|
Các hãng hàng không đã sẵn sàng cho những chuyến bay quốc tế (Ảnh: Hòa Thắng). |
Bài học từ ca nhiễm Omicron đầu tiên
Ngày 28/12, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Trung tâm Nghiên cứu y học Việt Đức), Bộ Y tế xác nhận về ca nhiễm Covid-19 với biến chủng Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Đó là trường hợp một hành khách từ Anh nhập cảnh vào nước ta qua đường hàng không.
Hiện người này đã được cách ly và theo dõi y tế và không có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Tuy nhiên, việc ca nhiễm biến chủng Omicron xuất hiện đúng vào những ngày cuối cùng của năm 2021 đã dấy lên những lo ngại về sự ảnh hưởng của dịch bệnh tới kế hoạch “mở cửa bầu trời” sẽ được triển khai từ 1/1/2022 của ngành hàng không.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không cho rằng, mối đe dọa mang tên Omicron đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chiến lược trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng siết chặt biện pháp đảm bảo an toàn để tránh dịch lây lan.
Chuyên gia này lấy ví dụ điển hình tại Australia khi hai bang đông dân nhất của quốc gia này là New South Wales và Victoria đã áp dụng trở lại các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch Covid-19 như tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giới hạn số khách tới dự các sự kiện.
“Nhiều quốc gia khác cũng có hành động tương tự trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói và nhận định, việc nhiều quốc gia siết chặt những biện pháp phòng, chống dịch là rất cần thiết bởi sự nguy hiểm của biến chủng Omicron đã được các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới cảnh báo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Tống, điều này không có nghĩa là kế hoạch “mở cửa bầu trời” của ngành hàng không nước ta sẽ bị ảnh hưởng lớn khi phát hiện ca nhiễm Omicron trong nước. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích, kế hoạch “mở cửa bầu trời” được chúng ta xây dựng trong một thời gian dài với nhiều kịch bản cụ thể, công phu, trong đó có cả sự chuẩn bị cho những tình huống xấu khi Covif-19 diễn biến phức tạp hơn. Điều này đảm bảo cho sự vận hành của kế hoạch kể cả khi biến chủng Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam.
“Khi hành khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, ngoài việc tiêm đủ mũi vaccine ngừa Covid-19 thì cũng cần được test Covid-19 ngay khi vừa bước xuống máy bay” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khuyến nghị và khẳng định, việc test Covid-19 với hành khách nhập cảnh ngay sau khi xuống máy bay sẽ giúp sàng lọc được những trường hợp nguy cơ mắc bệnh. Điều này đã được chứng minh qua trường hợp ca nhiễm Omicron đầu tiên vừa phát hiện tại Việt Nam.
|
Nhu cầu về nước của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn (Ảnh: Lê Thanh). |
Bất chấp Omicron, hàng không đã sẵn sàng “mở cửa bầu trời”
Cùng thời điểm phát hiện ra ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở nước ta, Cục Hàng không Việt Nam cũng có văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách. Đáng chú ý, trong văn bản này, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tăng tần suất khai thác đường bay quốc tế tại 3 nước, vùng lãnh thổ là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Lý do Cục Hàng không Việt Nam đưa ra là nhu cầu về nước bằng đường hàng không của kiều báo Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn nên việc tăng tần suất khai khác như vậy là cần thiết để đáp ứng nhu cầu hành khách cũng như tránh các bức xúc có thể xảy ra do tải cung ứng chuyến bay thương mại thường lệ quá hạn chế.
Điều này cho thấy, ngành hàng không đã có sự chuẩn bị kĩ càng cho ngày “mở cửa bầu trời” bởi nếu không có sự chuẩn bị kỹ, Cục Hàng không Việt Nam sẽ không thể tự tin đưa ra đề xuất tăng tần suất khai thác đường bay quốc tế khi mà kế hoạch “mở cửa bầu trời” còn chưa chính thức triển khai cộng với việc biến chủng Omicron vừa chính thức xuất hiện tại Việt Nam.
TS Lương Hoài Nam – Chuyên gia hàng không cho rằng, việc biến chủng Omicron xuất hiện ngay trước thời điểm Việt Nam triển khai kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ là tình huống đặt ra yêu cầu việc khôi phục đường bay quốc tế cần phân rõ các đối tượng hành khách khác nhau để xử lý cho mạch lạc và phù hợp.
Theo chuyên gia hàng không này, đây là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn. Do đó, họ cũng chính là đối tượng hành khách cần ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, những người nước ngoài có nhu cầu đến Việt Nam ngắn ngày để đầu tư kinh doanh cũng là những đối tượng cần được ưu tiên.
TS Lương Hoài Nam cho hay, trong thời gian vừa qua khi đường bay quốc tế tạm đóng cửa, không ít người Việt Nam muốn hồi hương đã buộc phải bỏ ra những chí phí rất lớn, lên tới hàng trăm triệu đồng để về nước thông qua các chuyến bay giải cứu hoặc chuyến bay combo của hãng hàng không Việt Nam. Bây giờ, khi “cánh cửa bầu trời” sắp được mở, họ cần là những người được ưu tiên.
Chuyên gia Lương Hoài Nam cũng cho rằng, khi hành khách về đến sân bay Việt Nam thì test Covid-19 ngay tại sân bay và theo dõi sức khỏe tại nhà 3 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. TS Lương Hoài Nam khẳng định, cách làm này vừa đảm bảo ngăn chặn biến chủng Omicron, vừa giúp hạ giá vé trên những chặng bay quốc tế.
Chúng ta không thể chắc chắn khi nào dịch kết thúc. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đang được củng cố. Nhiều nước ở trạng thái như Việt Nam đã và đang mở đường bay quốc tế như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã phục hồi.
Chuyên gia kinh tế, GS. TS Trần Thọ Đạt
|