Nối lại chuyến bay thương mại quốc tế: Vì sao vẫn tắc?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đã ngót một tháng trôi qua kể từ khi “cánh cửa bầu trời” chính thức được mở. Tuy nhiên, việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ vẫn bị “tắc” do thiếu quy trình cách ly phòng dịch.

Cả tháng chỉ có 3 chuyến bay
Ngày 19/9, chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên chính thức cất cánh từ TP Hồ Chí Minh đi Nhật Bản. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, với rất nhiều kỳ vọng về một tương lai mới đầy tươi sáng cho ngành hàng không sau một thời gian dài bị ngừng trệ bởi dịch bệnh Covid-19. Đến ngày 25/9, chuyến bay thương mại quốc tế thứ hai được thực hiện thành công cất cánh từ Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hạ cánh tại Sân bay Nội Bài.
Noi lai chuyen bay thuong mai quoc te: Vi sao van tac? - Hinh anh 1
Việc chậm trễ ban hành quy trình cách ly phòng dịch là nguyên nhân khiến ''cánh cửa bầu trời'' bị tắc. Ảnh: Giang Huy

Đánh giá về sự kiện quan trọng này, một lãnh đạo của Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, đây không chỉ là chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về Việt Nam sau thời gian ảnh hưởng vì Covid-19, mà còn là chuyến bay thí điểm nhằm đánh giá năng lực khai thác, tiếp nhận trở lại khách quốc tế của cả ngành hàng không. Mới nhất, vào ngày 30/9, một chuyến bay khác cũng xuất phát từ Hàn Quốc đi TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công chở theo 158 khách đến Việt Nam. Hàng trăm cán bộ nhân viên cảng vụ, cảng hàng không, xuất nhập cảnh, an ninh, y tế, hậu cần tại Sân bay Tân Sơn Nhất đã tập trung hỗ trợ hành khách của chuyến bay này.

Tuy nhiên, từ 30/9 đến nay đã không có thêm bất cứ một chuyến bay thương mại quốc tế nào khác được thực hiện. Như vậy, trong suốt gần một tháng qua tính từ thời điểm Chính phủ quyết định mở lại đường bay quốc tế mới có 3 chuyến bay được thực hiện với tổng số khoảng 360 hành khách. Đây là con số quá ít ỏi so với những chờ đợi và kỳ vọng về một “cánh cửa bầu trời” được rộng mở để các chuyến bay quốc tế được “thỏa sức tung cánh” sau một thời gian dài bị ngưng trệ.
Còn chậm đến bao giờ?
Nguyên nhân chính khiến cho “cánh cửa bầu trời” của Việt Nam chưa mở rộng chính bởi không “chốt” được quy trình cách ly phòng dịch. Điều này đã gây ra những rắc rối ngay từ thời điểm chuyến bay đầu tiên chở khách từ Hàn Quốc đến vào cuối tháng 9/2020 khi đã xảy ra những tranh cãi liên quan đến chi phí cách ly. Nhiều chuyên gia chung nhận định, sau gần một tháng trôi qua mà vẫn chưa có quy trình cách ly thống nhất cho toàn quốc là quá chậm.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, sự chậm trễ trong việc “chốt” quy trình cách ly chứng tỏ các các bộ, ngành liên quan chưa thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành không tốt. Đúng ra từ thời điểm đưa ra đề xuất mở lại đường bay quốc tế, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan khác như Bộ Y tế, Bộ Công an, Tổng cục Du lịch... đã phải cùng ngồi lại với nhau bàn bạc, thống nhất quy trình phòng dịch. Đến khi Chính phủ quyết định mở lại đường bay quốc tế vào tháng 9/2020, quy trình này đã phải có sẵn để áp dụng trên toàn quốc cũng như thống nhất với các nước đối tác.
PGS.TS Ngô Trí Long còn đưa ra một thông tin rất đáng chú ý là ngày 30/9, khi thực hiện chuyến bay quốc tế từ Hàn Quốc về Việt Nam, hãng hàng không Vietjet Air đã phải tự chủ động đi tìm, giới thiệu các khách sạn với mức giá khác nhau cho khách lựa chọn, cách ly. Điều này đã nói lên sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng. 
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không cho rằng, việc thống nhất quy trình cách ly phòng dịch trên thực tế không trở nên khó khăn đến vậy nếu như các cơ quan có trách nhiệm thực hiện làm đúng trách nhiệm.
“Bây giờ các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng xắn tay vào cuộc, phối hợp xây dựng các quy định, quy trình đón khách, cách ly, kiểm soát dịch. Đây là việc làm hỏa tốc bởi nếu tiếp tục chậm trễ sẽ không chỉ khiến cơ hội đoàn tụ của hàng vạn đồng bào bị trì hoãn mà còn lỡ cơ hội phục hồi hàng không, du lịch và lớn hơn là phát triển kinh tế” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định.
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Y tế vừa đưa ra quy trình nhập cảnh đối với từng nhóm người trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bản dự thảo quy trình nhập cảnh và giám sát cách ly y tế đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ và đang trong quá trình lấy ý kiến. Chỉ đến khi bản dự thảo này được thông qua và một quy trình nhập cảnh, cách ly phòng dịch chính thức được ban hành thì “điểm tắc nghẽn” đang khiến “cánh cửa bầu trời” bị mắc kẹt mới được tháo gỡ và đường bay quốc tế lúc đó mới thật sự được thông.

Việt Nam có thể học theo cách làm của các nước như Thái Lan, Singapore... khi tạo ra những “travel bubbles” (khối, cụm du lịch an toàn). Đây là những thỏa thuận song phương hoặc đa phương để quy định rõ về trách nhiệm của nước khởi hành, nước đón khách làm sao đủ chi tiết, chất lượng về yêu cầu phòng và kiểm soát dịch. Chỉ khi nào việc mở hàng không quốc tế dựa trên những thỏa thuận chi tiết như thế mới tạo được niềm tin cho hành khách.

TS Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không

Quý Nguyễn

Tin liên quan