Phân hạng bằng lái theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Cách làm ngược, thiếu khoa học

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi có lẽ là một trong những văn bản dự thảo luật gây ra nhiều tranh cãi nhất trong thời gian qua.

Nguyên nhân bắt nguồn từ những đề xuất đầy tính bất ngờ và nghịch lý từ đơn vị soạn thảo. Mới nhất, đề xuất phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) từ 12 hạng theo quy định hiện hành lên tới 17 hạng.
Đẩy người dân vào tình trạng dở khóc, dở cười
Theo Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, trong tổng số 17 hạng GPLX có tới 13 hạng có thời hạn và 4 hạng không thời hạn. Trong đó, điều gây tranh cãi nhất liên quan đến GPLX của xe máy – loại phương tiện thông dụng và chiếm số lượng lớn nhất nước ta hiện nay.
Cụ thể là quy định đối với GPLX hạng A1. Theo quy định hiện hành, người có GPLX hạng A1 được điều khiển xe có dung tích xy - lanh từ trên 50cc đến dưới 175cc. Tuy nhiên, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi lại chỉ cho phép người có GPLX hạng A1 được điều khiển xe có dung tích xy - lanh đến 125cc và động cơ điện có công suất từ 4 đến 11kW.
Nếu muốn điều khiển xe có dung tích trên 125 cc hoặc có động cơ điện công suất trên 11kW phải thi GPLX hạng A. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng ngàn hoặc thậm chí hàng triệu người đang sử dụng các loại xe trên 125cc như Honda SH 150, Airblade 150, Honda Winner, Yamaha Exciter 135 hay 150 cc và Yamaha NVX sẽ phải thi thêm GPLX hạng A hoặc chấp nhận để những chiếc xe đắt tiền của mình xếp xó.
Không chỉ xe 2 bánh, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi còn đưa ra những quy định rất khó hiểu đối với xe ô tô. Một trong những đề xuất khó hiểu này là quy định người có GPLX hạng B1 không được điều khiển ô tô nữa, phải chỉ được lái xe mô tô 3 bánh hoặc các loại xe quy định cho GPLX hạng A0, A1.
Bên cạnh đó, GPLX hạng B2 cũng được điều chỉnh là chỉ cấp cho người điều khiển xe số tự động. Nếu muốn được điều khiển thêm xe số sàn cho cùng hạng B2 sẽ phải thi để cấp thêm GPLX hạng B. Đây chưa phải là tất cả những đề xuất bất ngờ trong bản dự thảo Luật GTĐB sửa đổi liên quan đến phân hạng GPLX. Tuy nhiên, chỉ riêng những đề xuất “khó đỡ” trên, nếu dự thảo Luật GTĐB sửa đổi được thông qua, sẽ có rất nhiều người dân rơi phải tình trạng dở khóc, dở cười.
Ngay sau khi những thông tin liên quan đến việc phân hạng GPLX trong bản dự thảo Luật GTĐB sửa đổi được đưa ra, rất nhiều ý kiến phản ứng đã xuất hiện từ chính những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp của những đề xuất này cũng như từ giới chuyên gia. Anh Lê Đức Hà (SN 1984, trú tại phường Phương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết, hiện anh đang sử dụng một chiếc Honda SH 150 làm phương tiện đi lại hàng ngày. Khi đọc thấy thông tin sắp tới sẽ phải thi thêm GPLX khác mới được tiếp tục sử dụng chiếc xe máy của mình, anh Hà rất sốc và bức xúc.
“Tôi có bằng A1 gần hai chục năm nay còn chiếc xe Honda SH 150 tôi mới mua cách đây không lâu. Giờ tự dưng bắt tôi thi thêm bằng lái nữa mới được sử dụng phương tiện của mình. Thật quá vô lý” – anh Hà nói và cho rằng, trên thực tế xe máy từ 110cc trở xuống đến 150cc hiện nay gần như không có nhiều khác biệt ngoài việc tốc độ. Nhưng khác biệt này không quan trọng bởi trên tất cả các cung đường đều đã có quy định cụ thể về tốc độ cho phép tối đa. Do đó, dự thảo quy định không cho GPLX A1 điều khiển xe trên 125cc là rất bất cập. “Không chỉ tôi mà hàng nghìn người đang dùng bằng A1 để đi các loại xe trên 125cc. Giờ bắt thi thêm một bằng lái nữa để sử dụng phương tiện họ vẫn lái suốt bao năm nay thật là khó hiểu” – anh Hà bức xúc.
Luật phải có tính thuyết phục chứ không phải cưỡng bức
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đặt câu hỏi rằng việc đơn vị soạn thảo Luật GTĐB sửa đổi muốn chia nhỏ các hạng GPLX nhằm mục đích gì? “Trước nay có 12 hạng, có vấn đề gì đâu. Giờ chia nhỏ thành 17 hạng để làm gì? Trước đây cùng một bằng lái tôi được điều khiển xe từ 50cc đến 175cc có sao đâu. Giờ bắt tôi thi thêm một bằng lái nữa thì giải quyết được vấn đề gì hay lại sinh ra tốn kém” – ông Thanh nói.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thanh cho rằng, người đưa ra đề xuất phân hạng GPLX như trong dự thảo Luật GTĐB phải đưa ra được lời giải thích thỏa đáng và thuyết phục để người dân hiểu, để từ đó họ chấp nhận chứ không thể để việc thực hiện luật theo kiểu cưỡng bức thì sẽ sinh ra rất nhiều phiền hà và tiêu cực.
“Cái chính là đề xuất phải có tính thuyết phục và khoa học chứ ông cứ ngồi một chỗ mà vẽ ra thì 17 hạng chứ 25 hạng cũng vẽ được” – ông Thanh nói và cho biết thêm, bất kỳ một cuộc thay đổi nào liên quan đến văn bản luật cũng cần phải có sự nghiên cứu kỹ chứ không phải ngẫu hứng mà đưa ra. Tuy nhiên, rất nhiều lân các đơn vị soạn thảo văn bản luật của nước ta đã không làm được điều này. Tức là họ cứ đề xuất theo ý của mình, khi lấy ý kiến dư luận, đề xuất nào bị phản đối nhiều quá thì bỏ hoặc thay đổi, còn không thấy ai nói gì là giữ lại. Đấy là cách không có nguyên tắc và khoa học.
“Đơn cử như quy định đi xe máy dưới 50cc phải có bằng A0, bao nhiêu năm nay người ta có GPLX gì đâu mà giờ đòi phải có GPLX. Người bảo vệ thì bảo cần vì lũ trẻ giờ đi bậy quá, phải cho học luật. Nhưng sau khi được học luật, thi lấy bằng thì có ai dám đảm bảo sẽ hết đi bậy không? Muốn hết đi bậy thì phải có sự chuyển biến về nhận thức và hành vi” – ông Thanh nói.
Sai hẳn về mặt khoa học
Trước những phản ứng trái chiều từ dư luận, ngày 30/6, ông Lương Duyên Thống - Vụ Quản lý phương tiện và người lái (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) đã lên tiếng giải thích rằng việc thay đổi các hạng GPLX như đề xuất trong bản dự thảo Luật GTĐB sửa đổi để phù hợp chuẩn quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cách tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ.
Ông Thống cũng khẳng định, việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng và phát sinh thủ tục và chi phí cho người dân bởi những người đang có GPLX sẽ vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến khi GLPX đó hết hạn thì sẽ được đổi thành hạng mới. Riêng GPLX hạng A1 không có thời hạn nên người nào đang có GPLX này sẽ tiếp tục điều khiển xe máy có dung tích động cơ dưới 175cc, không phải đổi sang GPLX mới (?!).
TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông cho rằng, nếu như bản dự thảo Luật GTĐB sửa đổi được chấp nhận sẽ tạo ra sự lẫn lộn rất lớn giữa GPLX cũ và GPLX mới. “Ví dụ như hạng A1 chẳng hạn, lúc đó sẽ có 2 loại GPLX hạng A1 là loại cũ và loại mới nhưng giá trị sử dụng lại khác hẳn nhau” – TS Đức đơn cử. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu trong xã hội. Đầu tiên là việc phân biệt GPLX cũ và mới sẽ “loạn xị ngậu” lên, thậm chí dẫn đến cãi nhau. Hoặc có thể một thời gian nữa sẽ có thêm quy định yêu cầu tất cả các GPLX cũ đều phải đổi lại. “Tôi đánh giá đây là quy định không hợp lý và sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn trong đời sống thực tế” – TS Đức nói.

"Về nguyên tắc một hệ thống mà muốn giữ ổn định không nên có sự thay đổi hoặc trong trường hợp muốn phân lại phải theo những nguyên tắc nhất định. Cách phân hạng GPLX như trong bản dự thảo Luật GTĐB sửa đổi là không theo nguyên tắc nào nên chắc chắn sẽ dẫn đến sự lộn xộn. Đơn vị soạn thảo luật đã sai hẳn về mặt khoa học khi phân loại, điều này sẽ gây khó khăn cho cả người dân lẫn các đơn vị quản lý về sau. Ở nhiều nước trên thế giới họ cũng thực hiện việc phân hạng GPLX nhưng không chia nhỏ ra làm quá nhiều hạng và nhất là lộn xộn như thế này." -Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức


"Hiện nay, Chính phủ đang kêu gọi các ngành phải giảm thiểu các thủ tục hành chính thì cách làm này chính là làm phát sinh thủ tục hành chính, phát sinh rất nhiều mà còn gây thêm phiền hà, tốn kém cho người dân. Với bằng B1 lâu nay tôi đang được lái ô tô mà giờ chỉ cho phép tôi lái xe 3 bánh thì sợ rồi." -Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh

Quý Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h