“Ong thủ” vì tiếng còi xe

TUẤN DƯƠNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong khi còn 4 - 5 giây là hết đèn đỏ, một tràng tiếng còi xe inh ỏi vang lên, từ các xe phía sau giục các phương tiện phía trước di chuyển khiến nhiều người giật mình...

“Ong thu” vi tieng coi xe - Hinh anh 1
Tình trạng đèn đỏ chỉ còn 4 - 5 giây nhiều phương tiện bám còi inh ỏi xin nhường đường diễn ra thường xuyên.

Còn vài giây là bấm còi

Vào giờ cao điểm, tại các tuyến đường trong đô thị, hay tại các nút giao cắt luôn tràn ngập tiếng bấm còi. Người ta bấm còi bất cứ khi nào có thể, giục giã người đằng trước đi nhanh, muốn vượt, muốn rẽ và ngay cả khi đang đèn đỏ, hoặc đang tắc đường. Nhiều người tham gia giao thông cảm thấy mệt mỏi và ức chế khi vừa phải chịu đựng cảnh tắc đường, vừa phải chịu đựng những tiếng còi xe.

Anh Phạm Tuấn Linh (trú tại Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trên cung đường anh đi làm đến công ty tại quận Cầu Giấy đi qua không ít ngã ba, ngã tư nên thường xuyên gặp tắc đường vào giờ cao điểm sáng, chiều. Đường tắc, phương tiện ken cứng nhau dừng đèn đỏ, nhưng khi còn khoảng 3 - 4 giây cuối mới chuyển xanh mà phía sau cứ bóp kèn hối thúc inh ỏi hay người phía sau cứ bóp kèn xin nhường đường cho rẽ phải.

"Thậm chí có người còn lườm nguýt, sử dụng ngôn ngữ thiếu văn hoá, mạt sát nếu xe phía trước không chịu nhường. Tôi rất lấy làm lạ là có nhiều người sẵn sàng bỏ hàng tiếng đồng hồ cà kê để uống cà phê, trà đá với những câu chuyện "trên trời dưới biển", thế nhưng lại rất thiếu kiên nhẫn dù chỉ vài giây dừng đèn đỏ" - anh Linh chia sẻ.

Còn với chị Nguyễn Thanh Nga (trú tại Khâm Thiên, quận Đống Đa) đã không ít lần bị giật mình vì tiếng còi từ phía sau. "Chị em phụ nữ chân yếu tay mềm mà nhiều tài xế xe tải, xe buýt bấm còi lỡ giật mình ngã xuống đường thì sao? Chưa kể nhiều chị có bầu hoặc là chở con nhỏ trên xe" - chị Nga bức xúc nói.

Còi xe là thiết bị bắt buộc phải lắp đặt trên các phương tiện cơ giới, với chức năng hướng sự chú ý của người tham gia giao thông khi cảnh báo về mức độ nguy hiểm hay đơn giản là làm hiệu lệnh. Tuy nhiên, không ít người tham gia giao thông hiện nay sử dụng còi xe tùy tiện mà không nghĩ tới ảnh hưởng, tác động của nó với sức khỏe, tâm lý, thậm chí là cả tính mạng của người đi đường. Sử dụng còi xe đúng lúc, đúng chỗ và có văn hóa không phải là chuyện nhỏ.

Nhiều chuyên gia giao thông nhận định, hiện nay, tại những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người dân không chỉ đối mặt với ô nhiễm không khí mà còn phải chịu sức ép từ ô nhiễm tiếng ồn. Vào giờ cao điểm, tình trạng sử dụng còi xe bừa bãi xảy ra ở hầu khắp các tuyến phố có lưu lượng người tham gia giao thông lớn. Cá biệt, một số đoạn đường lưu lượng phương tiện ít nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen bấm còi khiến nhiều người bức xúc.

Thiếu công cụ xử phạt

Nguy hiểm hơn, việc sử dụng còi xe tùy tiện hoặc gắn còi xe với âm lượng lớn còn trở thành hung thủ gián tiếp gây mâu thuẫn, xô xát hoặc giật mình, mất lái cho người đi đường, tiềm ẩn những hậu quả đáng tiếc.

Không hiếm những trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng như xe thì cố chạy đèn vàng, hay thiếu kiên nhẫn với vài giây đèn đỏ cuối cùng. Việc bấm còi loạn lên để giục những xe phía trước chuyển bánh vừa vô ý thức, vừa là hành vi "đẩy" nguy hiểm cho người khác.

Khoa học đã chứng minh, nếu thường xuyên tiếp xúc với độ ồn trên 75dB trong một thời gian dài sẽ khiến con người hay cáu bẳn, khó chịu và gây gổ. Về lâu dài, nếu thường xuyên phải sống trong môi trường nhiều tiếng ồn, rất dễ làm cho con người bị đãng trí, ít có phản xạ với âm thanh xung quanh.

“Ong thu” vi tieng coi xe - Hinh anh 2
 Mặc dù mức xử phạt cho việc sử dụng còi xe đã có nhưng lực lượng chức năng thiếu các thiết bị hỗ trợ.

Mặc dù quy định của pháp luật đối với việc sử dụng còi xe đã tương đối đầy đủ nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, việc xử phạt những người điều khiển giao thông vi phạm quy định về còi xe còn nhiều khó khăn do trong quá trình phát hiện, xử lý phương tiện giao thông lực lượng chức năng còn thiếu các thiết bị đo âm lượng.

Một cán bộ Thanh tra GTVT chia sẻ, tại nhiều khu vực, nút giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện lớn, việc xử phạt rất dễ gây ra ùn tắc giao thông. Cùng với đó, mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

"Vì vậy, cần quy định cụ thể về những trường hợp được sử dụng còi, cách thức sử dụng và đơn vị chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý; nghiên cứu, tăng mức phạt đối với chủ phương tiện sử dụng còi cũng như người bán các loại còi không đúng quy định, bảo đảm đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, thiết bị đo âm lượng, phương tiện đo độ ồn,… giúp cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ" - vị cán bộ này thông tin.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó Mục 1 Chương II quy định xử phạt vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi “bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm g khoản 1 Điều 5); từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi “bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm b khoản 3 Điều 5).

Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi “bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm n khoản 1 Điều 6); từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi “bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (điểm c khoản 3 Điều 6).

 

Tin liên quan