Trong lúc chờ đợi hoàn thành, những công trình này đang dần trở thành các bãi rác khổng lồ, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan và sức khỏe cộng đồng.
Biến các dự án thành bãi rác công cộng
Tình trạng các dự án giao thông bị đình trệ không phải là hiện tượng mới. Vì nhiều lý do khác nhau, từ thiếu vốn đầu tư đến những vướng mắc trong thủ tục pháp lý… nên những dự án này rơi vào cảnh "chết lâm sàng". Một trong những ví dụ điển hình là dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông bị đình trệ, chậm quá trình thi công đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Cách đây chỉ vài năm, khi giai đoạn 1 của dự án đang trong bước “chạy nước rút”, nhiều đoạn tuyến chạy qua khu vực miền Trung bị chậm tiến độ, cụ thể là đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Đến khi giai đoạn 2 của cao tốc Bắc – Nam phía Đông triển khai, tình trạng chậm tiến độ lại xuất hiện, nhất là các đoạn tuyến chạy qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do chậm tiến độ, những khu vực này trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng dư thừa và rác thải. Người dân sống xung quanh không chỉ phải chịu đựng tiếng ồn và bụi bặm từ công trình mà còn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng từ lượng rác thải sinh hoạt và chất thải xây dựng tràn lan khắp nơi.
Tại Hà Nội, một trong những dự án chậm tiến độ có thể kể đến là dự án đường Vành đai 3.5. Với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, tuyến đường được kỳ vọng sẽ cải thiện giao thông liên vùng, giúp kết nối khu vực phía Tây Nam của Thủ đô nhưng sau nhiều năm triển khai, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, và nhiều đoạn đường hiện rơi vào tình trạng ngổn ngang. Nhiều điểm trên tuyến đường Vành đai 3.5 đang bị chiếm dụng làm nơi đổ trộm rác thải. Các bãi đất trống, đoạn đường chưa hoàn thiện đã trở thành "thiên đường" cho các hoạt động đổ rác tự phát. Hay như dự án nâng cấp tỉnh lộ 414C đi qua xã Thuần Mỹ (nối Khu du lịch Suối Hai với Khu du lịch nước khoáng nóng Thuần Mỹ) nằm trên địa phận huyện Ba Vì cũng vì chậm tiến độ đã trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm bụi.
Hệ lụy dễ nhận thấy nhất từ việc chậm tiến độ các dự án giao thông là tình trạng xả rác tự phát tại những khu vực này. Khi các dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài, những khu vực xung quanh nhanh chóng biến thành nơi đổ rác bừa bãi, cả từ người dân lẫn từ chính các công nhân thi công. Không chỉ gây ô nhiễm không khí, những bãi rác tự phát này còn gây ra ô nhiễm nguồn nước khi nước mưa cuốn theo các chất độc hại ngấm vào đất và sông ngòi. Hình ảnh nhếch nhác tại những dự án cũng đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân địa phương. Không ít hộ gia đình phải sống trong bầu không khí đầy bụi bặm và mùi hôi thối từ các bãi rác tự phát, đặc biệt là vào mùa Hè khi nhiệt độ tăng cao. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân mà còn làm tăng nguy cơ bùng phát các loại bệnh tật liên quan đến môi trường, như các bệnh về hô hấp và bệnh dịch từ côn trùng.
Nâng cao cơ chế quản lý, giám sát và phối hợp
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án giao thông chậm tiến độ trở thành các bãi rác tự phát bắt nguồn từ khó khăn trong công tác quản lý các công trình này mà nguyên nhân sâu xa đến từ việc thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan. Chính quyền địa phương, các nhà thầu và đơn vị thi công thường không có sự trao đổi chặt chẽ về các biện pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong những giai đoạn công trình bị tạm dừng. Hậu quả là các công trình này nhanh chóng trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, trong khi đó các biện pháp xử lý từ phía chính quyền lại không kịp thời hoặc thiếu hiệu quả. Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các dự án giao thông chậm tiến độ, các địa phương cần có những biện pháp mạnh mẽ và kịp thời hơn. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và chính quyền địa phương cần phải được nâng cao hơn nữa. “Cần tăng cường công tác phối hợp và công tác giám sát của chủ đầu tư các dự án và chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua” – PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nói.
Theo chuyên gia Bùi Thị An, để xử lý tình trạng xả rác tại các các dự án giao thông chậm tiến độ cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, trong đó quan trọng nhất vẫn là chủ đầu tư dự án – đơn vị chịu trách nhiệm lớn nhất về công tác quản lý đối với dự án và chính quyền địa phương – đơn vị chịu trách nhiệm lớn nhất về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn. “Đây là giải pháp quan trọng nhất. Không có cách nào khác ngoài hai đơn vị trên phải tăng cường công tác quản lý và phối hợp với nhau để ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác tại các dự án” – PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.
Ngoài nâng cao công tác quản lý Nhà nước tại các dự án, các chuyên gia cho rằng, để chấm dứt câu chuyện dự án giao thông chậm tiến độ trở thành các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, cần thiết lập lực lượng giám sát môi trường chuyên trách, tập trung vào việc kiểm tra và giám sát các dự án đang đình trệ. Các biện pháp thu gom và xử lý rác thải tại các khu vực này cần được triển khai đồng bộ, tránh để tình trạng xả rác bừa bãi diễn ra trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt cần được áp dụng một cách nghiêm khắc và hiệu quả hơn. Việc xử phạt không chỉ nên dừng lại ở mức độ phạt tiền mà cần có những biện pháp răn đe mang tính dài hạn như đình chỉ hoạt động của các đơn vị thi công không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Về lâu dài, các dự án giao thông cần được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để tránh kéo dài tình trạng ô nhiễm môi trường. Để làm được điều này, các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà thầu và các đơn vị thi công. Đồng thời, việc quy hoạch và quản lý các dự án giao thông cũng cần phải tính đến các yếu tố môi trường từ đầu, bảo đảm rằng các khu vực thi công luôn được bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực đối với cộng đồng xung quanh.
Nguyễn Quý