|
Ùn tắc kéo dài từ sáng sớm trên trục đường Trần Phú - Nguyễn Trãi. Ảnh: Yến Dư. |
Giờ cao điểm, hàng trăm, hàng nghìn ô tô dàn hàng che kín mặt đường, xe máy lao lên vỉa hè; xe buýt bị ép “chết dí” giữa dòng phương tiện, không biết xoay xở vào đâu. Nhìn từ thực tế cho thấy, con số vi phạm bị xử lý vẫn chẳng thấm vào đâu so với lượng người vi phạm. Hiện tượng vượt đèn đỏ; dừng đỗ sai quy định, đi xe lên vỉa hè; lấn chiếm hành lang giao thông để kinh doanh… diễn ra nhiều vô kể, đặc biệt là trong giờ cao điểm và tại khu vực nội đô. Có thể khẳng định, việc xử phạt vi phạm giao thông thời gian qua đã chưa mang lại hiệu quả cao.
Những câu trả lời thường thấy nhất của lực lượng chức năng Hà Nội cho tình trạng này là thiếu chế tài xử phạt; lực lượng mỏng; ý thức người dân chưa cao; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả; mức phạt chưa đủ răn đe… Tuy nhiên, vấn đề trách nhiệm lại chưa được ai thẳng thắn nhìn nhận. Đơn cử như mức phạt cho lỗi vượt đèn đỏ khi đi xe máy là 300.000 - 400.000 đồng; đi ô tô là 1.200.000 - 2.000.000 đồng.
Đối với đa số người dân, có thể khẳng định, mức phạt này là nặng và đủ để răn đe. Vấn đề là lỗi cố tình vi phạm có bị xử phạt nghiêm hay không mà thôi. Nhiều lực lượng chức năng cho rằng, trong giờ cao điểm phải tập trung điều tiết giao thông, hoặc dừng xe xử phạt có thể gây ùn tắc thêm… Nhưng đây là sự biện minh tiếp tay cho các hành vi vi phạm bởi giờ cao điểm vi phạm giao thông mới diễn ra nhiều nhất, nếu không xử phạt sẽ dẫn đến coi thường pháp luật và không bao giờ giải quyết dứt điểm được tình trạng giao thông hỗn loạn.
Nhiều người dân vẫn thường truyền nhau xem những hình ảnh giao thông ngay hàng, thẳng lối ở các đô thị văn minh, phát triển trên thế giới. Nền nếp và văn minh ấy không đơn thuần chỉ đến từ công tác tuyên truyền, vận động. Hà Nội sẽ chẳng bao giờ có những con đường mà xe cộ nối nhau đi thành hàng trong trật tự nếu người tham gia giao thông không thượng tôn pháp luật.
Việc xử phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội còn chưa nghiêm cũng vì chưa công bằng. Người này có thể bị phạt nặng, người kia lại nhờ quan hệ, nhờ đút lót mà được tha bổng. Đó không phải lỗi của cơ chế, chính sách, không phải lỗi của người dân, mà là lỗi của những người thực thi công vụ đã không dám đương đầu với cái xấu, cái sai để bảo vệ lẽ phải. Như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói tại buổi làm việc với Sở GTVT cuối tuần qua: “Xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật mới tạo nên kỷ cương và công bằng xã hội. Nếu chỉ tuyên truyền mà không xử phạt thì không thể giữ gìn được trật tự, ATGT”.