉnh hạ thấp hàng rào.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, việc mở rào công viên là tốt, cần thiết thực hiện nhưng phải đánh giá đầy đủ, xây dựng lộ trình, kịch bản rõ ràng. Nếu vội vã mở mà không có sự đồng bộ thì khó có thể quản lý về mặt quy hoạch đô thị. Sự đồng bộ phải đảm bảo ở nhiều khía cạnh từ cơ chế quản lý, vận hành công viên, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cho đến biện pháp về thiết kế, nếu không sẽ ảnh hưởng đến giao thông, trật tự an ninh, an sinh xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội rất dễ phát sinh.

VŨ LÊ/KTĐT

Tin liên quan