Những chiếc container đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu, thông qua việc vận chuyển lượng hàng hóa khổng lồ. Do vậy, nếu lưu thông container chậm lại, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng.
Trả lời phỏng vấn của CNBC, Simon Heaney, chuyên gia cấp cao về nghiên cứu container tại công ty tư vấn và nghiên cứu hàng hải Drewry, cho biết: “Thời gian là yếu tố quan trọng nhất trong vận hành container. Bạn phải di chuyển một container từ nơi xuất phát đến điểm đích rồi sau đó quay trở lại điểm xuất phát một cách nhanh chóng và hiệu quả”.
|
Một tàu container đi qua kênh đào Suez. Ảnh: Getty Image |
Gián đoạn chuỗi cung ứng
Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, gián đoạn thương mại toàn cầu có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, thúc đẩy lạm phát, gia tăng áp lực đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã chiếm đến 60% trong số các nguyên nhân khiến lạm phát tại Mỹ tăng cao trong hai năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
John Fossey, nhà phân tích cấp cao về container tại Drewry, cho biết: “Nhiều người đột nhiên nhận ra tầm quan trọng của container đối với việc đảm bảo giá cả ổn định, tránh rủi ro lạm phát”.
Một nghiên cứu của Nhà Trắng về nền kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát hạ nhiệt phần lớn do sự phục hồi của chuỗi cung ứng. Cụ thể, yếu tố này đã đóng góp đến hơn 80% trong những tiến bộ mà nền kinh tế số một thế giới đạt được đối với cuộc chiến chống lạm phát.
Tuy vậy, những xung đột gần đây đang đặt chuỗi cung ứng toàn cầu vào tình trạng báo động. Một trong số đó là tình trạng thiếu hụt các container.
Goetz Alebrand, người đứng đầu bộ phận vận tải đường biển tại DHL Global Fowarding, cho biết: “Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, chúng tôi đã đối diện với việc thiếu hụt container nghiêm trọng do tình trạng mắc kẹt trong các kho bãi đường sắt hay tại các cảng giao nhận”.
Gần đây, các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào tàu vận chuyển tại Biển Đỏ cũng một lần nữa làm dấy lên tình trạng này.
Không những vậy, xung đột này đã buộc các hãng vận tải phải chuyển hướng khỏi kênh đào Suez sang tuyến đường quanh Mũi Hảo Vọng với quãng đường dài hơn, kéo dài các chuyến tàu giữa châu Á và châu Âu thêm hai tuần. Chẳng hạn, theo tính toán của EIU, việc vận chuyển hàng hóa từ châu Âu sang Malaysia thông qua tuyến quanh Mũi Hảo Vọng lên đến 56 ngày, lớn hơn nhiều so với con số 32 ngày khi đi qua kênh đào Suez. Thời gian vận chuyển đến Trung Quốc tăng từ 42 lên đến 55 ngày.
John McCown, thành viên tại Trung tâm Chiến lược Hàng hải, nói với CNBC: “Đi qua mũi Hảo Vọng của châu Phi đồng nghĩa với việc quãng đường di chuyển tăng thêm 1/3 so với khi đi qua kênh đào Suez”.
Việc di chuyển trên quãng đường dài hơn sẽ khiến các hãng vận tải phải chịu thêm chi phí nhiên liệu, từ đó gia tăng đơn giá vận chuyển. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển toàn cầu cho mỗi container 40 feet tiêu chuẩn có giá trị hơn 3.780 USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Đối với một container cùng cỡ đi từ Thượng Hải, Trung Quốc đến Rotterdam, Hà Lan, chi phí đã tăng 158% so với một năm trước, ở mức 4.426 USD.
Ngoài ra, căng thẳng tại Biển Đỏ cũng khiến các hãng tàu không đáp ứng kịp thời kế hoạch vận chuyển, dẫn đến sự chậm trễ trong việc trả lại container cho các quốc gia cho thuê, chẳng hạn như Trung Quốc, để tiếp tục thực hiện hoạt động xuất khẩu tiếp theo.
Theo Ủy ban Hàng hải Liên bang, Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về xuất khẩu, đồng thời chiếm hơn 95% sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng container.
“Các nước châu Á từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của xuất khẩu đối với phát triển nền kinh tế. Nếu muốn xuất khẩu hàng hóa hiệu quả, họ cần phải đảm bảo hệ thống vận chuyển hoạt động tốt” – McCown cho biết.
Tùng Lâm