Thời gian qua, nhiều dự án giao thông có mức đầu tư lớn liên tục gặp sự cố về chất lượng công trình, đặc biệt có dự án vừa mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng như dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai), dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi… Điều này đặt ra nghi ngại về chất lượng của các công trình giao thông hiện nay.
Nguyên nhân các sự cố do đâu?
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê có kinh phí gần 250 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, chiều dài hơn 10,8km, khởi công tháng 5/2018 và mới hoàn thành tháng 6/2019. Tuy nhiên, ngày 3/9 vừa qua, dự án đã xuất hiện sụt lún khoảng 130 md (mét dài).
Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, vừa qua, khu vực Gia Lai mưa lớn kéo dài, đặc biệt từ ngày 23/8-3/9, tại địa bàn huyện Chư Sê xảy ra nhiều trận mưa rất lớn nên đoạn đường từ Km10+200-Km10+330 trên tuyến có hiện tượng nền đường ngậm nước, phát sinh hư hỏng nền, mặt đường.
Để xử lý sự cố này, Bộ Giao thông Vận tải đã ra công điện khẩn yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục và tìm ra nguyên nhân, báo cáo Bộ trước ngày 10/9.
Trước đó, một dự án giao thông trọng điểm khác tại miền Trung là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có mức đầu tư trên 34.000 tỷ đồng, sau khi đưa vào khai thác được một năm đã bị hư hỏng, gây dư luận xã hội không tốt.
Cụ thể, sau hơn một năm đưa vào khai thác 65km đầu tuyến thuộc đoạn Đà Nẵng-Tam Kỳ (từ tháng 8/2017), khoảng cuối tháng 9/2018 đã xuất hiện hằn lún; trong đó, nhiều vị trí xuất hiện ổ voi, ổ gà. Ngoài ra, một số cầu, cống chui dân sinh trên tuyến xuất hiện thấm nước...
Một dự án trọng điểm khác cũng gây sự chú ý của dư luận về chất lượng công trình là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ dài 1.440 km, với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.
Nhiều đoạn tuyến của dự án này sau khi đưa vào khai thác đã xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, thậm chí hư hỏng mặt đường diện rộng; trong đó, hư hỏng nhất phải kể đến đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải về hư hỏng của dự án Quốc lộ 1 qua Bình Định và Phú Yên, việc khai thác công trình với mật độ, lưu lượng, tải trọng lớn trên tuyến trong điều kiện mưa, lũ ngập lụt thường xuyên đã gây nên tình trạng hư hỏng mặt đường.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 14/11/2017, trong thời gian thi công đã xảy ra sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng công trình đó là việc nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P28, P29 cầu Vàm Cống (nối tỉnh Đồng Tháp với Cần Thơ).
Điều đáng lưu ý, sự cố này đã làm cho dự án cầu Vàm Cống dự kiến khánh thành sau 4 năm (khởi công tháng 9/2013) nhưng phải mất đến gần 6 năm (ngày 19/5 vừa qua mới khánh thành). Thiệt hại kinh tế do công trình đưa vào khai thác muộn là không hề nhỏ khi dự án được thực hiện bằng vốn vay của Hàn Quốc.
Một sự cố tương tự là việc xuất hiện các vết nứt tại một số trụ, bản mặt phần cầu cạn gói J2, dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành. Theo đó, trong quá trình thi công đã xảy ra hiện tượng nứt xà mũ, bản mặt cầu tại một số vị trí. Chính vì việc này cùng với khó khăn về giải phóng mặt bằng đã cản trở dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ngoài những sự cố nghiêm trọng vừa kể trên, thời gian qua, một số tồn tại về chất lượng công trình xảy ra cục bộ tại các dự án khác cũng gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giao thông như hằn lún trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai, hư hỏng mặt cầu Thăng Long (Hà Nội)...
Đặc biệt, sau nhiều lần sửa chữa với chi phí hàng trăm tỷ đồng nhưng mặt cầu Thăng Long vẫn xuất hiện nhiều sống trâu cao từ 3-5 cm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải vẫn lúng túng tìm giải pháp đảm bảo chất lượng lâu dài cho công trình này.
Chuyển sang lĩnh vực hàng hải, đường thủy, nhiều công trình của ngành giao thông cũng bị đặt ra câu hỏi về chất lượng công trình. Tiêu biểu phải kể đến việc sạt lở bờ tại Dự án Luồng sông Hậu, xói lở tại Dự án kênh Chợ Gạo… chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác.
Lý giải về vấn đề trên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, sau khi bàn giao đưa vào khai thác tuyến luồng, các tàu thuyền lớn di chuyển trên luồng tạo ra sóng tác động vào bờ, biên độ dao động của thủy triều lớn hình thành dòng chảy mạnh. Bên cạnh đó, một số đoạn chưa có kết cấu kè bảo vệ bờ, nền địa chất yếu, chịu tác động của biến đổi khí hậu nên đã xảy ra hiện tượng sạt lở trên một số đoạn.
Trả lời trước Quốc hội về chất lượng công trình giao thông tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận, bên cạnh những công trình đảm bảo chất lượng, tại một số dự án vẫn còn những khiếm khuyết; trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực thi công và ý thức của nhà thầu, chất lượng cục bộ tại một số gói thầu còn hạn chế.
Ngoài ra, vấn đề xe quá tải, mưa lũ, biến đổi khí hậu, mật độ tàu thuyền tăng cao dẫn đến ùn tắc, gây sói lở bờ trên một số kênh đường thủy…
Tuy nhiên, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) lại cho rằng, một số dự án xảy ra hư hỏng là do còn kém trong nhiều khâu quan trọng, đặc biệt là việc tư vấn thiết kế công trình còn nhiều hạn chế. Ví dụ như sự cố sụt lún tại dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh Chư Sê chắc chắn có vấn đề trong khâu khảo sát chưa kỹ nên đã không đánh giá hết được tính chất địa chất tại dự án.
Cũng theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Chủng, một nguyên nhân nữa dẫn đến sự cố chất lượng tại các dự án giao thông đó là trong quá trình thi công, việc quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn dự án. Nhiều công trình triển khai thiếu khoa học, thi công bề bộn.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc chủ đầu tư cho rằng, sự cố có nguyên nhân từ việc hạn chế kinh phí trong quá trình khảo sát thiết kế dự án hoặc do điều kiện tự nhiên như mưa nhiều đó chỉ là sự ngụy biện.
Bởi khi thực hiện một dự án đều phải trải qua các bước tiền khả thi, khả thi và thi công xong có bước nghiệm thu. Trong giai đoạn khả thi, đơn vị tư vấn phải đánh giá khảo sát đầy đủ, toàn diện để đưa ra giải pháp thi công cho dự án.
|
Thi công cầu Vàm Cống. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN) |
Quy trách nhiệm cụ thể về chất lượng công trình
Theo các chuyên gia giao thông, một số công trình giao thông hiện nay thường được phân chia thành nhiều gói thầu và nhiều nhà thầu tham gia, kể cả một số nhà thầu nhỏ năng lực hạn chế đang gây ra nhiều khó khăn cho quản lý chất lượng dự án.
Vì vậy, muốn chất lượng công trình được nâng cao cần phải rà soát lại các khâu chính sách nhằm quản lý chất lượng theo hướng minh bạch, đơn vị nào làm sai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, cần xác định rõ trách nhiệm của chủ thể tham gia bảo đảm chất lượng công trình, đặc biệt là khâu tư vấn giám sát. Đặc biệt, cần thống nhất từ quản lý chất lượng giám sát xây dựng của chủ đầu tư để kiểm tra các nhà thầu và tư vấn giám sát tại hiện trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến chất lượng, tiến độ công trình giao thông. Nâng cao chất lượng trong khảo sát, thiết kế, chuẩn bị dự án đầu tư. Thực hiện chặt chẽ khâu tuyển chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của dự án để chuẩn bị dự án.
Đối với các dự án, công trình lớn, công nghệ mới, phức tạp mà các doanh nghiệp trong nước chưa tự chủ được cần thuê tư vấn, chuyên gia nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm đưa ra kế hoạch triển khai phù hợp.
Cụ thể như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, lựa chọn nhà đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Mỹ Thuận 2... vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đều mời các tư vấn quốc tế lớn, có kinh nghiệm tham gia, tư vấn cho các dự án.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng cho hay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đối với các chủ thể tham gia dự án, gắn trách nhiệm người đứng đầu các chủ thể đối với kết quả, hiệu quả thực hiện các dự án. Kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng…
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Chủng cho rằng, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật và hệ thống văn bản pháp luật quy định về chất lượng công trình nói chung và giao thông nói riêng khá đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những người thực hiện có tuân thủ hay không. Do đó, cơ quan nhà nước cần tăng cường giám sát để sự tuân thủ này ở mức cao nhất.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý các sự cố về chất lượng công trình phải xử lý tới cùng, tìm ra nguyên nhân để quy trách nhiệm cá nhân, tập thể trực tiếp gây ra lỗi để kỷ luật. Nếu cá nhân, tập thể nào sai đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, từ đó mới có tính chất răn đe, đảm bảo sự tuân thủ nghiêm chỉnh về chất lượng công trình.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, việc nhiều công trình giao thông xảy ra sự cố về chất lượng đã làm mất niềm tin từ người dân, làm tăng chi phí của xã hội trong việc khắc phục hậu quả. Đặc biệt, khi công trình bị sự cố thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác, đây là thiệt hại lớn nhất. Giải pháp cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật và hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công để đưa ra mức phạt đảm bảo các nhà thầu phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về đảm bảo chất lượng công trình.
Nhìn dưới góc độ xã hội, luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, cần phát huy sự kiểm tra, giám sát của xã hội; nâng cao hiệu quả truyền thông, thông tin đến xã hội, người dân được biết để từ đó huy động và duy trì sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong việc tham gia giám sát, phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng các công trình nói chung và công trình giao thông nói riêng.