Phá vỡ tính thống nhất, đồng bộ của Luật GTĐB
Trong văn bản gửi Bộ Công an tham gia ý kiến đối với hồ sơ Luật trật tự An toàn giao thông do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký, Bộ GTVT cho biết, từ năm 1945 đến nay, Bộ GTVT đã được Chính phủ giao quản lý nhà nước về giao thông đường bộ và chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ công tác này. Điều này được tiếp tục khẳng định tại Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008.
|
Luật GTĐB khi xây dựng được gắn với toàn bộ hoạt động quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện và người điều khiển phương tiện (Trong ảnh: CSGT đội 5 Hà Nội điều tiết giao thông) |
“Mỗi lĩnh vực Bộ GTVT đang được giao quản lý là đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy và hàng hải đều có một luật chuyên ngành tương ứng điều chỉnh và đang được giao cho Bộ GTVT chủ trì xây dựng. Các luật chuyên ngành này đều gắn với toàn bộ hoạt động quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện và người điều khiển phương tiện, vận tải với mục tiêu đảm bảo ATGT. Từ năm 2012 đến nay, hàng năm TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương”, Bộ GTVT nêu.
Chính vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, việc tách chức năng quản lý nhà nước làm hai phần riêng biệt, giao cho nhiều Bộ, ngành sẽ không tạo được sự thống nhất trong quá trình triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT, dẫn đến chồng chéo và tạo ra bộ máy cồng kềnh để thực thi pháp luật. “Công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đã được Luật GTĐB năm 2008 phân định khá rõ ràng, tập trung đầu mối quản lý thống nhất, tránh chồng chéo, phân tán trách nhiệm”, Bộ GTVT khẳng định.
Phân tích cụ thể hơn, Bộ GTVT cho rằng, việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải đi liền với tổ chức giao thông, biển báo, người tham gia giao thông, phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải. Xét dưới góc độ quản lý giao thông đường bộ thì đây là mối quan hệ biện chứng, thống nhất.
“Việc xây dựng riêng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ với 3 nội dung: Quy tắc giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông sẽ phá vỡ tính thống nhất, đồng bộ của Luật GTĐB và không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, gây chồng chéo, khó trong quá trình thực thi, không đủ điều kiện để giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan đến trật tự ATGT, đồng thời tăng đầu mối quản lý”, Bộ GTVT khẳng định.
Nhìn nhận tổng thể đối với các chính sách đề xuất của Bộ Công an trong đề nghị xây dựng Luật trật tự ATGT đường bộ, Bộ GTVT cho rằng, các chính sách này không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ, trùng lặp với đề nghị xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi).
Cần tránh vừa đá bóng vừa thổi còi
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Chu Công Minh, Phó Chủ nhiệm bộ môn cầu đường, Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, xu thế trên thế giới là dân sự hóa để chuyên nghiệp hóa lực lượng công an, những nhiệm vụ nào do dân sự đảm nhiệm được thì do dân sự đảm nhiệm, còn lực lượng công an chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tuần tra xử lý vi phạm, bảo vệ pháp luật, đảm bảo an ninh quốc gia. Những nhiệm vụ quản lý về kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, phương tiện, người tham gia giao thông và đưa ra các chính sách nên thống nhất một đầu mối là Bộ chuyên ngành thực hiện. Cần phải tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành với kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Nếu công tác đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện do lực lượng vũ trang quản lý, khó đảm bảo công khai minh bạch, sẽ rất dễ nảy sinh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Các nước trên thế giới gần như không làm thế này. Đa phần các nước quy định tách bạch giữa hai khâu cấp bằng và kiểm tra giám sát. Thực tế trước đây, ngành công an đảm nhận việc tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe sau đó trả về cho ngành giao thông do Quốc hội và Chính phủ khi đó đã nhận ra điều này.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, xu hướng chung của thế giới là dân sự hóa các hoạt động quản lý nhà nước và chuyên nghiệp hóa lực lượng vũ trang. Công an chỉ chuyên tâm tuần tra xử lý vi phạm, bảo vệ pháp luật, đảm bảo an ninh quốc gia. Việt Nam hiện cũng đang thực hiện theo hướng này. Chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành đã có sự phân công rõ ràng. Định hướng chung cũng sẽ tách chức năng hành pháp với tư pháp (tổ chức thực hiện và giám sát).
Năm 1995, khi xem xét chuyển công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX, đăng kiểm từ Bộ Công an sang Bộ GTVT, Quốc hội, Chính phủ khi đó đã cân nhắc rất kỹ mới quyết định. Qua hơn 20 năm tiếp nhận, Bộ GTVT đã chỉ đạo quản lý nhà nước công tác này có bước tiến dài so với thời điểm nhận bàn giao.
Nên giữ nguyên như hiện thời
Theo Bộ GTVT, một số chính sách trong hồ sơ Luật liên quan trực tiếp đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đã được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật GTĐB. Từ đặc thù công tác quản lý ngành cho thấy, ATGT là mục tiêu xuyên suốt đối với các dự án đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, thể hiện ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổ chức thi công, hoàn thành đưa công trình vào khai thác, cơ quan quyết định đầu tư đã định hình và triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm dự án hoàn thành, đưa vào khai thác có tổ chức giao thông khoa học, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Do đó, có thể khẳng định việc tách phân quy tắc giao thông, tổ chức giao thông ra khỏi hoạt động quản lý, đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông thành một quy định riêng là không phù hợp.
Một số chính sách về công tác đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Bên cạnh đó, hiện nay, công tác này được quản lý, hoạt động theo chế định dân sự; thể hiện bằng việc xã hội hóa mạnh mẽ theo hướng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, còn các nhiệm vụ tư nhân có thể đảm nhiệm được thì giao cho tự nhận làm.
Việc xã hội hóa mạnh mẽ công tác trên còn được thể hiện bằng việc Luật Đầu tư quy định kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và kinh doanh dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe ô tô là ngành nghề đầu tư có điều kiện, theo đó tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật sẽ gia nhập thị trường để đầu tư, kinh doanh các ngành nghề này.
Tính đến nay, trên cả nước có trên 100 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, gần 200 cơ sở đào tạo lái xe do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, quản lý, khai thác. Do đó, các chính sách này của Bộ Công an sẽ không phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 17/2007 đã nêu trên và không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Từ những phân tích trên, Bộ GTVT cho rằng chỉ xây dựng một Luật chuyên ngành về giao thông đường bộ, không tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai Luật; tiếp tục duy trì, bảo đảm sự ổn định của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ như hiện nay.